Tác động của việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế đến hiệu quả kinh tế của các nước

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 8/2020

Trên thế giới, hiện có rất nhiều nghiên cứu về áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS) trên các phương diện từ lợi ích chi phí của IFRS ở cấp độ quốc gia và cấp độ doanh nghiệp cho đến vấn đề hòa hợp chuẩn mực kế toán nội địa với IFRS, hoặc các nghiên cứu về nhân tố tác động đến việc áp dụng IFRS, đến hiệu quả kinh tế của IFRS.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhìn chung, các nghiên cứu này đều được thực hiện sau khi các doanh nghiệp đã có áp dụng IFRS (tự nguyện hoặc bắt buộc), với mục tiêu so sánh sự khác biệt giữa giai đoạn trước và sau khi áp dụng IFRS, đánh giá hiệu quả kinh tế, hoặc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS. Bài viết đánh giá tổng quan những nghiên cứu về tác động của việc áp dụng IFRS thường được thực hiện xoay quanh hai giai đoạn chính: Tự nguyện áp dụng và bắt buộc áp dụng trên thế giới.

Tổng quan nghiên cứu về tác động của việc áp dụng IFRS

Theo nghiên cứu của Bova và Pereira (2012), việc áp dụng IFRS đã tạo ra hai quan điểm trái ngược nhau. Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng, IFRS mang đến các tiêu chuẩn báo cáo tốt hơn và việc áp dụng thống nhất cho phép so sánh tốt hơn. Cho nên, việc áp dụng IFRS sẽ cải thiện môi trường thông tin vững chắc và đóng góp vào chi phí vốn thấp hơn.

Quan điểm thứ hai cho rằng, chất lượng công bố được định hình bởi chính trị và kinh tế, do đó các chuẩn mực kế toán chất lượng cao hơn sẽ không có nghĩa là sẽ khiến cho báo cáo có chất lượng cao hơn. Trên thế giới, tác động của việc áp dụng IFRS thường được thực hiện xoay quanh hai giai đoạn chính là tự nguyện áp dụng và bắt buộc áp dụng.

Các nghiên cứu về tác động của việc tự nguyện áp dụng IFRS

Tại châu Âu, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tự nguyện áp dụng IAS/IFRS từ những năm 1990. Trong giai đoạn này, có nhiều nghiên cứu về việc áp dụng IAS/IFRS được thực hiện.

Một trong những nghiên cứu chuyên sâu về áp dụng IFRS tự nguyện là nghiên cứu của Barth và cộng sự (2008). Nhóm nghiên cứu này đã áp dụng phương pháp hồi quy để kiểm định về việc áp dụng IAS tự nguyện có làm tăng chất lượng kế toán và làm giảm chi phí sử dụng vốn, bằng cách so sánh nhóm DN đã áp dụng IAS với nhóm chưa áp dụng trong cùng một giai đoạn, và so sánh giữa chính các DN có áp dụng IAS trong giai đoạn trước và sau khi áp dụng tự nguyện.

Số lượng quan sát trong giai đoạn 1990-2003 lên đến 1.885 được lựa chọn từ dữ liệu 319 DN, phần lớn từ 3 quốc gia sau: Thụy Sỹ (có 79 DN áp dụng IAS được chọn/594 quan sát), Trung Quốc (90 DN áp dụng IAS/430 quan sát) và Đức (57 DN áp dụng/329 quan sát).

Đặc biệt, một nửa số liệu trong nghiên cứu này là từ các DN sản xuất. Kết quả nghiên cứu không cho thấy sự khác biệt giữa nhóm có áp dụng IAS và nhóm không áp dụng IAS trong giai đoạn trước khi áp dụng IAS tự nguyện. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chất lượng kế toán của công ty có áp dụng IAS đã cao hơn so với chính các công ty này ở giai đoạn trước đó khi áp dụng GAAP nội địa, và so với nhóm chỉ áp dụng GAAP quốc gia ở giai đoạn áp dụng tự nguyện.

Kế thừa kết quả nghiên cứu của Barth và cộng sự (2008) ở trên, Christensen và cộng sự (2015) đã thực hiện lại việc đánh giá tác động của áp dụng IFRS tự nguyện và bắt buộc đối với chất lượng của báo cáo tài chính (BCTC) của các DN.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là nhóm tác giả chỉ nghiên cứu tại một quốc gia duy nhất là Đức để đảm bảo tính đồng nhất. Dữ liệu thứ cấp từ các BCTC được thu thập qua Thomson One Banker, Datastream, WorldScope và Thomson Ownership trong giai đoạn 1998-2005 (giai đoạn áp dụng IFRS tự nguyện tại Đức).

Từ dữ liệu ban đầu, mẫu được chọn còn lại gồm có có 177 DN không áp dụng IFRS cho đến 2005 (trong tổng số 211 DN chưa áp dụng), và 133 DN tự nguyện áp dụng trước 2005 (trong số 348 DN tự nguyện áp dụng). Kết quả nghiên cứu phù hợp với nghiên cứu của Barth và cộng sự (2008) cho thấy, việc áp dụng IFRS tự nguyện làm giảm quản trị lợi nhuận, tăng ghi nhận lỗ đúng kỳ và tăng giá thị thích hợp của thông tin.

Đối với những DN trì hoãn áp dụng IFRS cho đến khi bị bắt buộc phải áp dụng vào năm 2005, chất lượng thông tin không được cải thiện đáng kể. Các tác giả kết luận, áp dụng IFRS bắt buộc sẽ không cải thiện chất lượng kế toán nếu DN không có động lực để minh bạch thông tin.

Bartov và cộng sự (2005) so sánh giá trị thích hợp của thông tin (được xem là tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng lợi nhuận) khi lập báo cáo dựa theo chuẩn mực kế toán Đức, chuẩn mực kế toán Mỹ và IAS. Số lượng DN tại Đức trong nghiên cứu thử thuộc giai đoạn 1991-2000 là 441 DN, với 2.138 quan sát, sau đó, trong nghiên cứu chính thức từ 1998-2000, tác giả sử dụng 917 quan sát của 416 DN. Lý do tác giả giới hạn thời gian từ 1998-2000 khi nghiên cứu chính thức là do 1997 là năm mà thị trường chứng khoán Đức phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi DN lập BCTC theo IAS hoặc US GAAP bên cạnh chuẩn mực nội địa. Kết quả nghiên cứu định lượng cho thấy, BCTC lập theo IAS hay US GAAP có giá trị thích hợp cao hơn so với chuẩn mực của Đức.

Các nghiên cứu về tác động của việc bắt buộc áp dụng IFRS

Việc Sun và cộng sự (2011) nghiên cứu về tác động của áp dụng IFRS đối với chất lượng lợi nhuận của các DN Mỹ có niêm yết ở các nước đã áp dụng IFRS bắt buộc, chủ yếu tại châu Âu và Úc. Số lượng quan sát tác giả sử dụng là 1.698 DN, khoảng thời gian nghiên cứu là từ năm 2000 đến 2008, chia thành 2 giai đoạn, trước và sau khi áp dụng bắt buộc. 5 biến đại diện cho chất lượng lợi nhuận mà tác giả sử dụng gồm: Biến kế toán dồn tích điều chỉnh được, biến ghi nhận lỗ đúng kỳ, hệ số lợi nhuận phản ứng, lợi nhuận dương nhỏ (tức là tỷ lệ lợi nhuận/tổng tài sản nhỏ hơn 1%) và lợi nhuận bền vững.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc áp dụng IFRS bắt buộc không tạo nên khác biệt đối với 3 biến đầu tiên mà chỉ tác động mạnh đến 2 biến còn lại. Về tổng thể, tác giả kết luận IFRS bắt buộc có tác động tích cực đến chất lượng lợi nhuận của các công ty Mỹ niêm yết trên sàn nước ngoài. Tác giả cho rằng, đây là một kết quả tương đối ngạc nhiên vì chuẩn mực của Mỹ được cho là có chất lượng cao và khó có chuẩn mực nào tối ưu hơn.

Nghiên cứu của FLorou và Pope (2012) lại tập trung vào tác động của IFRS đối với nhà đầu tư tổ chức. Bằng phương pháp định lượng, với 35.160 quan sát từ 10.852 DN tại 45 nước trong giai đoạn 2003 - 2006 (gồm 24 nước đã áp dụng IFRS và 21 nước chưa áp dụng), kết quả cho thấy, áp dụng IFRS bắt buộc đã làm tăng đầu tư từ các tổ chức.

Bên cạnh đó, các tác giả nhấn mạnh việc nhà đầu tư tổ chức tăng sở hữu chủ yếu tập trung tại các nước có cơ chế thực thi mạnh mẽ áp dụng bắt buộc trong năm 2005, đặc biệt là tại các nước có sự khác biệt lớn giữa chuẩn mực nội địa và IFRS. Tác giả cho rằng, kết quả nghiên cứu này rất phù hợp với nghiên cứu của Daske và cộng sự (2008) và Li (2010).

Trong khi đó, nghiên cứu của Horton và Serafeim (2010) về giá trị thích hợp của thông tin tại Vương quốc Anh khi áp dụng IFRS bắt buộc từ năm 2005 cho thấy, giá trị thích hợp bao gồm các thông tin về: Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu (IFRS 2), lợi thế thương mại (IAS 38), thuế hoãn lại (IAS 12), công cụ tài chính (IAS 39) và lợi ích của nhân viên (IAS 19). Mẫu được sử dụng là 297 DN phi tài chính niêm yết trên sàn chứng khoán London tại thời điểm 31/12/2006. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các chuẩn mực về thanh toán trên cơ sở cổ phiếu và lợi thế thương mại đã mang đến những giá trị phù hợp cho thị trường, góp phần làm tăng chất lượng thông tin kế toán.

Có thể nói, các nghiên cứu này đều được thực hiện khi DN đã có áp dụng IFRS, bao gồm cả tự nguyện lẫn áp dụng, khi đã có dữ liệu thứ cấp phản ánh sự thay đổi về chất lượng thông tin trong giai đoạn trước và sau khi áp dụng. Mặc dù kết quả nghiên cứu còn có ý kiến trái chiều, không thể phủ nhận các tác động tích cực của IFRS để cải thiện chất lượng thông tin kế toán.

Các nghiên cứu so sánh giữa tự nguyện và bắt buộc áp dụng IFRS

Daske và cộng sự (2008) nghiên cứu về tác động của IFRS trên thế giới đối với thanh khoản TTCK, chí phí sử dụng vốn và chỉ số Tobin’s q (nhằm đánh giá giá trị DN) tại các quốc gia có bắt buộc áp dụng IFRS. Số lượng DN có áp dụng trong nghiên cứu là 8.726 tại 26 quốc gia, chủ yếu tập trung tại Vương quốc Anh (1.715 công ty), Australia (1.159), Pháp (812), Đức (779), Hongkong (739), Singapore (423) và Nam Phi (394) với tỷ lệ 69% số lượng DN, và tổng số lượng quan sát lên đến 34.673 trong khoảng thời gian nghiên cứu từ năm 2001 đến 2005.

Thống kê của các tác giả cho thấy, chỉ có 9% số lượng DN trên có áp dụng IFRS tự nguyện. Bên cạnh đó, để so sánh, tác giả cũng đưa ra danh mục 26 quốc gia không áp dụng IFRS tại thời điểm thực hiện nghiên cứu, với số lượng DN là 17.389 (chủ yếu là tại Mỹ-7.413, Nhật-3.464, Canada-1.219, Trung Quốc-997, Malaysia-763, Hàn Quốc-748, và Đài Loan-722) với số lượng quan sát là 70.854. Kết quả cho thấy, thanh khoản thị trường có tăng lên, chi phí sử dụng vốn giảm, chỉ số Tobin’q tăng, đặc biệt là trong giai đoạn trước khi áp dụng chính thức.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng, những kết quả trên chỉ xảy ra tại các quốc gia có chính sách khuyến khích sự minh bạch và có cơ chế thực thi pháp lý mạnh. So sánh giữa nhóm chỉ áp dụng IFRS từ khi bắt buộc và nhóm tự đã nguyện áp dụng trước đó, kết quả cho thấy, hiệu ứng thị trường vốn trở nên rõ rệt hơn đối với nhóm tự nguyện, kể cả trong năm chính thức áp dụng bắt buộc. Còn khi so sánh giữa nhóm áp dụng bắt buộc và nhóm chưa áp dụng, tác động của thị trường vốn không có nhiều khác biệt.

Chen và cộng sự (2010) nghiên cứu sự khác biệt của các DN châu Âu giai đoạn trước và sau khi các quốc gia này áp dụng bắt buộc IFRS. Giả thuyết duy nhất được đặt ra là chất lượng kế toán trong giai đoạn áp dụng bắt buộc (2005-2007) cao hơn giai đoạn trước (2000-2004).

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, với kho dữ liệu thứ cấp được khai thác từ BCTC của các DN niêm yết trong giai đoạn 2000-2007, số lượng quan sát lên tới 21.707 quan sát tại 15 quốc gia gồm có Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ai Len, Italia, Luxemburg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, và Vương quốc Anh. Đặc biệt, các tổ chức tài chính không được đưa vào nghiên cứu này vì những đặc thù riêng về công bố thông tin. Nhóm tác giả kết luận rằng, việc áp dụng IFRS kể từ năm 2005 đã góp phần làm giảm quản trị lợi nhuận, qua đó làm tăng chất lượng thông tin kế toán.

Stent và cộng sự (2010) nghiên cứu về tác động của IFRS đối với BCTC trong giai đoạn 2005-2008 tại New Zealand. Tác giả thu thập số liệu từ BCTC của năm chính thức áp dụng và 1 năm trước đó của 56 DN niêm yết, trong đó có 16 công ty “áp dụng sớm” (tự nguyện) và 40 DN “áp dụng trễ”, tức là chỉ áp dụng khi IFRS trở nên bắt buộc tại quốc gia này. Theo tác giả, vào ngày 19/12/2002, ASRB (Hội đồng chuẩn mực kế toán New Zealand) tuyên bố IFRS sẽ bắt buộc áp dụng ở New Zealand từ ngày 1/1/2007 và được cho phép tự nguyện áp dụng từ ngày 1/1/2005.

Kết quả cho thấy, việc chuyển đổi sang IFRS đã làm tăng nợ phải trả của 75% các DN trong nghiên cứu (được giải thích do thuế thu nhập DN và phúc lợi cho người lao động tăng) và giảm vốn chủ sở hữu của 57% DN. 26% DN có tài sản tăng lên, chủ yếu do công cụ tài chính.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng tác động này chủ yếu đối với các DN niêm yết lớn, không ảnh hưởng nhiều đến DN niêm yết nhỏ. Về hiệu quả hoạt động, các tỷ số như ROA, ROE, đòn bẩy tài chính và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đều tăng lên, đặc biệt có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm DN áp dụng tự nguyện (tích cực hơn) so với các DN bắt buộc áp dụng. Tác giả cho rằng, những kết quả này có ý nghĩa đối với cơ quan quản lý và những người làm chính sách kế toán DN.

Nghiên cứu của Barth và cộng sự (2012) nhằm đánh giá khả năng so sánh giữa các DN áp dụng IFRS tại 27 quốc gia (chủ yếu là ở Vương quốc Anh, Australia, Pháp, và Đức) và các DN Mỹ. Số lượng DN ở được chọn để nghiên cứu là 3.400 và số quan sát lên đến 17.714 trong giai đoạn 1995-2006 (trong đó đã bao gồm 8.214 quan sát từ sau khi áp dụng IFRS bắt buộc).

Tương ứng, tác giả lựa chọn dữ liệu thứ cấp từ 8.214 quan sát của các DN Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đã có sự tăng lên của giá trị thích hợp đối với lợi nhuận và vốn chủ sở hữu khi áp dụng IFRS bắt buộc. Hệ thống kế toán và giá trị thích hợp có tính so sánh tốt hơn ở các quốc gia áp dụng IFRS bắt buộc so với các DN Mỹ chỉ áp dụng US GAAP.

Tác động của việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, mặc dù việc áp dụng IFRS mang lại những lợi ích to lớn cho các quốc gia đã áp dụng nhưng để quá trình triển khai và thực thi mang lại hiệu quả cao, phù hợp với đặc thù của quốc gia, Việt Nam cần đánh giá những tác động của IFRS đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội cũng như lường trước được những khó khăn, vướng mắc có thể gặp phải để có hướng giải quyết và chuẩn bị các điều kiện cần thiết trước khi chính thức áp dụng. Trong đó, cần xem xét những tác động của việc áp dụng IFRS gắn với hiệu quả kinh tế tại Việt Nam.

