Quản lý gián đoạn nguồn cung để duy trì tăng trưởng kinh tế Việt Nam

TS. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT /diendandoanhnghiep.vn

Tùy tình hình tại từng địa phương, hành động của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng và các hoạt động sản xuất kinh doanh giúp Việt Nam đạt được mục tiêu kép.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Do tính chất công việc nên phần lớn nhân công trong lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ thiết yếu, không thể làm việc tại nhà. Nếu họ buộc phải ở nhà sẽ gây ra hậu quả xấu đến hoạt động sản xuất, xử lý đơn hàng và quản lý nguyên liệu thô.

Nguồn cung hàng gia dụng sẽ biến động khi người tiêu dùng lo ngại về tác động tiêu cực của việc đình trệ sản xuất. Nhu cầu tăng cao khiến cho tình trạng thiếu hụt càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến hiệu ứng Bullwhip ( tiếng Anh: Bullwhip Effect - là hiệu ứng phản ánh hiện tượng sai lệch số lượng sản phẩm sản xuất ra so với nhu cầu thực tế) khi nhu cầu thị trường về một sản phẩm bị bóp méo.

Đối với các dịch vụ như cho thuê nhà, y tế và giải trí, nhu cầu có thể sẽ tăng hoặc giảm mạnh trong thời gian ngắn khi nhân viên phải thay đổi nơi làm việc do hạn chế đi lại.

Ví dụ, về các cơ sở y tế tuyến tỉnh có thể phải đối mặt với tình trạng bệnh nhân tăng vì người dân không thể đến bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh do biện pháp cách ly với những người trở về từ nơi này. Việc sản xuất và tiêu thụ hàng tươi sống cũng sẽ bị ảnh hưởng khi hiện nay mỗi khu vực có xu hướng chuyên môn hóa một số mặt hàng nhất định và không thể đáp ứng được nhu cầu thay đổi đột ngột từ phía khách hàng.

Bằng chứng thực tế từ nhiều quốc gia cho thấy quan điểm mâu thuẫn về tác động chính của đại dịch đối với nền kinh tế thế giới.

Một số cho rằng chính việc giãn cách xã hội, chứ không phải COVID-19, đang gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Một số khác nghĩ rằng nếu để dịch bệnh lây lan không kiểm soát, các hoạt động kinh tế có thể giảm tới 30% mỗi tháng do nhân công bị nhiễm COVID-19 không thể đến làm việc. Đó là chưa tính tới các tác động xã hội khác như tỉ lệ mắc bệnh và tử vong.

Để đáp ứng mục tiêu kép của Chính phủ, tác giả đề xuất một số biện pháp nhằm cân bằng cuộc chiến chống vi rút và những nỗ lực phục hồi kinh tế.

Thứ nhất, xác định các ngành kinh tế mũi nhọn và mức độ giảm thiểu hoạt động tối đa các ngành này có thể chấp nhận do giãn cách xã hội mà không gây tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Các ngành này gồm vật tư y tế và năng lượng, sản xuất hàng hóa thiết yếu và các chuỗi cung ứng dịch vụ chủ chốt, và vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Thứ hai, xác định và tối ưu hoá các ngành có thể bố trí làm việc từ xa và hoạt động hiệu quả ngay cả khi tiếp xúc xã hội tối thiểu, chẳng hạn như giáo dục, công nghệ hoặc dịch vụ thương mại. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc giảm bớt các hoạt động xã hội trong một số ngành nhất định cũng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cho người lao động trong các ngành thiết yếu.

Thứ ba, đưa ra hướng dẫn, quy trình và quy định đánh giá rủi ro, đồng thời củng cố hành vi phù hợp của mọi thành viên trong chuỗi cung ứng để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh chung. Điều này giúp tránh việc một số doanh nghiệp đầu tư lớn cho các biện pháp an toàn của công ty nhưng toàn bộ chuỗi cung ứng lại kém hiệu quả do một số thành viên không tuân thủ.

Thứ tư, thiết lập các biện pháp y tế tránh gián đoạn chuỗi cung ứng bằng cách chấp nhận mức độ lây nhiễm trong cộng đồng ở mức kiểm soát được để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho nền kinh tế. Việc trở lại tình trạng bình thường phụ thuộc vào khả năng truy tìm nguồn lây, xét nghiệm quy mô lớn và cách ly người nhiễm hiệu quả.