Chính phủ mong muốn doanh nghiệp kinh doanh liêm chính và bảo vệ môi trường tốt hơn

PV.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đây là “Hội nghị Diên Hồng” lần thứ hai giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 với chủ đề đồng hành cùng DN, ngày 17/5/2017.
Quang cảnh Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 với chủ đề đồng hành cùng DN, ngày 17/5/2017.

Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP. Hồ chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các thành viên Chính phủ; các định chế tài chính; các hiệp hội, hội nghề nghiệp và đặc biệt là 2.000 đại biểu là các doanh nghiệp (DN), doanh nhân trực tiếp tham dự Hội nghị, nhiều gấp 4 lần so với hội nghị lần thứ nhất.

Nhiều rào cản cho sự phát triển của DN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... Thủ tướng cho rằng, những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của DN.

Trước hết, về thể chế chính sách (còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định; quy định chưa sát thực tế). Chính phủ khẳng định sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế.

Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho DN dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho DN...

Nhiều bộ, ngành địa phương khởi động chương trình lớn

Nhấn mạnh những kết quả cụ thể, toàn diện đã đạt được sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Nghị quyết 35/2016/NQ-CP được đánh giá là nghị quyết đầu tiên của Chính phủ về phát triển DN ở nước ta.

Nghị quyết đưa ra 3 thông điệp căn bản: DN là động lực phát triển đất nước; Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, phục vụ và nhân dân khởi nghiệp (theo nghĩa rộng nhất của từ này) là sự nghiệp của toàn dân.

Theo phản ánh của cộng đồng DN, một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với DN, ví dụ như: Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công thương bãi bỏ Thông tư 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Ông Lộc cho rằng, đến nay, nhiều DN đã được hưởng lợi từ Nghị quyết 35/2016/NQ-CP. Dẫn chứng cụ thể, ông Lộc ví dụ, bà Phạm Kiều Oanh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè (NBC), nói bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37/2015/TT-BCT được bãi bỏ. “Từ giờ trở đi, May Nhà Bè sẽ không phải tiêu tốn 4.500 USD mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde nữa.”

Một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến; Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành…

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tiếp tục cầu thị, lắng nghe ý kiến của DN

Báo cáo về kết quả triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2016, trên phạm vi cả nước, cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp đã tổ chức trên 1.000 hội nghị đối thoại về thuế và hải quan với cộng đồng DN.

Bộ Tài chính, cơ quan thuế,  cơ quan hải quan đã tiếp nhận, xử lý trên 20.000 văn bản để giải quyết trả lời kiến nghị của DN được tổng hợp từ nhiều kênh thông tin như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính… Trong đó, cơ quan thuế đã trả lời 17.500 kiến nghị của DN, cơ quan hải quan là trên 2.500 kiến nghị.

Cùng với đó, các giải pháp hỗ trợ trong lĩnh vực tài chính cũng được Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai như trong các lĩnh vực về tài chính đất đai, cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, quản lý thị trường giá cả, thị trường huy động vốn. Từ đó, góp phần kiểm soát lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Phát huy những kết quả và nỗ lực đã đạt được, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính trên toàn quốc và trong nội ngành, cầu thị lắng nghe ý kiến của DN để hoàn thiện chính sách về tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cầu thị, lắng nghe đồng hành cùng DN và mong muốn DN tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan, chủ động vươn lên phát triển bền vững”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Không cho thanh tra, kiểm tra DN 1 năm quá 1 lần

Sau khi lắng nghe tất cả ý kiến góp ý của DN, cũng như phản hồi của các bộ, ngành địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận Hội nghị đối thoại với DN kéo dài liên tục suốt 6 tiếng.

“Hôm nay nói rất nhiều thanh tra, kiểm tra khó khăn chồng chất cho DN. Tôi bàn với các thành viên Chính phủ ra chỉ thị không cho thanh, kiểm tra 1 năm quá 1 lần với mỗi DN, được ký đúng 1 giờ chiều hôm nay mang số 20 sẽ công bố ngay sau đây”,Thủ tướng nhấn mạnh.

Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phải xây dựng được môi trường kinh doanh thân thiện, không chỉ tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn an toàn, không chỉ có chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp, không chỉ kiểm soát độc quyền mà còn chống buôn lậu hàng giả hàng nhái đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Môi trường kinh doanh vững chắc, tạo độ tin cậy cao để mọi người yên tâm hành động.

Theo Thủ tướng, trong 1 năm qua, Chính phủ, bộ ngành các địa phương đã “gãi đúng chỗ, chứ không ngứa trên đầu, gãi dưới chân.” So với hội nghị với doanh nghiệp năm ngoái, hội nghị năm nay đã giảm nhiều về tính gay gắt.

Nói về sự hỗ trợ DN trong một năm qua, Thủ tướng đánh giá: “Chúng ta đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển DN.”

Cụ thể, về thể chế, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, tập trung cắt giảm nhiều giấy phép, thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho DN. Đây là chủ trương đúng, như hành chính công, kê khai nộp thuế điện tử, đăng ký kinh doanh, khai báo hải quan… trên mạng.

Điểm sáng về tăng trưởng xuất khẩu khi các công ty nhận được đơn hàng mới, báo cáo của Nikkei cũng cho thấy sự thăng hạng, cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam. Bức tranh kinh tế Việt Nam đang sáng lên, tốt hơn…

Tuy nhiên, còn nhiều rào cản cho phát triển DN. Chính phủ đã nhận diện: về thể chế chính sách, chưa giải quyết được mâu thuẫn các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa sát với thực tế, thiếu minh bạch, tốn kém chi phí…

“Bình minh đang đến với đất nước ta, tôi tin tưởng các DN sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng cho đất nước Việt Nam thân yêu. Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng.

Chính phủ cũng mong DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém, cơ quan quản lý, địa phương cần có chương trình tạo điều kiện cho DN phát triển. Tôi nhắc lại Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, phải tự đổi mới, tự cải cách. Chúc cho DN Việt Nam phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng DN", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.