Theo Báo cáo đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS vào Việt Nam do Bộ Tài chính thực hiện (tháng 6/2019), đối với việc thu hút đầu tư nước ngoài, theo khảo sát tại các quốc gia và các DN đại chúng quy mô lớn trong nước, việc áp dụng IFRS và sửa đổi, cập nhật chuẩn mực kế toán Việt nam VAS theo định hướng IFRS sẽ tác động rất tích cực đến việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt thu hút mạnh mẽ các nguồn lực quốc tế trên các khía cạnh: IFRS sẽ được quốc tế thừa nhận, gia tăng lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận được các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Phát triển châu Á… Các DN là công ty con của các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ không còn phải mất thêm chi phí để chuyển đổi BCTC sang IFRS cho mục đích hợp nhất BCTC với công ty mẹ ở nước ngoài.

Đối với thị trường tài chính, TTCK, việc áp dụng IFRS góp phần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế toán nhiều loại công cụ tài chính, tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý, đồng thời nâng cao tính minh bạch, khả năng so sánh của BCTC, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho người sử dụng báo cáo, đặc biệt là tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư, bên cho vay, từ đó thúc đẩy TTCK, thị trường vốn phát triển mạnh mẽ hơn.

Việc xây dựng các quy định cụ thể về công cụ tài chính, giao dịch phái sinh tác động mạnh mẽ đến cả thị trường sơ cấp (thị trường phát hành công cụ tài chính) và thị trường thứ cấp (thị trường giao dịch). Việc áp dụng Chuẩn mực BCTC quốc tế là một trong những yếu tố để nâng hạng cho TTCK Việt Nam.

Việc áp dụng IFRS tại Việt Nam cũng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng DN. Cụ thể, IFRS yêu cầu BCTC của các DN phải được trình bày cho mục đích chung một cách trung thực và hợp lý mà không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Ban giám đốc hoặc Ban Lãnh đạo DN nhằm phản ánh không trung thực tình hình tài chính của DN (cho mục đích đi vay, đẩy giá cổ phiếu hoặc che giấu những khoản lợi nhuận để hưởng lợi về thuế).

Về trách nhiệm giải trình, IFRS yêu cầu trình bày và thuyết minh chi tiết về những rủi ro mà DN có thể gặp phải như rủi ro kinh doanh, rủi ro tín dụng, rủi ro chính sách... nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho các nhà đầu tư, chủ nợ khi quyết định đầu tư vào DN.

Ngoài ra, IFRS cũng yêu cầu thuyết minh rất chi tiết các khoản mục quan trọng của BCTC nhằm giúp người sử dụng BCTC có được những thông tin tài chính hữu ích nhất để đưa ra các quyết định kinh tế. Về kết quả kinh doanh, IFRS hướng đến việc trình bày thông tin tài chính một cách thận trọng, đề  cao sự ổn định và an toàn tài chính lên trên mục tiêu lợi nhuận. Do vậy, IFRS yêu cầu các DN phải ghi nhận ngay các khoản tổn thất do suy giảm giá trị tài sản, do biến động về giá trị hợp lý, do giá trị thuần có thể thực hiện được hoặc giá trị có thể thu hồi của tài sản thấp hơn giá trị ghi sổ…

Thông tin tài chính được cung cấp trên nền tảng IFRS sẽ giúp DN đánh giá được tình hình tài chính tại thời điểm báo cáo cũng như giúp Ban giám đốc có được những thông tin phục vụ tốt hơn cho việc dự báo kết quả hoạt động và dòng tiền trong tương lai, từ đó có căn cứ và công cụ để thực hiện công tác quản trị, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn.

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2019), Báo cáo đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS vào Việt Nam;
2. Bộ Tài chính (2020), Đề án áp dụng Chuẩn mực BCTC tại Việt Nam;
3. Aburous, D. (2018). IFRS and institutional work in the accounting domain. Critical Perspectives on Accounting. 62(C), 1-15;
4. Bahadir O., Demir V. & Oncel A. G. (2016). IFRS Implementation in Turkey: Benefits and Challenges. Journal of Accounting and Management Information Systems, 15(1), 5-26;
5. Barth, M.E., Landsman, W.R., Lang, M., & Williams, C. (2012). Are IFRS-based and US GAAP-based accounting amounts comparable? Journal of Accounting and Economics, 54, 68–93.