Sôi động thị trường M&A

M. Yên (theo Đất Việt).

Bên cạnh tăng trưởng về số lượng và giá trị thương vụ, các phương thức và loại hình mua bán, sát nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam ngày càng đa dạng. Đáng chú ý, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp nội đang diễn ra ngày càng sôi động.

Ông Lê Đức Thúy – Nguyên Thống đốc NHNN, cho biết, M&A đang diễn ra sôi động trong lĩnh vực ngân hàng, và đang là một trong những trọng điểm, có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Doanh nghiệp nội áp đảo

Theo ông John Ditty – Chủ tịch KPMG,  tại Việt Nam, một công ty chuyên về dịch vụ tư vấn, mặc dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động M&A ở Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh. Từ năm 2009 đến tháng 4.2012 đã có gần 360 vụ M&A. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 có 35 vụ với tổng giá trị giao dịch đạt 1,5 tỷ USD, tăng 207% so với năm 2010. Nhiều nhất là ngành công nghiệp với 13 vụ, dịch vụ tài chính hơn 10 vụ, hàng tiêu dụng 4 vụ, bất động sản (BĐS) 8 vụ…

Đáng chú ý, các thương vụ liên quan đến các doanh nghiệp nội đang diễn ra với số lượng lớn và ngày càng sôi động. Chỉ tính năm 2011, doanh nghiệp nội thực hiện M&A thành công đã chiếm tới 77% số thương vụ. Tỷ lệ áp đảo này cho thấy hoạt động M&A đang được khối DN nội chủ động tiếp cận để tìm  đường tái cấu trúc, chuyển nhượng lại các dự án hoặc cổ phần đã đầu tư trước đây. Cụ thể là thương vụ sát nhập 3 ngân hàng thành SCB và vụ Eximbank mua cổ phần của Sacombank.

Ông Yoshimitsu Onji – Giám đốc điều hành Tổ chức Nghiên cứu và Quản trị tài chính doanh nghiệp (RECOF), thì cho rằng trong năm 2012, làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh và tạo kỷ lục. Bởi Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng và nguồn lao động dồi dào. Ngoài nhu cầu mua lại các nhà máy, cơ sở sản xuất, nhiều DN Nhật Bản còn có mục tiêu thâu tóm hệ thống phân phối, cũng như nguồn lao động chất lượng. Hiện một số lĩnh vực Nhật Bản đang quan tâm đầu tư là công nghiệp sản xuất (bao gồm thực phẩm, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, xây dựng và dược phẩm), phi sản xuất (tài chính, bán lẻ, logistics, khách sản).

Không phải cứ M&A là thành công

Tuy nhiên, không phải thương vụ M&A nào cũng như mong đợi. Ông John Ditty, cho biết thực chất nhiều DN sau khi M&A, không lường trước hiệu quả hay hậu quả M&A đem lại.

Điển hình là sau 5 năm Dutsche Bank, ngân hàng có tiếng về kinh nghiệm quản lý rủi ro của thế giới, trở thành đối tác chiến lược nước ngoài của Habubank, lại không giúp được Habubank thoát khỏi thâu tóm. Và cuối tháng 4 vừa qua, 85% cổ đông của Habubank đã phải bỏ phiếu chấp nhận sát nhập với SHB, “xóa sổ” thương hiệu Habubank trên thị trường. Cùng với việc Habubank bị sát nhập, tỷ lệ nắm giữ cổ đông chiến lược của Dutsche Bank cũng giảm từ 10% còn hơn 3% của ngân hàng sát nhập. Dutsche Bank còn phải chấp nhận 2 chọn lựa, một là bán lại cổ phần, hai là vẫn phải đảm bảo tỷ lệ sở hữu 10% để trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng sát nhập. Chưa biết lựa chọn Dutsche Bank đưa ra, nhưng thương vụ trên đã làm ngân hàng lỗ tới 533 tỷ đồng.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital Group, cho rằng nguyên nhân sâu xa chính là khác biệt và mâu thuẫn trong văn hóa và cách điều hành quản trị. Ông Lê Hải Trà, Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thì cho rằng để các thương vụ M&A đem lại giá trị, cần phát huy tính cộng hưởng, cụ thể là con người,  đồng thời có sự hòa hợp về văn hóa. Bởi con người là đối tượng bị tác động nhiều nhất khi M&A diễn ra.