Chọn “ngách” để phát triển

Theo VIR

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và đây là lúc doanh nghiệp phải tìm được chiến lược sản phẩm phù hợp.

Tháng 10/2012, Tập đoàn Masan công bố tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm và kết quả khiến không ít DN khác phải ngước nhìn. Đó là trong bối cảnh khó khăn, Masan vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 1.810 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tất nhiên, kết quả kinh doanh này cao như vậy là vì đã bao gồm cả phần của Vinacafe Biên Hòa, đơn vị mà Masan đang nắm giữ hơn 52% cổ phần, song một lý do vô cùng quan trọng khác: Masan đã có những chiến lược sản phẩm rất hợp lý và hiệu quả, đặc biệt đối với các thương hiệu mỳ ăn liền Yoshi, nước chấm Chinsu - Nam Ngư, Wake-up Café Saigon…

Trong khi đó, ở ngành hàng may mặc, có thể kể tới thành công của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Thời gian qua, Vinatex đã phát triển 3 nhãn hàng riêng mang thương hiệu Vinatex Fashion là Dora, Roni và Suri, với từng phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng mục tiêu khác nhau. Lựa chọn đúng, Vinatex đã giành được sự tin yêu của khách hàng.

Vinatex, Masan thành công, phần vì tiềm lực tài chính mạnh, phần vì đã có chiến lược sản phẩm đúng đắn. Nhiều DN khác cũng đã làm được điều này. Những thành công của hàng loạt sản phẩm như Trà xanh 0 độ, Trà thảo mộc Dr. Thanh… có thể coi là những ví dụ điển hình.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu hiện nay, càng đòi hỏi DN phải có chiến lược sản phẩm phù hợp, nếu không muốn bị hụt hơi trong cạnh tranh. Chính vì thế, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thậm chí, với các DN nhỏ và vừa, cần quan tâm cả thị trường ngách.

Thực tế, rất nhiều DN Việt Nam khi ra đời đã lựa chọn cho mình một “dải” thị trường khá lớn, “ôm” nhiều phân khúc thị trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các DN nhỏ Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn nếu nhắm đến một phân khúc thị trường nhỏ. “Ở quy mô nhỏ, DN có thể nắm bắt chi tiết hơn nhu cầu khách hàng, hiểu rõ từng khách hàng của mình. Đấy là điều mà các DN lớn không thể làm được”, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị.

Một tình huống được đặt ra: một công ty đã xây dựng được một thương hiệu thời trang cao cấp, được khách hàng rất ưa chuộng và có hệ thống cửa hàng khá rộng khắp. Tuy nhiên, hiện nay các hãng thời trang cao cấp trong và ngoài nước đều đang tung ra những chương trình giảm giá khuyến mãi rất sốc, có nơi giảm 70 - 80% để kích cầu. Để cạnh tranh lại, Công ty cũng đã phải liên tục tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhưng doanh số của Công ty vẫn tiếp tục sụt giảm. Và đã có những ý kiến về việc Công ty nên chuyển sang sản xuất các sản phẩm bình dân để cải thiện tình hình kinh doanh trước mắt. Nên hay không?

Thông thường, sự chuyển hướng chiến lược trong trường hợp này, sẽ khiến người tiêu dùng phân vân, nghi ngại về chất lượng sản phẩm. Tương tự như trường hợp của Cửa Á Châu: nhiều tháng qua, Công ty đã bắt đầu thực hiện kế hoạch bán hàng giá rẻ để cải thiện tình hình kinh doanh, nhưng sự chuyển hướng chiến lược của Á Châu khiến không ít người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, Giám đốc Công ty đã phải ra mặt khẳng định: “Hàng giá rẻ không phải là hàng kém chất lượng, mà là mặt hàng đó phù hợp với nhu cầu sử dụng của phần lớn người tiêu dùng hiện nay…”.

Một trường hợp khác, cách đây hai năm, Công ty May Việt Tiến, vẫn thường biết đến với những nhãn hiệu thời trang trung, cao cấp, cũng đã quyết định ra mắt thương hiệu thời trang nam mới mang tên Việt Long, nhằm hướng đến người lao động có thu nhập trung bình thấp.

Khi ấy, cũng đã có những câu hỏi đặt ra rằng, việc sản xuất mặt hàng dành cho phân khúc thị trường thấp sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tên tuổi của Việt Tiến? Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty khẳng định, sẽ không có chuyện đó. “Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc phải tham gia tích cực vào phân khúc thị trường trung bình thấp. Người tiêu dùng ở phân khúc này cũng cần phải được phục vụ bằng chính những sản phẩm chất lượng của những DN trong nước”, vị này nói.

Tất nhiên, mỗi DN có một cái lý riêng để tìm cho mình một chiến lược sản phẩm riêng. Trong “vai” CEO của DN dệt may nói trên, bà Trần Thị Thanh Thủy, Giám đốc Phòng Giao dịch Trần Đăng Ninh, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cũng sẽ có những kiến giải của riêng mình. Bà Thủy là người chơi chính trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công phiên bản 2012, với chủ đề Quản trị kinh doanh - Chiến lược sản phẩm thời khủng hoảng tuần này. Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 vào 10h00, Chủ nhật ngày 23/12/2012 và phát lại vào 8h thứ Hai, ngày 24/12/2012n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình Chìa khóa thành công - CEO do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự tài trợ của Thép Pomina.