Cần đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Chiếm hơn 80% số lượng doanh nghiệp và là lực lượng quan trọng của nước ta, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chưa nhận được nhiều hỗ trợ cụ thể về mặt bằng, vốn cho sản xuất, kinh doanh, giảm hàng tồn kho...

Cần đưa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thực tế
DNNVV vẫn chưa nhận được nhiều hỗ trợ cụ thể về mặt bằng, vốn cho sản xuất, kinh doanh, giảm hàng tồn kho... Nguồn: internet

Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về tài chính, mặt bằng sản xuất, công nghệ... Các chính sách này nhìn chung đã bao quát mọi mặt của doanh nghiệp, song khi đưa vào áp dụng thì đã nổi lên một số bất cập. Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư, các chính sách trợ giúp phát triển DNNVV còn rời rạc, chưa có tính kết nối khiến doanh nghiệp khó tham gia vào các chương trình, chính sách này. Một số chương trình mới dừng lại ở mức ước tính tỷ lệ DNNVV có thể tham gia, thậm chí còn chưa đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp. Đặc biệt, có 6 trong tổng số 8 nhóm chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có đối tượng quá rộng, nội dung chưa phù hợp.

Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, tiêu chí đánh giá chung khi thực hiện các chính sách cho DNNVV vẫn còn thiếu. Trong khi đó, các tiêu chí như sự bình đẳng, tính tối ưu của chính sách, lợi ích công cộng và lợi ích đặc thù… lại được đưa ra để đánh giá từng chính sách. Do cách tiếp cận chưa khoa học và căn bản trong xây dựng, đánh giá chính sách, nên nhiều năm qua vẫn loay hoay với một số chính sách thiếu hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ còn manh mún, chưa đồng bộ, không tạo được sự đột phá, trong khi, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn về sản xuất, kinh doanh.

Theo điều tra của VCCI, có 4% doanh nghiệp trong 800 doanh nghiệp được điều tra đã ngừng hoạt động và giải thể. Trong đó, có 50% phải rơi vào tình trạng này là do không có thị trường, chứ không phải do thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Vì vậy, bà Phạm Thị Thu Hằng đề xuất, phải có thiết chế riêng biệt để vực dậy nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhất là đưa ra các sản phẩm phù hợp từ những tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư. Doanh nghiệp cũng cần tự xây dựng kế hoạch kinh doanh, góp phần tăng sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tích cực cải cách thủ tục hành chính; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, an ninh cho doanh nghiệp, tạo ra môi trường thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động. Tán thành với quan điểm này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai chủ trương kết nối ngân hàng và doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước bằng việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Các sở ngành trên địa bàn tỉnh cũng công khai thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo lao động. UBND tỉnh, các sở, ngành thường xuyên trao đổi, đồng hành với doanh nghiệp để khắc phục những khó khăn.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhiệm vụ chung từ địa phương đến Trung ương, không phải trách nhiệm của riêng một cơ quan cụ thể. Và nếu có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương có thể dành nguồn lực mạnh mẽ hơn và triển khai các hoạt động quyết liệt hơn hỗ trợ DNVVN.