Đặt tên doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng kêu vướng

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Điều bất ngờ tại cuộc tọa đàm về Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 được tổ chức gần đây, vướng mắc được các DN phản ánh nhiều nhất lại là vấn đề đặt tên cho DN. Phía cơ quan quản lý cũng ca thán về không ít trường hợp bị DN “làm khó”.

 Đặt tên doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng kêu vướng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ghi nhận ý kiến từ các DN tham gia cuộc Tọa đàm, hóa ra vấn đề tưởng không có gì lớn này lại đang gây nhiều bức xúc. Luật DN 2005 có các điều 31, 32, 33, 34 quy định về đặt tên DN như những điều cấm trong đặt tên, quy định tên trùng, tên gây nhầm lẫn, tên nước ngoài, tên viết tắt… Nghị định 43, Thông tư 01 về đăng ký kinh doanh đã hướng dẫn khá chi tiết về việc đặt tên DN, tuy nhiên, thực tế vẫn xảy ra những tình huống khóc dở mếu dở.

Theo phản ánh của một DN có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động theo mô hình công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên, trong tên tiếng Anh của DN này có chữ “one member” (một thành viên). Vậy là mỗi khi giao dịch với đối tác nước ngoài, DN lại mất công giải thích về xuất xứ và ý nghĩa của chữ “one member” trong tên gọi. Để giảm bớt phiền toái trong kinh doanh, DN này đã đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh cắt bớt hai chữ “one member”, nhưng không được chấp nhận.

Một phản ánh khác về cách đặt tên DN, đại diện một DN trong ngành dệt may lại bức xúc về những khác biệt trong việc đặt tên chi nhánh tại từng địa phương. Có nơi bắt buộc quy định tên địa phương đặt ở trước tên công ty, nhưng lại có nơi quy định tên địa phương đặt sau tên công ty. Ví dụ, Chi nhánh tại Đà Nẵng Công ty XYZ hay Chi nhánh Công ty XYZ tại Đà Nẵng. Chỉ một sự khác biệt này nhưng DN cũng phải tốn công đi lại, sửa đổi công văn xin cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý.

Đại diện Công ty May 10 phản ánh về vấn đề gây bức xúc cho các DN dệt may xuất khẩu, đó là trường hợp một DN được thành lập và lấy tên là Công ty cổ phần May xuất khẩu Made in Vietnam. Theo đại diện này, hàng Việt Nam xuất khẩu hiện đều lấy tên chung là Made in Vietnam và tại thị trường nội địa, hàng dệt may có gắn nhãn mác Made in Vietnam bán chạy và được giá. Nay một DN tự đặt tên Made in Vietnam chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các công ty đang bán hàng dưới thương hiệu Made in Vietnam.

Được biết, hiện ngành đăng ký kinh doanh có khoảng 620 cán bộ và pháp luật cho phép người có thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được quyền độc lập trong quyết định. Do đó, phát sinh những trường hợp như DN phản ánh là phòng đăng ký kinh doanh này không chấp nhận nhưng phòng khác lại chấp nhận.

Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi năm, cơ quan này tiếp nhận khoảng 10.000 cuộc điện thoại xin tư vấn về đăng ký kinh doanh và ban hành khoảng 400 - 500 công văn hướng dẫn cách đặt tên cho DN. Đánh giá về những vướng mắc này, ông Thịnh cho biết, có tới 90% là vướng mắc trong thực tiễn thi hành mà không nằm ở nội dung Luật. Ví dụ trường hợp DN có vốn đầu tư nước ngoài nói trên, vì Luật quy định tên tiếng Anh của DN là phải dịch tương ứng từ tên tiếng Việt, nếu DN không muốn có chữ “one member” trong trên tiếng Anh thì chỉ việc đổi tên tiếng Việt. Bởi Luật không bắt buộc DN phải đưa chữ “một thành viên” vào tên gọi.

Ở góc độ khác, đại diện cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh cũng phản ánh không ít trường hợp bị DN làm khó dễ. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, có những DN được đặt tên theo tên một danh nhân lịch sử. Dù trong Luật DN đã có quy định không dược phép lấy tên danh nhân (trừ trường hợp được sự chấp thuận của người đó), nhưng cho đến nay, do không có một văn bản nào chỉ ra người này, người kia là danh nhân nên cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh khá lúng túng trong việc này.

Ông Bùi Anh Tuấn cho hay, khi xây dựng Luật DN, Nghị định 43, cơ quan soạn thảo đã mời các chuyên gia quốc tế từ các nước tiên tiến cũng như các nước trong khu vực cho ý kiến về vấn đề này, song thực tiễn từ các quốc gia này cho thấy, tên DN là vấn đề không thể quy định cụ thể, chi tiết đến cùng.

“Đơn cử, chúng ta quy định tên DN không được vi phạm thuần phong mỹ tục. Thế nhưng, đây là khái niệm rất chung chung. Trong thực tế, sẽ rất khó để chỉ ra cái tên như thế nào thì được gọi là vi phạm phong mỹ tục”, ông Tuấn nói.