Áp lực lãi suất vẫn lớn

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Ngành ngân hàng đang chịu áp lực lãi suất có xu hướng tăng lên, trong khi thị trường lại đang đòi hỏi lãi suất hạ thêm nữa để hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ khó khăn hiện nay.

 Áp lực lãi suất vẫn lớn
Lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh vì nợ xấu. Nguồn: internet
Theo TS. Trần Hoàng Ngân, Chuyên gia tài chính ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm rất tốt việc kéo giảm lãi suất rồi, nhưng còn cần phải tiếp tục kéo xuống nữa để giúp nền kinh tế phục hồi. "Như vậy, khi NHNN đã có thông điệp hạ tiếp lãi suất, lạm phát được kiềm chế thì hạ tiếp được lãi suất. Khi đó nền kinh tế mới có khả năng hấp thụ được vốn. Chứ với lãi suất hiện nay, khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa đạt kết quả cao", TS. Hoàng Ngân nhận định.

Lãi vay vẫn là gánh nặng

Mặc dù lãi suất đã giảm mạnh, xuống mức 9 - 15% của năm 2007, nhưng trong điều kiện kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn như hiện nay, cũng như DN đã kiệt sức sau một thời gian dài khủng hoảng, rõ ràng mức lãi suất này vẫn là cao so với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Thực tế, rất nhiều DN đã được hưởng lợi từ việc giảm lãi suất. Báo cáo quý III/2013 của DN niêm yết thể hiện điều đó. Tuy nhiên, cũng không ít DN "cặm cụi" làm chỉ để trả lãi ngân hàng, đặc biệt là những DN bất động sản, DN có nợ xấu, nợ quá hạn.

Mới đây, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2013, những DN có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Báo cáo này đã chỉ ra một thực tế, hơn 55% DN niêm yết tạo lãi chỉ đủ trả lãi ngân hàng với mức lãi suất 15%.
Theo báo cáo này, xét về chỉ tiêu ROE, có thể thấy chưa đến 44,7% số DN niêm yết đạt mức lợi nhuận ròng/tổng tài sản trên 0,15.

Trong khi hơn 55,3% số DN niêm yết có ROE nhỏ hơn hoặc bằng 0,15, đồng nghĩa với việc nếu DN có khoản vay ngân hàng tương đương hoặc cao hơn vốn cổ đông, thì lợi nhuận tạo ra cũng chỉ để trả phần lãi vay ngân hàng (lãi suất 15%).

Báo cáo này phản ánh tương đối chính xác, vì nhìn vào báo cáo quý III/2013 của nhiều DN bất động sản, DN có nợ xấu, nợ quá hạn cho thấy rất nhiều DN có chi phí lãi vay tăng. Ví như Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) có chi phí tài chính quý III/2012 là 8,6 tỷ đồng, nhưng quý III/2013, chi phí này lên đến 11,3 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay năm nay là 12 tỷ đồng, trong khi quý III/2012 chỉ có 6,4 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận quý III/2013 của TDH là 13 tỷ đồng.

Hay như Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC (Petroland, mã PTL), trong quý III/2013 phải trả lãi cho ngân hàng hơn 13,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước chỉ có gần 2,4 tỷ đồng, trong khi kinh doanh lỗ 22 tỷ đồng.

Hay như Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 (HT1) lỗ nặng trong quý III với âm 72,6 tỷ đồng, chủ yếu do phải trả lãi vay "khủng", lên tới 600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Tại ngày 30/9/2013, nợ vay của HT1 ở mức 9.731 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 1.896 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Yaly (SDY) cũng có lợi nhuận sau thuế âm 806 triệu đồng, giảm mạnh so với mức lãi gần 1,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. SDY giải trình là do lãi suất vay vốn ở mức cao trong khi việc thu hồi vốn gặp rất nhiều khó khăn nên chi phí tài chính tăng.

Lãi suất khó giảm

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng năm 2014, tăng trưởng tín dụng phấn đấu đạt mức 14 - 15%. Để đạt được mức này, NHNN tiếp tục triển khai các biện pháp để đẩy mạnh tín dụng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng của các DN trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với đối tượng này.

Tuy nhiên, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, theo TS. Trần Hoàng Ngân, lãi suất cho vay cần phải giảm thêm nữa. Nhưng làm thế nào để giảm được lãi suất là một bài toán khó với ngành Ngân hàng. Thực tế, nếu không có những gói tín dụng ưu đãi mà nhiều ngân hàng đang triển khai, lãi suất cho vay vẫn đứng ở mức cao. Nguyên nhân là do nợ xấu và cơ cấu nguồn vốn của hệ thống ngân hàng còn nhiều nan giải.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh vì nợ xấu. Hiện thị trường vẫn đang vật lộn với nợ xấu và chưa có phương án hữu hiệu để xử lý, làm lành mạnh hệ thống, tạo tiền đề cho những cải cách sâu rộng tiếp theo.

"Các biện pháp trên mặc dù giảm được nợ xấu, nhưng chủ yếu vẫn là bằng cách giảm lợi nhuận ngân hàng (trích dự phòng rủi ro) nên lại là một rào cản khiến các ngân hàng khó có thể giảm nhanh được lãi suất cho vay; không loại trừ những khoản vay mới được dùng để trả nợ cũ, hoặc cơ cấu lại nợ...
Như vậy, về bản chất, nợ xấu của các DN vẫn chưa thể trả được, theo đó vẫn khó có thế tiếp tục tiếp cận được vốn với lãi suất rẻ để vượt qua khó khăn", Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.

Một rào cản nữa, chính là lãi suất huy động của các ngân hàng đã âm thầm tăng trở lại, với mức 6,5 - 7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng trở xuống, còn từ 7 tháng đến 1 năm, lãi suất khoảng 7 - 7,5%/năm. Như vậy, lãi suất huy động ở các ngân hàng tăng từ 0,5 - 1 điểm phần trăm so với trước. Lãi suất kỳ hạn dài cũng tăng nhẹ, phổ biến từ 8 – 9%/năm.

Sự tăng trở lại của lãi suất huy động chính là rào cản lớn đối với việc giảm lãi suất cho vay, vì đây là giá vốn của ngân hàng. Do vậy, giới chuyên gia lo ngại, nếu như những bất ổn trong hệ thống ngân hàng không được xử lý nhanh chóng và triệt để, lãi suất thực khó có thể hạ được. Đó chính là nợ xấu, cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn…