Để bảo toàn, phát triển nguồn vốn của DATC

PV.

Một trong những điểm mới trong quy chế tài chính của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được chủ động đầu tư ra ngoài Công ty. Tuy nhiên, việc đầu tư này cần phải tuân thủ các nguyên tắc quy định nhằm bào toàn, phát triển đồng vốn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một trong những quyền được trao cho DATC là chủ động sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của mình để đầu tư ra ngoài Công ty. 

Tuy nhiên, việc đầu tư này phải đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn, phù hợp với điều lệ, quy định pháp luật và chiến lược kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty được chủ sở hữu phê duyệt.

Đặc biệt, để tránh rủi ro trong đầu tư kinh doanh, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các lĩnh vực DATC không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp như: Bất động sản, Ngân hàng, Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc Công ty đầu tư chứng khoán.

Cùng với đó, DATC không được tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ DN khác mà người quản lý, người đại diện tại DN là người thân. 

Cụ thể, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và Kế toán trưởng của Công ty.

Đồng thời, DATC cũng không được góp vốn cùng DN mà mình giữ vốn góp chi phối để thành lập Công ty cổ phần, Công ty TNHH hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. 

Mặt khác, DATC không được sử dụng tài sản do Công ty đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ (ngoại trừ tài sản tiếp nhận) để đầu tư ra ngoài Công ty.

Mặc dù vậy, để tạo thuận lợi cho trong xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) DATC vẫn có quyền đầu tư, góp vốn vào các trường hợp như: Góp vốn thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu; Đầu tư, nâng cấp tài sản tiếp nhận, tài sản nhận thay thế nghĩa vụ trả nợ (bao gồm cả quyền sử dụng đất) để khai thác, thu hồi.

Để tránh rủi ro trong đầu tư kinh doanh, Bộ Tài chính đã cụ thể hóa các lĩnh vực DATC không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp như: Bất động sản, Ngân hàng, Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc Công ty đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, DATC được quyền quyết định mua, bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phần tại các DN mà Công ty có cổ phần hoặc có phương án tái cơ cấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu DN khách nợ và xử lý các khoản nợ, tài sản đã mua, tiếp nhận.

Các hoạt động đầu tư ra ngoài Công ty không phải là hoạt động đầu tư ngoài ngành bao gồm: Hoạt động đầu tư mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua được phân chia theo số lượng cổ phiếu DATC đang nắm giữ tại các Công ty cổ phần do DATC thực hiện tái cơ cấu nhằm đảm bảo tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại DN;

Hoạt động đầu tư phát sinh từ hoạt động mua bán nợ, tài sản như góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết bằng tài sản, chuyển nợ thành vốn góp; đầu tư để khai thác, cho thuê tài sản tiếp nhận, tài sản đảm bảo, tài sản nhận gán nợ.

Bên cạnh các nguyên tắc trên, Quy chế tài chính mới của DATC còn quy định, Hội đồng thành viên Công ty hoặc Tổng giám đốc theo phân cấp của Hội đồng thành viên quyết định các khoản đầu tư ra ngoài Công ty. 

Mặc dù vậy, mức đầu tư ra ngoài không được quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức vốn của dự án nhóm B theo quy định của Luật Đầu tư công.