Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh dưới góc nhìn doanh nghiệp

TS. Hà Xuân Linh, ThS. Trần Thị Thanh Xuân

Bài viết phân tích thực trạng một số chỉ số năng lực cạnh trang cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, xác định xu hướng biến động của các chỉ số, những mặt đạt được, hạn chế trong mỗi chỉ số. Đồng thời, thông qua thực hiện tính toán kết quả khảo sát các doanh nghiệp về các thang đo trong từng chỉ số, bài viết đề xuất các kiến nghị góp phần cải thiện một số chỉ số đang thấp điểm của Bắc Giang so với các tỉnh thành khác của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong giai đoạn từ 2006 đến 2016, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Giang đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, tuy nhiên với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh những kết quả đó chưa thực sự tương xứng, một số chỉ số còn mức thấp so với các tỉnh thành khác trong cả nước…

Bài nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích PCI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, xem xét đánh giá của DN về những thang đo trong PCI để từ đó xác định những mặt đạt được và những mặt hạn chế trong các PCI.

Tổng quan nghiên cứu

Một trong số những nghiên cứu đầu tiên về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được thực hiện đó tại Việt Nam là nghiên cứu của tác giả Vũ Thành Hưng (2005). Nghiên cứu đã khái quát một số vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam, thông qua xếp hạng PCI phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương trong cả nước, trên cơ sở đó một số kiến nghị được đưa ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam.

Cũng lựa chọn nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tuy nhiên tác giả Phan Nhật Thanh (2011) tập trung phân tích các chỉ số PCI trên địa bàn tỉnh Hải Dương, trong giai đoạn 2006 – 2010, so sánh chỉ số này của tỉnh Hải Dương với một số địa phương khác trong cả nước để có góc nhìn đa chiều hơn về thực trạng năng lực cạnh tranh của Tỉnh.

Nhìn chung, các nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay liên quan đến vấn đề năng lực cạnh tranh tập trung tương đối nhiều vào việc phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh chung của cả nước hoặc năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh được công bố và tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh đó; chưa có nhiều nghiên cứu tập tìm hiểu nội tại nguyên nhân tại sao năng lực cạnh tranh của địa phương lại có những đánh giá khác nhau.

Phương pháp và phạm vi nghiên cứu

Số liệu thứ cấp của nghiên cứu được thu thập từ báo cáo tổng kết hàng năm của tổng cục thống kê, theo báo cáo hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và báo cáo tổng kết của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, báo cáo khoa học các công trình nghiên cứu trước đây về tỉnh Bắc Giang, các tài liệu công bố trên các tạp chí, ấn phẩm…

Đối với dữ liệu sơ cấp, tác giả khảo sát 256 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tập trung 3 nhóm tiêu chí trong nhóm PCI thấp điểm và giảm điểm của tỉnh Bắc Giang theo thống kê của VCCI năm 2016 (Chỉ số gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng). Thang đo Likert 5 bậc được tác giả sử dụng cho nghiên cứu này với chiều đánh giá tăng dần từ rất không hài lòng đến rất hài lòng. Sau khi khảo sát, toàn bộ dữ liệu được làm sạch và nhập liệu trên phần mềm excel để thực hiện việc phân tích.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều chỉ tiêu PCI của Bắc Giang đang ở mức thấp, cần được khắc phục trong thời gian tới.

Thực trạng PCI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Về chi phí gia nhập thị trường: Chỉ số chi phí gia nhập thị trường năm 2016 tăng nhẹ đạt 8,51 điểm so với năm 2015, xếp thứ 55/63 tỉnh thành của cả nước nhưng số điểm vẫn thấp hơn mức trung vị của cả nước 0,03 điểm. Năm 2015, chỉ số này đạt 8,00 điểm (54/63); Năm 2014 đạt (8,72 điểm).

Trong số 5 chỉ tiêu của chỉ số không thay đổi so với năm 2012, có các chỉ tiêu bị đánh giá kém đi đó là: Thời gian chờ đợi để được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; Thời gian DN chờ đợi để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động.

Chỉ số tiếp cận đất đai: Là một trong những chỉ số tăng điểm trong giai đoạn 2012 đến 2016 nhưng không đáng kể. Năm 2015 chỉ số đạt 6,05 điểm, tăng 0,02 điểm so với năm 2014 nhưng lại giảm 0,06 điểm so với năm 2013, đến năm 2016 chỉ số này giảm điểm xuống còn 5,63 điểm, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 5,81 điểm, so với năm 2015 giảm 0,42 điểm.

Chỉ tiêu tiếp cận đất đai bị đánh giá tương đối thấp, cụ thể: 19% DN được khảo sát đồng ý rằng, DN ngoài quốc doanh không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh và 29% DN được khảo sát đồng ý rằng, DN thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục, khó khăn vẫn nằm ở nội dung giải phóng mặt bằng để có được mặt bằng kinh doanh.

Chỉ số thiết chế pháp lý: Chỉ số thiết chế pháp lý năm 2016 là chỉ số giảm điểm mạnh nhất trong 10 chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Giang. So với năm 2015, chỉ số này giảm 0,89 điểm, so với năm 2014 giảm 1,15 điểm, so với năm 2012 tăng 0,73 điểm. Có thể thấy, chỉ số thiết chế pháp lý có sự tăng giảm không ổn định.

Mặt khác, chỉ số thiết chế pháp lý của Bắc Giang cũng còn thấp hơn so với giá trị trung bình của cả nước (5,50 điểm) và thấp hơn nhiều so với các tỉnh có chỉ số thiết chế pháp lý cao (7,91 điểm). Chỉ có 33% DN cho rằng, hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo hành vi tham nhũng của các bộ; 64% DN được khảo sát đồng ý rằng Tòa án các cấp của Tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng của Bắc Giang năm 2016 chỉ đạt 4,35 điểm giảm hơn so với năm 2015 và thấp điểm hơn so với mức trung vị của cả nước, Bắc Giang vẫn thuộc nhóm có tỉnh có điểm số thấp về cạnh tranh bình đẳng và xếp thứ 54/63 tỉnh, thành (thấp hơn giá trị trung bình của cả nước là 0,71 điểm; thấp hơn các tỉnh đứng đầu 3,77 điểm và chỉ hơn tỉnh có số điểm thấp nhất 0,51 điểm).

Nhiều DN được khảo sát cho rằng, các tập đoàn kinh tế của nhà nước được ưu ái và có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai, tiếp cận các khoản tín dụng, thuận lợi trong cấp phép khai thác khoáng sản, thủ tục hành chính nhanh chóng và dễ dàng có được các hợp đồng từ cơ quan Nhà nước hơn.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì được ưu tiên giải quyết các vấn đề khó khăn hơn DN trong nước. Nhiều DN cho rằng, Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân; việc tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế TNDN, thủ tục hành chính nhanh chóng và đơn giản là những đặc quyền của các DN FDI và hoạt động của các DN FDI nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ hơn từ Tỉnh. Đặc biệt, có đến 100% các DN đồng ý rằng “Hợp đồng, đất đai, và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền Tỉnh”

Đánh giá của các doanh nghiệp về PCI của Bắc Giang

Chỉ số gia nhập thị trường: Trong 24 chỉ tiêu đánh giá về chỉ số gia nhập thị trường, các DN trong nước có đánh giá khác nhau điểm số dao động trung bình từ 2,32 đến 3,39 điểm, với điểm số đánh giá bình quân là 2,56 điểm. Cụ thể, những chỉ tiêu được đánh giá là bình thường là: Các loại giấy tờ đã được đơn giản hoá hơn trước, không còn quá khó khăn để có đủ loại giấy tờ ở các cấp từ xã (phường) đến huyện (thành phố) hay cấp tỉnh; Cán bộ hướng dẫn tại các bộ phận một cửa cũng tốt hơn trong các thao tác làm việc như nắm được nội dung để hướng dẫn các DN, đúng hẹn khi trao trả các loại giấy tờ...

Các DN có vốn đầu tư trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài đều đánh gia cao về các thủ tục thuế, kê khai nộp thuế đặc biệt là ưu đãi chính sách thuế đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài với điểm đạt trung bình 3,15 điểm. 

Chỉ số tiếp cận đất đai: Kết quả khảo sát cho thấy, đánh giá của DN trong nước với các tiêu chí của nhóm chỉ tiêu tiếp cận đất đai và sử dụng đất là tương đối thấp, chỉ có 3/25 chỉ tiêu thang đo được đánh giá trên 3 điểm, đó là các chỉ tiêu thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai tại sở tài nguyên môi trường đã được cải thiện nhanh gọn hơn (3,08 điểm); Đội ngũ cán bộ tại sở về chuyên môn, đạo đức cũng có nhiều tiến bộ tốt (3,20 điểm); (3,18 điểm); Hệ thống pháp lý, luật đất đai có chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tại huyện (thành phố) đã được cải thiện rất nhiều(3,22 điểm); Hệ thống pháp lý, luật đất đai có chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tại Tỉnh (3,14 điểm).

