Rót thêm vốn tín dụng có tháo gỡ được ách tắc đầu ra cho hạt lúa?

Theo An Hoà/nhadautu.vn

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, vốn tín dụng chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ đề tháo gỡ ách tắc đầu ra cho lúa hè thu hiện nay.

Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: An Hòa
Thu hoạch lúa ở tỉnh Hậu Giang. Ảnh: An Hòa

Quan trọng nhất là khâu lưu thông hàng hóa

Nhằm chung tay tháo gỡ ách tắc đầu ra cho vụ lúa Hè thu, ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 5747/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo.

Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực ĐBSCL.

Theo Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đào Minh Tú, bức tranh tiêu thụ lúa gạo nói riêng, nông sản nói chung hiện nay rõ ràng có rất nhiều vướng mắc, rất nhiều những khó khăn, tất nhiên khách quan là do dịch COVID-19 nhưng quá trình tổ chức, những cơ chế biện pháp phòng chống dịch của các địa phương chưa tốt đã cộng hưởng tạo ra câu chuyện khó khăn cho doanh nghiệp trong thu mua nông sản. Trong đó, nổi lên các vấn để về logistics, xuất khẩu, đầu vào của sản xuất tăng cao làm cho nông dân không muốn sản xuất vụ sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, chiến lược xuất khẩu hàng hóa không chỉ năm 2021 mà còn kéo dài sang năm 2022.

Trở lại với câu chuyện sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, có phải thiếu vốn tín dụng gây khó khăn cho ngành hàng này hay không? Tôi tin chắc rằng không phải, vì điều đó được chứng minh là Công ty Trung An, Công ty Lộc Trời cho biết tất cả hạn mức mà doanh nghiệp đã ký kết với ngân hàng đều được giải ngân như kế hoạch và nếu như trong điều kiện bình thường thì tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ diễn ra trôi chảy. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là trong khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, lúa hàng hóa còn rất nhiều, doanh nghiệp cần vay ngoài hạn mức để mua thêm.

“Tôi xin khẳng định hiện nay vốn ngân hàng không thiếu vì “cầu” tín dụng của nền kinh tế không cao. Việc doanh nghiệp đề xuất tài sản đảm bảo bằng sản phẩm là lúa gạo trong kho, điều này các ngân hàng đã thực hiện từ lâu rồi. Vấn đề lớn nhất khi nới hạn mức cho vay vẫn là phương án kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, vay mua, tồn trữ và bán lại lời lỗ ra sao, bởi vì cho dù vay với lãi suất thấp thì doanh nghiệp vẫn phải trả lãi. Do đó, nút thắt lớn nhất cần tháo gỡ là tồn kho của doanh nghiệp, làm sao khơi thông được thị trường tạo đầu ra tốt, có vào có ra thì mới kích thích được doanh nghiệp đẩy mạnh vay thu mua nông sản cho bà con nông dân”, ông Tú phân tích.

Phó Thống đốc NHNN thông tin thêm: Hiện nay tổng dư nợ cho vay thu mua lương thực cả nước đạt 142.00 tỷ đồng nhưng riêng khu vực ĐBSCL là 75.058 tỷ đồng, chiếm đến 55% dư nợ của cả nước. Trong đó các địa phương có diện tích trồng lúa lớn và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo như An Giang dư nợ 12.620 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2020; Cần Thơ dư nợ 11.020 tỷ đồng, tăng 30,8%; Kiên Giang dư nợ là 8.199 tỷ đồng, tăng 16%; Hậu Giang dư nợ 2.474 tỉ đồng, tăng 21%; Vĩnh Long dư nợ 1.398 tỉ đồng, tăng 27%...

Mức tín dụng chung cả nước đến nay chỉ tăng 6,76%, nhưng riêng cho vay thu mua lúa gạo của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tăng 17%, điều này cho thấy hệ thống các ngân hàng đã có sự ưu tiên cấp tín dụng cho ngành hàng lúa gạo của vùng trong thời gian qua.

3 nút thắt cần tháo gỡ

Theo phản ánh của đa số đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến bàn giải pháp tiêu thụ lúa gạo vụ Hè thu, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức thì, để tháo gỡ được ách tắc đầu ra cho lúa gạo cần phải giải quyết được 3 nút thắt.

Thứ nhất, các địa phương cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cần phối hợp ban hành quy định chung thống nhất về điều kiện đến địa phương để thu hoạch, thu mua, vận chuyển lương thực theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa có thể. Đồng thời, cụm cảng phục vụ xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh phải cải thiện năng lực phục vụ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp ĐBSCL.

Nút thắt thứ hai là các địa phương phải tạo điều kiện tối đa, và hướng dẫn các doanh nghiệp xay xát, chế biến lúa gạo sản xuất an toàn để các doanh nghiệp này duy trì sản xuất, góp phần thu mua tồn trữ lúa gạo cho nông dân.

Nút thắt thứ ba cần được tháo gỡ đó là hiện nay giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đầu vào đang tăng thẳng đứng, trái ngược với giá lúa gạo bán ra đang giảm mạnh đã làm cho nhiều nông hộ không dám đầu tư sản xuất cho vụ sau, điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung mà còn đe dọa đến an ninh lương thực trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19 hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cho biết: theo thông tin mà Bộ nắm được thì “cầu” lương thực trên thế giới vẫn tăng, nhất là các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Mặc dù logistics đi đến các nước cũng bị ảnh hưởng mà báo chí đã nói nhiều như giá cước tăng, thiếu container rổng… nhưng nhìn chung thị trường xuất khẩu đang tốt lên, gần đây Trung Quốc - một thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam cũng đang có kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều lương thực.

Tuy nhiên, các vấn đề khó khăn nội tại hiện vẫn chưa được giải quyết, đó là việc các địa phương vì quá siết chặt quy định phòng chống dịch mà làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở cùng một địa phương nhưng có khi lãnh đạo tỉnh nói thế mà lãnh đạo ngành y tế lại yêu cầu khác hơn. Vấn đề đặt ra hiện nay là trong mỗi địa phương và giữa các địa phương trong vùng phải có quy định nhất quán để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Khi hoạt động thuận lợi thì doanh nghiệp mới tăng cường thu mua lúa gạo; khi thương lái đi lại thuận lợi thì mới tăng cường để mua nông sản cho bà con nông dân, khi đó đầu ra cho nông sản sẽ được cải thiện.

Về khó khăn do năng lực tiếp nhận, phục vụ tại các cảng TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương cũng đã cùng với Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông Vận tải cùng tháo gỡ, tuy nhiên việc này cũng không thể ngày một, ngày hai mà thông suốt như lúc bình thường được. Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu nên đóng container tại nhà máy vì nhân công tại các cảng hiện nay rất thiếu do hạn chế để phòng dịch.

“Nghe địa phương phản ánh không biết thực hư thế nào về việc hai doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành lúa gạo là Vinafood 1 và Vinafood 2 chưa nhiệt tình tham gia mua lúa gạo cho bà con, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho kiểm tra lại thông tin phản ánh 2 doanh nghiệp này. Về mua tạm trữ chúng ta ưu tiên cho doanh nghiệp thực hiện, tuy nhiên nếu các doanh nghiệp, mà ngay như hai doanh nghiệp nhà nước nêu trên cũng không thực hiện thì tôi đề xuất nên thực hiện mua tạm trữ quốc gia, đây là giải pháp đối trọng cần thiết để chặn đà giảm giá của lúa gạo, đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân trồng lúa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất.