Sửa Luật Doanh nghiệp 2020: Giảm thời gian, bớt chi phí

Theo Đỗ Huyền/diendandoanhnghiep.vn

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản trị, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp 2020 dự kiến được sửa đổi.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ là một trong những vấn đề mà Luật Doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ là một trong những vấn đề mà Luật Doanh nghiệp tiếp tục sửa đổi.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi lấy ý kiến về đề nghị sửa đổi Luật doanh nghiệp 2020. Như vậy, chỉ sau chưa đầy 1 năm có hiệu lực, Bộ Luật quan trọng này một lần nữa được mang ra sửa đổi.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lần sửa đổi này của Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục kế thừa tinh thần của Luật Doanh nghiệp, là bệ đỡ vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở lần sửa đổi này, Luật Doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tiếp tục cắt giảm thời gian, chi phí, tháo bỏ những chồng chéo với các pháp luật liên quan.

Thứ nhất, điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp nhà nước phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu những thông tin sau đây: “Báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập; thời hạn công bố phải trước ngày 31/7 hằng năm; bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có)”.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khoản 1 Điều 33 Luật Kế toán và Điều 37 Luật Kiểm toán độc lập năm 2011, các doanh nghiệp nhà nước chỉ phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hằng năm; không quy định doanh nghiệp phải thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm.

Thứ hai, trên thực tế, các doanh nghiệp nhà nước quy mô nhỏ không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm, chỉ có một số công ty mẹ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thuê tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm.

Việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin định kỳ đối với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán theo các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp trong việc thuê các đơn vị tư vấn thực hiện kiểm toán báo cáo trước khi công bố.

Với khoảng 1.000 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định của Luật Doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước hằng năm do toàn bộ khối doanh nghiệp có thể mất chi phí nhiều tỷ đồng để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm trước.

Thứ ba, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luậ Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi xin ý kiến các Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh về bất cập trong thực tiễn triển khai các quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp đều kiến nghị không bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp để phù hợp với quy định hiện hành và tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do nội dung này đã được quy định tại Luật nên Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ hướng dẫn một số quy định tại Luật Doanh nghiệp đã kế thừa các quy định yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện công bố báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán theo đúng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Thứ tư, từ thời điểm triển khai thực hiện các quy định nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được rất nhiều kiến nghị, phản ánh của các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp quy mô lớn thuộc mô hình công ty mẹ - công ty con thuộc Trung ương và các công ty độc lập quy mô nhỏ thuộc địa phương) về sự chồng chéo, không thống nhất về nội dung yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm giữa Luật Kế toán, Luật Doanh nghiệp và Luật số 69/2014/QH13.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, việc yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả những doanh nghiệp quy mô nhỏ, thực hiện nhiệm vụ công ích, cung cấp dịch vụ thủy lợi, thủy nông… (hoạt động chủ yếu không vì mục tiêu lợi nhuận) phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm thực sự không cần thiết do doanh nghiệp đã phải thực hiện báo cáo kiểm toán hằng năm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 109 Luật Doanh nghiệp.

Nhằm giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong thực hiện công bố thông tin doanh nghiệp, khoản 3 Điều 6 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp theo hướng theo hướng báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin không bắt buộc kiểm toán.