Chỉ số thiết chế: Các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá không có chỉ tiêu nào là “tạm hài lòng”, điểm trung bình của chỉ số thiết chế pháp lý được đánh giá rất thấp, không có nhân tố nào được cho điểm từ 3 trở lên. Có 2 chỉ số bị đánh giá thấp đó là thời gian giải quyết tranh chấp đất đai (2,12 điểm) và DN còn phải trả các chi phí không chính thức khi tham gia các vụ tranh chấp ở mức 2,16 điểm.

Nguyên nhân dẫn đến chỉ số thiết chế chỉ đạt mức thấp theo các DN đánh giá là cán bộ các đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh gây sách nhiễu mà họ không biết khiếu nại ở đâu và nếu có sẽ càng cản trở công việc; nếu có được giải quyết các khiếu nại thì cũng không được thoả đáng. Một số chỉ tiêu khiến chỉ số thiết chế giảm điểm như: Tòa án các cấp của Tỉnh xử các vụ kiện kinh tế còn chậm (chỉ có 59,29% DN cho rằng, Tòa án các cấp của Tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng; Chỉ có 61,11% DN cho rằng phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng); Tỷ lệ DN sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp là 32,28%.

Chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Kết quả đánh giá của các DN cho thấy, chỉ có 2/11 chỉ tiêu của chỉ số cạnh tranh đạt mức điểm 3 trên 5 điểm đó là: Thủ tục vay vốn (3,13 điểm) và không thể vay vốn nếu không có thế chấp (3,10 điểm). Các chỉ tiêu này đạt mức cao là nhờ sự can thiệp kịp thời của Chính phủ mà các thủ tục vay vốn được đơn giản hơn và các chính sách vay vốn cũng được mềm hoá hơn (Quy định tại Điều 94 Bộ luật Dân sự).

Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm góp phần cải thiện PCI thấp điểm của Bắc Giang, bài viết đề xuất các giải pháp cụ thể sau:

Với chỉ số gia nhập thị trường: Bắc Giang cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế; Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định của tỉnh, ngành, huyện, thành phố không còn phù hợp hoặc đang hạn chế hoạt động của DN để giảm thời gian thành lập DN; Xây dựng và thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” về đầu tư; Công khai trình tự thủ tục, mẫu hoá tất cả các văn bản và cung cấp miễn phí cho DN, chỉ yêu cầu DN, nhà đầu tư bổ sung hoàn chỉnh sửa chữa hồ sơ một lần, đảm bảo theo quy định.

Với chỉ số tiếp cận đất đai: Cần cụ thể và đơn giản hoá các chính sách về đất đai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về chính sách tiếp cận và sử dụng ổn định về đất đai; Rà soát và sửa đổi quy định của Tỉnh về giao, cho thuê đất sản xuất kinh doanh theo hướng giảm thời gian giải quyết thủ tục, phân công trách nhiệm cụ thể rõ ràng; Tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, DN các thủ tục về đất đai...

Với chỉ số thiết chế pháp lý: Cần rà soát, đánh giá tác động của các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật do Tỉnh ban hành trong quá trình soạn thảo, ban hành và thực thi; Nâng cao chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND các cấp, nhất là các văn bản liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tuân thủ tính pháp chế và phù hợp với điều kiện của địa phương.

Với chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Trong quy hoạch phát triển của tỉnh Bắc Giang cần có những chính sách phù hợp, không vì các DN Nhà nước mà ưu đãi hơn các DN tư nhân; Hỗ trợ DN trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, tổ chức cho các DN có nhiều cơ hội quảng bá, giao thương sản phẩm tại các hội chợ trong tỉnh, ngoài Tỉnh và khu vực.      

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Nhật Thanh, (2011), Nghiên cứu nâng cao PCI (PCI) của tỉnh Hải Dương;

2. Vũ Thành Hưng, (2005), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam- Một số kiến nghị và giải pháp, tạp chí Kinh tế và phát triển, số 99 tháng 9 năm 2005;

3. VCCI, (2006-2016), PCI các năm 2006-2016.