“Cứu ngân hàng”: Đã có hành lang pháp lý

Theo seatimes.com.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh “cuộc khủng hoảng” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang làm nhiều tổ chức tín dụng chao đảo thì việc ban hành những hướng dẫn cụ thể về giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và kịp thời.

 “Cứu ngân hàng”: Đã có hành lang pháp lý
Chính phủ đã đưa ra một hành lang pháp lý để can thiệp “giải cứu” ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Nguồn: internet

Chỉ ra cách thức thoái vốn

Ngày 6/3/2014 Chính phủ ban hành nghị quyết số 15 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, nêu rõ việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.

Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp nếu áp dụng phương thức ngân hàng thương mại nhà nước mua lại vốn, hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu mà thoái vốn không thành công thì giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng.

Giá mua được xác định theo giá thị trường nhưng không cao hơn giá trị trên sổ sách kế toán trừ đi khoản dự phòng giám giá đầu tư đã được trích lập đầy đủ theo quy định.

Như vậy, bước đầu Chính phủ đã đưa ra một hành lang pháp lý để can thiệp “giải cứu” ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Mặc dù nhìn nhận những giải pháp này vẫn có những điểm thuận lợi, điểm khó khăn khác nhau nhưng tựu chung đây được coi là những giải pháp hữu hiệu và cấp bách nhất.

Tháo gỡ những băn khoăn

Không ít ý kiến lo ngại việc thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bằng cách để ngân hàng thương mại nhà nước tham gia mua lại sẽ làm gia tăng sở hữu chéo, thậm chí có thể tạo nên một cuộc “thâu tóm” ngân hàng vào tay một nhóm người.

Tuy nhiên, việc này sẽ không thể xảy ra nếu như quá trình thoái vốn và vấn đề mua bán, sở hữu vốn được minh bạch. Cụ thể, trước khi ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện mua lại vốn góp thì phải kê khai, công bố hiện những phần sở hữu ở các tổ chức tài chính (là bao nhiêu %). Từ đó giám sát chặt chẽ việc mua phần vốn dựa trên cơ sở tôn trọng các quy định về mức vốn tối đa được sở hữu và các quy định liên quan đến sở hữu chéo.

Thêm một băn khoăn nữa trong công cuộc tái cơ cấu ngân hàng liên quan đến khả năng ngân hàng nhà nước sẽ mua lại phần vốn góp. Nhiều người đang lo ngại việc ngân hàng nhà nước làm chủ sở hữu sẽ khiến cho “ý nghĩa" của việc tái cơ cấu ngân hàng không còn khả thi nữa. Bởi nó dễ đi vào vòng luẩn quẩn thoái vốn nhà nước lại trả vào tay ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nước trên thế giới đã đi theo con đường này. Ngân hàng Nhà nước mua lại những khoản thoái vốn, sau đó sẽ mang ra bán lại trên thị trường khi điều kiện thuận lợi xuất hiện. Việc Ngân hàng Nhà nước chuyển sang làm đại diện chủ sở hữu chỉ là bước tạm thời.

Trong trường hợp này ở một giai đoạn nhất định phải chấp nhận ngân hàng nhà nước vừa là người quản lý, vừa có tính chất tham gia điều tiết kinh doanh.