Chiến lược nguồn nguyên liệu

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, nguồn nguyên liệu đóng vai trò then chốt. Nếu đã có sản xuất xanh nhưng thiếu đi nguồn nguyên liệu xanh, sạch và an toàn thì sản phẩm cho ra đời chắc chắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu xanh.

Chiến lược nguồn nguyên liệu
Từ năm 2009 đến nay, Vinamilk đã nhập hơn 4.000 bò sữa giống HF cao sản từ Australia và New Zealand. Nguồn: internet

Nhìn vào thực tế của các doanh nghiệp (DN) đang phải nhập khẩu nguyên liệu hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy điều này. Bởi quá trình nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác để đưa vào hệ thống sản xuất của DN phải trải qua quá nhiều quá trình, qua nhiều tác động.

Nỗi lo thường trực

Tại Công ty Da Giầy Liên Anh ở Bình Dương vừa qua đã bị thiệt hại 100 ngàn USD vì nhập phải lô da nguyên liệu kém chất lượng. Trong khi đó, theo chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết năm nào ngành điều cũng nhập đến 50% nguyên liệu, chủ yếu từ Châu Phi.

Còn theo chia sẻ của Giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định thì “DN xuất khẩu được là nhờ vào 60%-70% nguyên liệu nhập, chủ yếu từ Châu Á. Chất lượng thì tốt nhờ công nghệ đánh bắt, bảo quản hiện đại nhưng do có nhiều nước cũng muốn nhập nên họ nâng giá bán. Và mặc dù đang tìm rất nhiều biện pháp để từng bước khắc phục nhưng cũng không hề dễ dàng. Bởi để có thể giải quyết được vấn đề này DN phải có nguồn lực mạnh và có sự hoạch định chiến lược dài hơi.

Những DN đang thực hiện thành công chính là những DN đã làm được những điều này và đó đều là những tên tuổi, thương hiệu lớn trên thị trường. Tại Công ty TH True Milk, để hoàn thành chuỗi giá trị liên hoàn từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, Công ty đã quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn, trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa tươi lớn nhất Đông Nam Á và hệ thống phân phối TH truemart với những quy chuẩn công nghệ hiện đại.

Còn tại Công ty Vinamilk để có được nguồn nguyên liệu sữa sạch và an toàn, từ năm 2009 đến nay, Vinamilk đã nhập hơn 4.000 bò sữa giống HF cao sản từ Australia và New Zealand. Bò được nhập đều có gia phả lý lịch rõ ràng, sức khoẻ tốt, được tuyển chọn kỹ từ các trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, năng suất cao…

Ý tưởng thiết thực

Nhiều DN sữa khác cũng đang tìm cách xây dựng nguồn nguyên liệu cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và bắt tay vào thực hiện DN gặp rất nhiều thách thức do nguồn lực hạn chế, thời gian triển khai kéo dài.

Để xây dựng nguồn nguyên liệu cho DN sữa, các thành viên trong Ban giám đốc đã có nhiều ý tưởng rất thiết thực. Một thành viên cho rằng cần đầu tư vào vùng nguyên liệu, tập trung vào R&D và quy trình sản xuất. Đồng thời, công ty cần áp dụng mô hình 4 nhà: nhà nông – nhà nước – nhà DN - nhà khoa học. Một thành viên khác cho thêm ý kiến là Công ty kết hợp với nông dân, hợp tác xã để phát triển vùng nguyên liệu. Để kiểm tra, kiểm soát chất lượng, Công ty lập ra các đơn vị với vai trò riêng biệt. Và thành viên cuối cùng thì đưa ra đề xuất công ty nghiên cứu tiêu chuẩn sữa đạt chuẩn quốc tế, tính toán kỹ lưỡng phương án chi phí và tìm đến sự hỗ trợ của đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Trước những đề xuất của ban giám đốc, CEO đã có những giải pháp riêng. Đó là, tập trung vào 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội, môi trường khi xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, CEO đưa ra ý kiến công ty cần phải cải tiến quy trình sản xuất, dây chuyền công nghệ và nguồn nguyên liệu. Đồng thời, xã hội hóa quy trình nuôi bò sữa  và áp dụng quy trình tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Công ty nên truyền thông đến người tiêu dùng về quy trình sản xuất của Công ty.

HĐQT đã đưa thêm một số góp ý. Đó là, CEO và Công ty cần xác định rõ đây là thời điểm tốt để đầu tư và nhận định những rủi ro phải đối mặt. Công ty phải có giải pháp quản trị chất lượng và cấu trúc chi phí rõ ràng, hợp lý hơn. Cùng với đó, Công ty nên tiến hành nghiên cứu R&D bài bản và tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia và các đơn vị chuyên nghiệp để có một chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu thành công.