Quy tắc xuất xứ hàng hóa: "Giấy thông hành" cho hàng dệt may

Theo Quỳnh Nga - Hoàng Lan/congthuong.vn

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là "cơ hội vàng" của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, để hưởng mức thuế quan ưu đãi từ CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Doanh nghiệp dệt may không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp dệt may không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Nguồn: Internet

Hưởng lợi không dễ

Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước xuất khẩu (XK) dệt may cao nhất thế giới và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tốc sau khi CPTPP có hiệu lực. Dự báo, ngành dệt may có thể đạt mục tiêu kim ngạch XK 40 tỷ USD trong năm 2019. Trong đó, chỉ riêng tại hai thị trường tiềm năng là Australia và Canada, năm 2019, ngành dệt may phấn đấu tăng XK mỗi nước khoảng 500 triệu USD.

Hiệp định CPTPP có hiệu lực đồng nghĩa sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi XK vào thị trường các nước đối tác. Việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác. Đây thực sự là cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, CPTPP có chương riêng về dệt may với những quy định mang tính đặc thù về quy tắc xuất xứ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, đối với mặt hàng dệt may, nếu như trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1 - 2 công đoạn, thì hiệp định CPTPP áp dụng nguyên tắc 3 công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên CPTPP.

Quy tắc xuất xứ sẽ bảo đảm sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại". Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ ưu đãi, hàng hóa sẽ được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi và đây mới là "giấy thông hành" - cam kết pháp lý quan trọng nhất để DN được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. "Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý, mặc dù quy tắc hàng dệt may trong CPTPP chặt hơn tại một số FTA khác, nhưng hiệp định cũng cho phép đối với nguồn nguyên liệu không có sẵn trong khối, doanh nghiệp được phép nhập khẩu từ ngoại khối" - bà Trịnh Thị Thu Hiền nói.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi - cho rằng, hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó đáp ứng được điều kiện về xuất xuất hàng hóa. Điều kiện để được hưởng ưu đãi từ CPTPP là phải đáp ứng yêu cầu từ sợi, trong khi doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu gia công, may theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài.

"Tuy nhiên, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn sản xuất nguyên phụ liệu dệt may đã chuyển dịch hoạt động về Việt Nam. Đấy là tín hiệu tốt để doanh nghiệp trong nước có nguồn cung nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để xuất sang thị trường CPTPP" - ông Đỗ Xuân Hưng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với "nút thắt" tồn tại nhiều năm nay, đó là thiếu hụt nguyên liệu và phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia không nằm trong khối CPTPP. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần có tầm nhìn trong xây dựng chuỗi liên kết để hưởng được lợi ích từ hiệp định này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần chú trọng phát triển công nghệ, nhất là vào các dự án sản xuất nguyên liệu, để dệt may phát triển bền vững, gia tăng sức cạnh tranh.

Ông Đỗ Xuân Hưng - Giám đốc tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi: Chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước có những khóa đào tạo, hướng dẫn để doanh nghiệp có thể tìm hiểu rõ hơn điều kiện, lợi ích của CPTPP, từ đó, doanh nghiệp có lộ trình thực hiện để tận dụng được những cơ hội từ hiệp định đem lại.