3 vấn đề doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cần lưu ý

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Tùy thuộc vào tính chất đặc thù của mỗi ngành sản xuất mà pháp luật có những quy định khác nhau. Dưới đây là một số vấn đề đáng lưu ý dành cho các doanh nghiệp sản xuất đang trong quá trình hoạt động.

3 vấn đề doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cần lưu ý
Doanh nghiệp phải thành lập nhà xưởng/chi nhánh tại các vùng lân cận để thực hiện việc sản xuất.Nguồn: plf.vn

Thứ nhất, về địa điểm đặt trụ sở chính của doanh nghiệp: Đối với các ngành sản xuất, chế biến, nuôi trồng,… doanh nghiệp không được đặt trụ sở chính tại khu dân cư tập trung, khu vực nội thành mà chỉ được đặt tại các vùng lân cận, xa khu dân cư.

Trường hợp doanh nghiệp muốn đặt trụ sở chính trong nội thành, doanh nghiệp chỉ được thực hiện mua bán hàng hóa, trưng bày sản phẩm và phải thành lập nhà xưởng/chi nhánh tại các vùng lân cận để thực hiện việc sản xuất, chế biến, nuôi trồng,…

Trên thực tế, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 200/2004/QĐ-UBND vào ngày 18/08/2004. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh không thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong khu dân cư tập trung đối với các ngành nghề như: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất làm lạnh, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn,… Trường hợp có nhu cầu sản xuất tại địa chỉ khác ngoài địa chỉ trụ sở chính đặt tại khu dân cư, doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh các ngành nghề nêu trên và cam kết không hoạt động tại trụ sở.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nêu trên đang hoạt động trong khu dân cư tập trung phải thực hiện đúng kế hoạch di dời của UBND thành phố, nếu doanh nghiệp thực hiện di dời sớm và đúng kế hoạch sẽ được hỗ trợ khen thưởng theo quy định của thành phố.

Trong thời gian chưa di dời, các doanh nghiệp đang hoạt động phải nghiêm chỉnh chấp hành các tiêu chuẩn quy định về bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về các quy định bảo vệ môi trường: Tùy thuộc vào tính chất, quy mô, công suất của dự án theo quy định pháp luật mà chủ các dự án phải lập, đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định và phê duyệt. Doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký Bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định, trường hợp không thực hiện sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với các đối tượng không phải lập dự án đầu tư hoặc phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng đối với các đối tượng phải lập dự án đầu tư.

Tương tự, doanh nghiệp bắt buộc phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, nếu không thực hiện thì sẽ phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng. Ngoài hình thức phạt tiền như trên, doanh nghiệp vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng.

Thứ ba, về các loại giấy phép con: Tùy thuộc vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp phải xin một hoặc nhiều giấy phép kinh doanh/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh/giấy tờ khác theo quy định pháp luật trước khi hoạt động (gọi chung là giấy phép con).

Ví dụ:

Đối với ngành nghề sản xuất con dấu, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp hoặc có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự.

Đối với ngành nghề sản xuất vật liệu bao gói thực phẩm, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy đối với sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật  hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật.