Sôi động mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử

Theo Khánh Nam/Báo Cần Thơ

Giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của nhiều người, đó là chuyển từ mua hàng truyền thống sang mua sắm trực tuyến...Hiện nay đã có 41% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thương mại trên mạng xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Sôi động mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh minh họa
Sôi động mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử. Ảnh minh họa

Xác định trách nhiệm là duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu đến tay người tiêu dùng, đồng hành cùng chính quyền địa phương, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam lên kế hoạch cho giai đoạn “bình thường mới”, hướng đến mục tiêu sẽ là điểm mua sắm xanh - điểm đến an toàn cho người dân.

Với thế mạnh về ngành hàng thực phẩm tươi sống, công ty chú trọng mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn” đối với rau củ quả, trái cây, thịt heo và thủy hải sản, nhằm kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động nguồn cung và đem đến giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

MM Mega Market còn liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại với giá hấp dẫn, giúp khách hàng mua sắm tiết kiệm. Đặc biệt, Trung tâm MM Mega Market đẩy mạnh các giải pháp mua sắm và thanh toán trực tuyến. Theo đó, đơn vị đã ký kết thêm với các đơn vị vận chuyển tăng cường khả năng tiếp nhận đơn hàng, xử lý và giao hàng nhanh chóng hơn.

Bên cạnh ba kênh bán hàng trực tuyến của MM Mega Market Việt Nam là website: MM Click & Get, Zalo OA và Telesales, thì nay khách hàng sẽ có thêm một kênh mua sắm trực tuyến mới là GrabMart, dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào đầu tháng 10.

Nhằm giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ của MM Mega Market mà vẫn đảm bảo an toàn mua sắm trong thời kỳ bình thường mới. Cũng trong nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số, hạn chế tối đa tiếp xúc cho khách hàng, tại các Trung tâm MM Mega Market còn triển khai nhiều phương thức thanh toán trực tuyến linh hoạt và đa dạng thông qua Momo, Payoo, Zalopay (áp dụng cho kênh đặt hàng trực tuyến trên nền tảng Zalo) và thực hiện VNpay trong thời gian tới.

Song song bán hàng tại chỗ, các siêu thị đẩy mạnh hình thức bán hàng online, qua điện thoại, app… Các hình thức này được khách hàng lựa chọn nhiều. Tại Siêu thị GO! Cần Thơ, khách có thể đặt mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng GO & BIG C và Zalo. Hệ thống siêu thị Co.opmart triển khai ứng dụng đặt hàng qua app Saigon Co.op. Mua hàng online trên ứng dụng Speed L (thuộc hệ thống LOTTE Mart) hiện cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn… Khuyến khích khách hàng sử dụng mua hàng qua hình thức này, trên các app luôn có những chương trình ưu đãi riêng.

Ông Hồng Tân Trạng - Giám đốc Trung tâm thương mại LOTTE Mart Cần Thơ, cho biết, trong giai đoạn cao điểm ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách hàng đặt hàng trực tuyến tăng 500-600% so với ngày thường. Nhờ vậy, đã giúp siêu thị đảm bảo doanh số khi kênh bán hàng trực tiếp doanh thu bị giảm mạnh.

Lazada, shopee, Sendo.vn, winmart.vn, Tiki, FPT Shop, Nguyenkim.com,  Chotot.com, Rongbay.com, Vatgia.com, thegioididong.com là một trong những kênh mua sắm trực tuyến lớn tại Việt Nam. Trong suốt thời gian giãn cách xã hội, kênh mua sắm này đã đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa. Hiện nay, trên cả Lazada và Shopee đang áp dụng giảm giá mạnh nhiều mặt hàng như đồ dùng, thực phẩm công nghệ, thời trang, điện máy… Hiện nay, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch nên việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng hơn.

Visa (công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới) vừa công bố kết quả khảo sát nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng cho thấy, giãn cách xã hội và mô hình làm việc tại nhà trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Trong số 10 đơn hàng, có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch. Theo Visa, 77% người tiêu dùng Việt Nam đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Nắm bắt xu hướng đó, các nhà bán lẻ quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội.

Nghiên cứu Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho thấy, đã có 41% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thương mại trên mạng xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Qua thống kê của Facebook trong cuối tháng 6-2021 cho thấy, 81% người tiêu dùng cho rằng họ đã thay đổi thói quen mua sắm từ khi dịch COVID-19 bùng phát, 92% trong số đó khẳng định sẽ tiếp tục hành vi mới này dài hạn cả trong tương lai, dù còn dịch bệnh hay không.

Tương tự Facebook, nhiều chuyên gia thương mại điện tử đưa ra dự đoán trong tương lai, thương mại điện tử sẽ dần chiếm ưu thế so với phương thức mua sắm truyền thống.