Sôi động nhượng quyền thương mại

Theo Đức Ngọc/thoibaonganhang.vn

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại đang thay đổi nhanh chóng diện mạo thị trường bán lẻ. Nguồn: Internet
Nhượng quyền thương mại đang thay đổi nhanh chóng diện mạo thị trường bán lẻ. Nguồn: Internet

Mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam từ cuối những năm 90 song hoạt động nhượng quyền thương mại mới bắt đầu phát triển rất nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây, bình quân tăng 15-20%/năm. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thương hiệu quốc tế, nhượng quyền thương mại đang thay đổi nhanh chóng diện mạo thị trường bán lẻ.

Thị trường rộng mở

Theo thống kê của Bộ Công thương, tính từ năm 2007 đến nay đã có 206 doanh nghiệp (DN) với hàng trăm nhãn hiệu được cấp phép nhượng quyền tại Việt Nam. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan này đã cấp phép nhượng quyền cho 10 công ty nước ngoài. Công ty mới nhất được cấp phép hôm 14/5/2018 là JYSK A/S, đến từ Đan Mạch, chuyên kinh doanh các sản phẩm nội thất.

Ngoài ra, hàng trăm thương hiệu nước ngoài kinh doanh nhượng quyền tại Việt Nam với nhiều mô hình đa dạng, như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống, sản xuất dược phẩm, cửa hàng cho thuê xe, mô hình giáo dục trẻ em, kinh doanh quần áo, giày dép thời trang,…

Theo Bộ Công thương, cùng với cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tại các hiệp định thương mại tự do, cơ sở pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam đã được ban hành chặt chẽ với Luật Nhượng quyền thương hiệu. Trong đó luật cho phép sử dụng luật pháp nước ngoài để điều chỉnh quan hệ nhượng quyền thương hiệu. Với các điều kiện đó, việc hàng loạt các công ty với thương hiệu nổi tiếng thế giới đã và sẽ tìm đến Việt Nam là điều hiển nhiên.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng khác là quy mô thị trường ngày càng được mở rộng. Ông Trần Trọng Huy Thông, Trưởng phòng Marketing và Phát triển thương hiệu, Công ty Miniso Vietnam đánh giá, tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất khu vực ASEAN, có thể đạt 8%/năm.

Bên cạnh đó, bộ phận khách hàng trẻ tại Việt Nam sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn, mong muốn mua sắm thuận tiện hơn với nhu cầu trải nghiệm mô hình mua sắm hiện đại và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhờ đó, các thương hiệu nổi tiếng thế giới từ đồ ăn nhanh, khách sạn, nhà hàng cho đến mỹ phẩm, quần áo đang nhanh chóng bước vào thị trường Việt Nam và ngày càng mở rộng quy mô, như McDonald’s, Baskin Robbins, Haagen-Dazs (đến từ Hoa Kỳ), Pizza Hut, Kentucky Fried Chicken, Pepper Lunch, Burger King (Singapore), Lotteria, Tous Les Jours, BBQ Chicken (Hàn Quốc), Swensen’s (Malaysia), Oasis, Karren Millen, Warehouse, Topshop, Coast London (Anh), Bulgari, Moschino, Rossi (Italy)…

Tuy nhiên, con số thống kê của cơ quan quản lý dường như chưa phản ánh hết mức độ sôi động của thị trường nhượng quyền trong thời gian qua. Trên thực tế, có nhiều thương hiệu dù đã hoạt động trên thị trường nhưng không thấy được ghi nhận trong danh sách.

Cảnh báo sức ép

Theo các chuyên gia, nhượng quyền thương mại hiện đang là một chiến lược phổ biến được các công ty lựa chọn khi mở rộng đầu tư, kinh doanh quốc tế.  Đồng thời, Việt Nam cũng được nhận định là thị trường màu mỡ để phát triển ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại.

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, thành viên sáng lập và điều hành World Franchise Associated chia sẻ, xu hướng các thương hiệu vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong 3 năm tới. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các thương hiệu từ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á quan tâm đến thị trường Việt Nam. Trong số này phải kể đến các thương hiệu từ Malaysia, Singapore hay Thái Lan, Philippines sẽ vào nhiều hơn cùng với các nhãn hàng quốc tế khác.

Ông Suttisak Wilaman, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex đánh giá mặc dù đã phát triển được hơn chục năm nay, song Việt Nam vẫn là thị trường mới nổi của ngành bán lẻ và nhượng quyền thương mại.

Ông nhấn mạnh, thị trường Việt Nam hội đủ các yếu tố tiềm năng như nhu cầu tiêu dùng còn dồi dào, mức thu nhập tăng nhanh và một thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động… Các yếu tố này mang lại triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ cũng như nhượng quyền thương mại phát triển và có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.

Không chỉ tận dụng và khai thác được thị trường, còn nhiều yếu tố khác khiến nhượng quyền thương mại ngày càng trở thành chiến lược phổ biến được các công ty lựa chọn khi mở rộng đầu tư, kinh doanh tại thị trường quốc tế.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho biết, phát triển theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Một trong các vấn đề gây khó khăn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là hiểu và làm quen được với văn hoá nước sở tại. Vì vậy việc nhượng quyền để đối tác Việt Nam giúp họ vận hành và phát triển thương hiệu chính là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.

“Đây là cách huy động vốn và nhân lực rất thông minh của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Doanh nêu quan điểm.

Không chỉ mang lại lợi ích cho bên nhượng quyền, mô hình này còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền, là các DN Việt Nam. Theo đó, nhờ uy tín của các thương hiệu lớn mà sản phẩm của các DN mua lại thương hiệu được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các DN này đỡ tốn một khoản tiền lớn để tạo dựng thương hiệu cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng.

Đó cũng chính là lý do khiến ngày càng nhiều DN Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ cho hay, sẽ có một số rủi ro mà đơn vị nhượng quyền thương mại cần khảo sát kỹ lưỡng trước khi tham gia hoặc mở rộng hình thức kinh doanh này. Các chuyên gia cũng lưu ý, DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng và thương thảo các vấn đề liên quan đến việc chia sẻ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu lại… với phía đối tác nhượng quyền.

Hiện nay, chính các nhà đầu tư mua thương quyền nước ngoài vào Việt Nam vẫn chưa hiểu đúng, đủ về mọi vấn đề liên quan đến thị trường. Bên cạnh những thương hiệu đã rất bài bản, cũng có không ít nhãn hiệu mới nổi, muốn phát triển nhanh như một cách đánh bóng thương hiệu nên chọn Việt Nam nhượng quyền. Các thương hiệu này thậm chí còn chưa hoàn thiện mô hình, quy trình vận hành nên chấp nhận giảm phí nhượng quyền để thu hút người mua. Vì vậy các DN trong nước khi mua nhượng quyền cần cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng.

Một vấn đề khác mà các chuyên gia lưu ý là ở chiều ngược lại, Việt Nam mới đăng ký nhượng quyền được 4 thương hiệu tại thị trường quốc tế, cho thấy quy mô và tiềm lực của DN Việt Nam còn rất nhỏ bé. Như vậy, nếu để các thương hiệu nước ngoài phát triển quá mạnh tại Việt Nam, cũng sẽ gây ra sự chèn lấn ngày một lớn hơn đối với các thương hiệu nội địa.