Tỉnh Bến Tre:

Phục hồi sản xuất nông nghiệp và gia tăng giá trị hàng nông sản

Theo Hoàng Thương/Báo Đồng Khởi

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội là 2 nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đang tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thu hoạch chôm chôm ở xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách. Ảnh: T. Huyền
Thu hoạch chôm chôm ở xã Hòa Nghĩa, Chợ Lách. Ảnh: T. Huyền

Phục hồi sau hạn mặn và dịch bệnh

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức cho biết, nông nghiệp tỉnh Bến Tre sau thời gian hạn mặn và dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá căn cứ các tiêu chí sau: Thứ nhất, tình hình sinh trưởng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi. Thứ hai, chuỗi sản xuất đã ổn chưa và có gì bất cập không. Thứ ba là giá trị nông nghiệp có phù hợp hay không.

Về tình hình sinh trưởng, phát triển cây trồng, vật nuôi, kể cả thủy sản, năm nay tỉnh phát triển rất tốt. Ngành nông nghiệp đã đi khảo sát một số vùng sản xuất, kể cả những vùng bị tổn thương rất nặng sau hạn mặn như ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, vùng cây ăn trái ở huyện Chợ Lách, hiện tại cây sinh trưởng rất tốt. Vườn dừa năm nay dự báo sẽ rất trúng mùa.

Về các gói hỗ trợ phát triển sản xuất như hỗ trợ về hạn mặn trên cây ăn trái và vườn dừa đã khơi dậy sự tích cực của người dân hơn trong sử dụng các giải pháp kỹ thuật để phục hồi vườn dừa, vườn cây ăn trái sau hạn mặn đạt kết quả rất khả quan. Do đó, người nông dân rất an tâm trong sản xuất.

Về chuỗi sản xuất, hiện nay đang có kênh rất tốt, không riêng gì các doanh nghiệp mà các hợp tác xã, tổ hợp tác đã bắt đầu hoạt động trở lại, đầu vào, đầu ra đều có những chỉ số tăng lên rất rõ. Điều đó chứng tỏ rằng sau hàng loạt những giải pháp thì chuỗi này đang dần khôi phục trở lại.

Về giá trị nông nghiệp, đang có hướng tăng trở lại, có những con số rất rõ, thể hiện qua vật giá, tiêu thụ. Đơn cử như bưởi da xanh của các cơ sở thu mua như Hương Miền Tây, trước đây chỉ trên dưới 10 - 15 ngàn đồng/kg, nay có giá trung bình trên dưới 30 ngàn đồng/kg. Giá dừa khô tại vườn khoảng 100 ngàn đồng/chục; giá tôm khoảng 60 con/kg từ 120 - 130 ngàn đồng/kg. Heo trước đây giá chỉ 3 triệu đồng/tạ nay lên khoảng 4 triệu đồng/tạ.

Chỉ có giá dê là xuống thấp nhưng không đáng lo, vì hàng năm vào mùa này thường giá dê không cao, một phần do các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận nuôi sản lượng nhiều và chuyển đến thị trường Bến Tre với số lượng lớn nên giá thấp. Thị trường tiêu thụ con dê ở TP. Hồ Chí Minh chưa hoạt động trở lại (đa số người nuôi bán dê cho thị trường này). Thời gian tới giá dê sẽ tăng trở lại nên người nuôi yên tâm.

Những giải pháp trọng tâm thời gian tới

Thứ nhất là thống nhất phối hợp thông tin tuyên truyền việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đối với sản xuất nông nghiệp là vấn đề sống còn. Vì một số lĩnh vực sản xuất khác có thể tạm ngưng nhưng nông nghiệp thì không. Bởi khi ngưng sản xuất hàng nông sản thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chuỗi sản xuất và cuộc sống người dân.

Qua đại dịch cho thấy, khi nào chuỗi sản xuất tốt, hiệu quả tốt thì tổn thương và sự gánh chịu của nó sẽ giảm đi rất nhiều và có khả năng phục hồi nhanh hơn. Đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy của người dân về ý nghĩa và nhu cầu tất yếu của việc tổ chức sản xuất, tham gia kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị nông sản.

Giải pháp thứ hai là nhanh chóng củng cố lại các chương trình hợp tác. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành nông nghiệp và các ngành có liên quan về nội dung này.

Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phát huy tốt vai trò của nhà khoa học trong nghiên cứu, tiếp cận và hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ số vào các công đoạn, các khâu từ giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng cao sau thu hoạch, truy xuất sản phẩm, phân tích và đánh giá xu hướng thị trường tiêu thụ...

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, tạo sản phẩm chất lượng, đồng nhất. Đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai các chiến lược phát triển thương hiệu; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, GAP... tại các hợp tác xã nông nghiệp để mở rộng vùng nguyên liệu sạch, đạt chứng nhận phục vụ nhu cầu phát triển thị trường, nhất là cho thị trường xuất khẩu như: dừa, bưởi, tôm, heo, bò... Tăng cường giám sát, quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý; quản lý, khai thác, phát triển các nhãn hiệu đã được xây dựng và bảo hộ. Tiếp tục xây dựng hệ thống nhận diện địa phương, nhận diện thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: Các giải pháp phòng chống thiên tai và dịch bệnh, mặc dù dịch bệnh ngày càng diễn biến hết sức phức tạp nhưng chúng ta có những ứng phó hết sức bình tĩnh và đúng mực nên không quá hoang mang. Tỷ lệ tiêm ngừa bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đạt tới 40% trên tổng đàn. Việc kiểm soát tránh lây lan đã được ngành chức năng thực hiện quyết liệt.

Đồng thời, những thông tin và các giải pháp phòng chống mà ngành chức năng khuyến cáo cũng đến được với người nuôi. Bệnh dịch tả heo châu Phi bước đầu phòng chống có hiệu quả. Tuy đã có dịch bệnh phát sinh nhưng ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp kịp thời, có những bước đi phù hợp để đối phó. Mỏ Cày Nam là huyện đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai thành công các giải pháp phòng trị sâu đầu đen gây hại dừa.

Về phòng chống hạn mặn, ngành nông nghiệp đã có kế hoạch, giải pháp triển khai, bởi hạn mặn gây tổn thất rất lớn đối với ngành nông nghiệp. Ngành đã khảo sát qua một số địa bàn của các huyện cho thấy, đến nay tâm thế của người dân có sự chuẩn bị khá tốt trong công tác phòng chống hạn mặn sắp tới. Đặc biệt là huyện Chợ Lách, ngoài các giải pháp công trình do Nhà nước đầu tư, huyện còn triển khai các giải pháp phi công trình khá tốt như trữ nước... Ngoài ra, nhiều nhà vườn đã có nhiều cách trữ nước trong mương vườn rất hiệu quả.

Giải pháp kết nối tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh khâu kết nối với các doanh nghiệp đầu ra. Thực tế sau đại dịch thì phạm vi, quy mô hoạt động các chủ vựa một số loại cây ăn trái không bị thu hẹp mà còn mở rộng hơn.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức: “ Thời gian qua, ngành chức năng đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, kể cả các sản phẩm thông thường chưa phải là sản phẩm OCOP. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu. Hỗ trợ người dân các xã kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn”.