Cuộc "sàng lọc" nhân sự cấp cao ngân hàng

Thu Hằng - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Các vị trí nhân sự trong Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Giám đốc, Giám đốc khối… của các ngân hàng luôn được ví như "ghế nóng". Và vào lúc ngân hàng đang gấp gáp tái cơ cấu thì những vị trí chủ chốt này càng "nóng" hơn. Nhưng vấn đề là làm sao để bộ máy lãnh đạo hoạt động hiệu quả?

Cuộc "sàng lọc" nhân sự cấp cao ngân hàng
Sau mùa ĐHCĐ năm 2014 vừa qua, hàng loạt nhân sự cấp cao của các ngân hàng lớn, nhỏ đều ra đi. Nguồn: internet
Sau mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2014 vừa qua, hàng loạt nhân sự cấp cao của các ngân hàng lớn, nhỏ đều ra đi. Sự ra đi này có thể gây xáo trộn không nhỏ trong bộ máy quản lý, nhưng vấn đề lớn hơn, bộ máy mới với những cá nhân mới liệu có tạo ra sự thay đổi, hiệu quả hơn cho ngân hàng?! Nhất là khi, các vấn đề nhức nhối như: xử lý nợ xấu, hạn chế sai phạm của cán bộ, gây thiệt hại vốn vay… vẫn là gánh nặng còn dang dở từ những người tiền nhiệm.

Ồ ạt điều chuyển

Chỉ vài ngày trước ĐHCĐ bất thường (diễn ra ngày 24/7), Ngân hàng Vietinbank đã công bố quyết định của HĐQT bổ nhiệm 4 nhân sự vào các vị trí chủ chốt tại Hội sở chính. Theo đó, bổ nhiệm ông Phùng Duy Khương làm Giám đốc Khối bán lẻ, ông Phạm Vũ Tuấn Giang làm Phó Ban Thư ký HĐQT, ông Phạm Đức Thuận giữ chức Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực và vị trí Phó Giám đốc do bà Lê Thị Vân Khanh đảm nhiệm.

Trước đó, đầu tháng 7, ông Vũ Trung Thành, Giám đốc chi nhánh TP. Hà Nội được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Khối Bán lẻ kiêm Trưởng phòng Quản lý bán và Chăm sóc khách hàng. Ông Thành là con rể của nguyên Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng, cũng mới đảm nhận vị trí Giám đốc Chi nhánh Vietinbank Hà Nội được hơn 6 tháng trước lần điều chuyển này. Thay thế vị trí Giám đốc Chi nhánh Hà Nội là ông Nguyễn Đình Vinh, Trưởng phòng Quản lý nợ có vấn đề.

Có thể thấy, chỉ trong vòng 3 tháng sau khi HĐQT mới được bầu lại tại ĐHCĐ thường niên năm 2014 (ngày 29/7), Vietinbank đã và đang có sự thay đổi lớn trong bộ máy nhân sự cấp cao ở Hội sở chính và các chi nhánh lớn. Kể từ khi ông Phạm Huy Hùng lên làm Chủ tịch Vietinbank (năm 2007) cho đến giờ, đây có lẽ là đợt xáo trộn nhân sự cấp cao lớn nhất của ngân hàng này.

Nhiều thông tin đồn đoán trong giới ngân hàng còn cho biết đã có hàng trăm quyết định điều chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, sa thải… được ban hành tại Vietinbank. Và trong ĐHCĐ bất thường ngày 24/7, Vietinbank cũng tập trung bàn về công tác nhân sự, sửa đổi quy định liên quan đến hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát ngân hàng.

Tuy nhiên, đến chiều 23/7, Vietinbank vẫn chưa công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT để cổ đông, nhà đầu tư nghiên cứu, cho ý kiến đóng góp. Chỉ có tờ trình sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm soát, trong khi, đây là 2 nội dung quan trọng cần được Đại hội biểu quyết thông qua.

Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu là phù hợp và cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành, quản trị… Bởi, các thành viên HĐQT sẽ có vai trò quyết định tới chiến lược, định hướng kinh doanh, can thiệp trực tiếp vào hoạt động cho vay, đầu tư. Hiện, có 2/7 thành viên HĐQT là người đại diện vốn nhà nước với tỷ lệ nắm giữ tới 70% vốn. Do đó, hoạt động của HĐQT sẽ có ảnh hưởng quyết định tới nhiệm vụ giám sát, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước đạt hiệu quả cao nhất.

Cổ đông lớn nắm quyền!

Không riêng Vietinbank, ĐHCĐ vừa qua của nhiều ngân hàng như Eximbank, Đông Á, Nam Á, Sacombank… cũng phải bầu mới, bầu bổ sung vị trí lãnh đạo trong HĐQT, Ban Giám đốc. Tuy vậy, những gương mặt lãnh đạo mới trúng cử vẫn là những cá nhân quen thuộc, vốn là đại diện cho các nhóm cổ đông lớn. Đơn cử, 3 cá nhân mới được bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank là ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT là đại diện cho 4 cổ đông sở hữu 10,4% vốn điều lệ, ông Phạm Hữu Phú đại diện nhóm cổ đông sở hữu 11,3% vốn (trước đó, ông Phú đã từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Sacombank), ông Đặng Phước Dừa đại diện nhóm cổ đông nắm 10,6%.

Tại ĐHCĐ, ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường) đã thay vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nam Á sau khi bà Nguyễn Thị Xuân Loan từ nhiệm. Nhưng có 3/6 ghế trong HĐQT thuộc về các thành viên trong gia đình bà Tư Hường (bà Tư Hường và các thành viên gia đình sở hữu trên 20% vốn điều lệ ngân hàng). Do vậy, quyền lực chi phối ngân hàng vẫn thuộc về nhóm cổ đông gia đình bà Tư Hường.

Thế nhưng, điều quan trọng nhất sau những cuộc chuyển giao quyền lực là phải giúp ngân hàng quản trị tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện lợi nhuận… Đồng thời, xử lý dứt điểm những tồn tại, nợ đọng mà những người tiền nhiệm bỏ dở.

Với Vietinbank, có một vấn đề lớn gây xôn xao dư luận thời gian qua là vụ án Huyền Như, nguyên cán bộ ngân hàng đã bị kết án chung thân vì tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với số tiền lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Mặc dù vụ án chưa ngã ngũ, còn chờ kết quả phiên phúc thẩm, nhưng hoạt động huy động vốn vượt trần lãi suất của Huyền Như và cán bộ Vietinbank đã bộc lộ sự yếu kém trong quản trị nhân sự, quản lý rủi ro của ngân hàng này.

Và đợt điều chuyển nhân sự ồ ạt cùng với việc thay đổi quy chế hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát sắp tới liệu có giúp Vietinbank cải thiện tình trạng, "vá" những lỗ hổng này hay không, thì còn phải chờ kết quả thực tế? Có điều, nâng cao hiệu quả quản trị nhân sự và rủi ro là điều cần thiết và vì lợi ích của các ngân hàng, cổ đông, chứ không thể chờ đến lúc "cháy nhà", thiệt hại quá lớn thì mới lo "dập lửa".