Bình ổn giá: Ngân hàng vào cuộc là phù hợp

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tổng nguồn vốn các ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay tại TP. Hồ Chí Minh là 1.960 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đối với vay ngắn hạn và 10%/năm khi DN có nhu cầu sử dụng vốn trung và dài hạn cho mục đích đầu tư nhà xưởng, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh…

Bình ổn giá: Ngân hàng vào cuộc là phù hợp
Nhiều DN tham gia chương trình bình ổn giá. Nguồn: internet
“Xã hội hóa hoạt động bình ổn giá cùng sự vào cuộc của các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn phù hợp”, ông Trần Tấn An, Phó giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) MTV Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) bày tỏ quan điểm như vậy về sự thay đổi khác hẳn trong chủ trương của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong năm nay.

Phần vốn hỗ trợ lên tới 822 tỷ đồng với lãi suất 0% của năm ngoái nay không còn. Thay vào đó, thành phố kết nối DN với các NHTM, cung ứng lượng vốn lớn hơn và lãi suất thấp hơn thị trường.

Theo đó, tổng nguồn vốn các NHTM cam kết hỗ trợ DN tham gia chương trình bình ổn thị trường năm nay tại TP. Hồ Chí Minh là 1.960 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm đối với vay ngắn hạn và 10%/năm khi DN có nhu cầu sử dụng vốn trung và dài hạn cho mục đích đầu tư nhà xưởng, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh…

Cụ thể, Eximbank cam kết cho DN vay tổng số vốn 200 tỷ đồng, BIDV chi nhánh Bến Thành là 450 tỷ đồng; VietinBank chi nhánh quận 7 là 110 tỷ đồng, Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt 1.000 tỷ đồng và Sacombank 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không vì thế mà số lượng các DN tham gia ít đi cũng như chất lượng chương trình xuống thấp hoặc giá cả hàng hóa bình ổn bị đội lên. Tính đến thời điểm hiện tại, có 64 DN tham gia bình ổn thị trường, tăng 15 DN so với năm 2012.

Đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh giải thích thêm, DN muốn tham gia chương trình phải đảm bảo được các điều kiện như năng lực sản xuất tốt, kênh phân phối rộng khắp, hàng hóa đạt yêu cầu chất lượng và hơn hết phải đáp ứng được các điều kiện để vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng.

Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/10, các NHTM đăng ký tham gia chương trình đã giải ngân cho 18 DN và 1 Liên hiệp hợp tác xã với tổng mức cho vay là 417 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm.

Ông Trần Tấn An cho biết, mặc dù phải cân đối lại nguồn vốn cũng như chấp nhận tăng thêm chi phí đối với khoản vốn vay ngân hàng (lãi suất cao hơn so với phần hỗ trợ từ ngân sách chỉ 0% của các năm trước), nhưng DN cũng đã tính toán đến điều này để không ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa ra thị trường.

Ông An phân tích: Nếu như không phải trả một đồng lãi suất nào sẽ dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại của một số DN. Đồng tình quan điểm này, ông Phạm Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty Ba Huân cho biết: “Công ty chúng tôi chuyên cung cấp các mặt hàng nông, thuỷ sản nên rất tích cực tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá. Với hạn mức tín dụng cho chương trình hơn 40 tỷ đồng, lãi suất 6%, DN phải tìm cách tiết giảm các chi phí khác để bù đắp vào chi phí của khoản vay này”.

Đổi lại, khi DN phải chịu chi phí lãi vay, chương trình bình ổn giá năm nay linh động hơn trong vấn đề cam kết của DN như khi nguồn nguyên liệu đầu vào tăng giá 10% thì DN được điều chỉnh giá bán. Hay mọi năm, DN không phải chịu lãi suất khoản hỗ trợ từ ngân sách thành phố thì hàng hóa bán ra phải thấp hơn giá thị trường khoảng 10%. Năm nay, DN có thể du di từ 5% - 10%. DN cũng có thể chủ động đăng ký giá bán thay vì bị áp xuống, ông An cho biết thêm.

Cũng như mọi năm, tính đến thời điểm này, phần lớn các DN đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá đều có sự chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào từ rất sớm để tránh tập trung vào mùa cao điểm giá cả tăng cao. Không quay lưng với chủ trương bình ổn giá thị trường, ông Phạm Thanh Hùng cho biết, lượng hàng hóa cung ứng dịp cuối năm nay sẽ tăng 20% so với năm ngoái, trong khi giá bán sản phẩm không tăng.

Để làm được điều này, DN phải tập trung cao cho sản xuất cũng như tiết giảm tối đa mọi chi phí để bù đắp cho hoạt động chính. Vừa qua, công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng trang trại quy mô, hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với Vissan, DN này đã lên kế hoạch điều tiết vốn từ những nguồn khác, thậm chí chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để mục tiêu bình ổn giá trên thị trường vẫn có thể đảm bảo được.

Theo ông An, dù phải chịu thêm chi phí nhưng cái được của các DN tham gia chương trình chính là sự hỗ trợ từ phía chính quyền thành phố, đưa hàng hóa bình ổn vào các kênh phân phối, tăng sản lượng tiêu thụ, thương hiệu sản phẩm được người dân biết đến. Song, hơn hết vẫn là trách nhiệm với cộng đồng và sự chia sẻ với người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn này.

Về phía các ngân hàng, nhiều nhà băng sẵn sàng đáp ứng các khoản vay với lãi suất ưu đãi 6% để hỗ trợ cho DN bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN. Mà trong trường hợp này, đối tượng hưởng lợi cuối cùng là người tiêu dùng khi mua hàng hóa với giá cả hợp lý, ổn định trên thị trường.

Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Agribank chi nhánh Lý Thường Kiệt cho biết, ngân hàng ủng hộ việc cho vay các DN bình ổn giá cuối năm. Đồng thời, ngân hàng cũng khá yên tâm cho vay bởi phần lớn đều là các DN làm ăn lâu năm, có uy tín trên thị trường. “Việc giải ngân đến nay được triển khai khá tốt, không có hồ sơ vay vốn nào bị tồn đọng chưa giải quyết”, ông Dụ cho hay.