Số hóa mô hình kinh doanh để chinh phục người tiêu dùng

Theo Mỹ Phương/TTXVN

Số hóa là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh và tăng năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mô hình kinh doanh của thế kỷ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích ứng và phát triển.
Mô hình kinh doanh của thế kỷ mới đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới để thích ứng và phát triển.

Chiều 3/10, tại Diễn đàn “Cùng tiến tới doanh nghiệp của tương lai” do Hội Nữ doanh nhân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Anh Dzũng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng, số hóa là một công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh và tăng năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Anh Dzũng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài; trong đó, cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp trải rộng ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với mức tăng trưởng đột phá.

Mặt khác, thị trường tiêu dùng của Việt Nam có tốc độ tăng trường nhanh chóng. Người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ chất lượng; sẵn sàng chi trả cao hơn cho những trải nghiệm cao cấp hơn trong đời sống hàng ngày, nhất là liên quan đến sức khỏe, giáo dục…

Dự báo đến năm 2025, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 98,2 triệu dân. Một số kênh bán lẻ phát triển nhanh và có tiềm năng phát triển lớn là hệ thống bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử…

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền quốc tế cho hay, đổi mới mô hình kinh doanh từ truyền thống đến số hóa đã và đang diễn ra hàng ngày trên thị trường thế giới. Như vậy, doanh nghiệp cần sớm thay đổi tư duy, chứ không phải cải tiến mô hình kinh doanh từng bước.

Thống kê đến năm 2019, có 4 tỷ người sử dụng Internet, chiếm khoảng 51% dân số toàn cầu. Bên cạnh đó, có 5 xu hướng số hóa tái định nghĩa kinh doanh trong năm 2019 như: sự cân bằng trong thế giới số, mô hình kinh doanh tự động hóa, giọng nói của thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, siêu app.

Mô hình kinh doanh tự động hóa, giọng nói của thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, siêu app.
Mô hình kinh doanh tự động hóa, giọng nói của thương hiệu, trải nghiệm khách hàng, siêu app.

Mô hình kinh doanh của thế kỷ mới đòi hỏi doanh nghiệp không làm những mô hình đã tồn tại trong những năm qua mà cần đổi mới và ứng dụng tự động hóa. Trong xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đang không ngừng nỗ lực đưa những mô hình kinh doanh truyền thống lên điện toán đám mây; cửa hàng ảo; số hóa sản phẩm, dịch vụ… để phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi và không giới hạn tiện ích.

Cùng với đó, nếu chỉ tập trung bán sản phẩm, dịch vụ thì doanh nghiệp khó cạnh tranh trên thị trường thương mại tự do và thế giới số. Trong những năm gần đây, bên cạnh việc mua sản phẩm, dịch vụ chất lượng, người tiêu dùng đã ưu tiên chi trả nhiều hơn cho trải nghiệm, tiện ích.

Dẫn chứng cụ thể, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho rằng, ở ngành nông nghiệp có thế mạnh là nông nghiệp bản địa và nông nghiệp số. Đặc biệt, nông nghiệp vùng cao có tiềm năng rất lớn, cạnh tranh nhập khẩu, khả năng xuất khẩu, đất đai chưa ô nhiễm…

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, ứng dụng những công nghệ phù hợp sẽ giúp đơn vị sản xuất giản chi phí, nâng cao chất lượng sản xuất… Đồng thời, việc thay đổi tư duy sản xuất theo tín hiệu thị trường sẽ thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh, mang lại cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.

Liên quan đến xu hướng xuất khẩu và thâm nhập thị trường, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay giá rẻ không còn là yếu tố cạnh tranh “số 1” trên thị trường toàn cầu mà ngược lại có thể dẫn đến nguy cơ bị áp dụng thuế phòng vệ thương mại.

Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu đều phải xem xét lại dự báo tăng trưởng, tính toán mức giá hợp lý và tận dụng hiệu quả chiến lược về giá hàng hóa.

Nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng từ sự bất ổn của những nền kinh tế lớn và chuỗi cung ứng hình thành trong thời gian qua bị xáo trộn. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, tận dụng thuận lợi thương mại… để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Theo đó, doanh nghiệp mạnh là những đơn vị có quy mô kinh doanh lớn, vị thế dẫn đầu, tầm nhìn…

Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục điểm yếu về nội lực, quản trị doanh nghiệp, nhất là cẩn trọng với việc thôn tính khách hàng, đối tác.

Đồng thời, doanh nghiệp nên cảnh giác với việc bị lợi dụng gian lận xuất xứ, tự vệ, chống bán phá giá…