Ðể phát huy hiệu quả xử lý nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2016

Bên cạnh việc thực hiện hiệu quả các hoạt động mua bán nợ, tài sản tồn đọng, xử lý tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp, thời gian qua Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) còn làm tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa tiềm lực DATC cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc…

Đến hết năm 2015, DATC đã mua và xử lý trên 2,22 nghìn tỷ đồng nợ phải trả của Vinalines tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Đến hết năm 2015, DATC đã mua và xử lý trên 2,22 nghìn tỷ đồng nợ phải trả của Vinalines tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị

Cùng với việc “giải cứu” nhiều doanh nghiệp (DN) bên bờ vực phá sản trở lại hoạt động kinh doanh, thời gian qua DATC được biết đến là đơn vị chủ lực trong xử lý nợ, tái cơ cấu một số tổng công ty lớn do Chính phủ, Bộ Tài chính giao phó. Điển hình như, DATC đã và đang xử lý nợ, tái cơ cấu Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Công ty Haprocimex… với nhiều kết quả tích cực.

Đến hết năm 2015, DATC đã mua và xử lý trên 2,22 nghìn tỷ đồng nợ phải trả của Vinalines tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, đồng thời, hỗ trợ Vinalines xử lý tài chính để cổ phần hóa Công ty Mẹ. Hiện DATC vẫn đang tiếp tục đàm phán với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong và ngoài nước để tiếp tục mua và xử lý nợ cho Vinalines. Bên cạnh đó, DATC chủ động phối hợp với các bên có liên quan để xây dựng Đề án phát hành trái phiếu DATC tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp chuyển giao từ Vinashin (SBIC).

Thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Công ty thực phẩm Miền Bắc), DATC đã thực hiện mua khoản nợ của các ngân hàng với giá trị khoản nợ là trên 359,8 tỷ đồng (trong đó nợ gốc trên 232 tỷ đồng) và đang tiếp tục đàm phám mua nợ của Agribank và MSB với giá trị khoản nợ trên 723,8 tỷ đồng; xử lý tài chính chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên Haprocimex, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận chủ trương thực hiện tái cơ cấu theo phương thức xử lý nợ, xử lý tài chính. Đến nay, DATC đã mua khoản nợ trên 530,6 tỷ đồng nợ phải thu của các ngân hàng: Vietcombank, Agribank, MB, SHB để xử lý tài chính chuyển đổi Haprocimex thành công ty cổ phần…

Cùng với việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, công tác tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện quy trình quy chế kiểm soát nội bộ của công ty luôn được chú trọng quan tâm. Trong năm 2015, đơn vị đã tập trung xây dựng dự thảo trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 135/2015/TT-BTC ngày 31/8/2015 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC, Thông tư số 57/2015/TT-BTC ngày 24/4/2015 về hoạt động tiếp nhận nợ và tài sản tồn đọng. DATC cũng đã hoàn thành dự thảo trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ Nghị định về chức năng nhiệm vụ nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC; Dự thảo Quy chế quản lý tài chính DATC và một số cơ chế để DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu SBIC…

Ngoài ra, công tác quản trị nội bộ công ty cũng được tăng cường trên cơ sở tập trung bổ sung, hoàn thiện trên 40 quy trình, quy chế quản lý nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý, hạn chế rủi ro, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ nhân viên và cũng là nội dung chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình hoạt động của công ty với mục tiêu hiệu quả, minh bạch, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thông qua hoạt động này, Công ty đã vận dụng hợp lý đường lối, chính sách của Nhà nước, tìm hiểu đối tác để chủ động đề ra những giải pháp xử lý nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện phương án mua bán nợ, tái cơ cấu DN.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, DATC cũng đã và đang gặp phải một số vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể: Cần khẩn trương bổ sung, hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy trình, quy chế quản lý nội bộ mặc dù trong năm qua DATC đã hoàn thiện hơn 40 quy trình, quy chế nhưng chưa dứt điểm. Đồng thời, tiếp tục nâng tầm khuôn khổ pháp lý, sớm xem xét trình Chính phủ quyết định ban hành nghị định về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC, chiến lược phát triển công ty trong thời gian tới cùng một số cơ chế chính sách quan trọng khác.

Hiện nay, việc mua nợ sau khi Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về cơ chế mua bán nợ, các tổ chức mua bán nợ rất nhiều cả tư nhân, cá nhân đều mua được cho nên các ngân hàng bán nợ đều chào giá, đấu giá không còn ưu tiên cho DATC, tạo ra một thị trường lớn nhưng cũng là thách thức cho Công ty. Ngoài ra, một vướng mắc khác là cơ chế xử lý các khoản nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại các DN DATC được giao nhiệm vụ tái cơ cấu nhằm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi sở hữu các DN theo chủ trương của Chính phủ.

Trong công tác tiếp nhận và xử lý nợ, cần nêu rõ cơ chế xử lý nợ và tài sản tiếp nhận trong trường hợp cho thuê, khai thác góp vốn liên doanh liên kết và trường hợp DATC mua lại những tài sản mà DATC đã tiếp nhận; bổ sung cơ chế quản lý, xử lý nguồn thu trong trường hợp DATC tiếp nhận vốn góp từ các doanh nghiệp sắp xếp và chuyển đổi. Vấn đề vốn góp và trách nhiệm bàn giao về trước năm 2015 có rất ít nhưng trong năm 2015 trở lại đây đã phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp bàn giao về rất lớn, có trường hợp lên tới vài trăm tỷ đồng.

Đối với cơ chế trích lập dự phòng, hiện tại cơ chế tài chính của công ty theo cơ chế như các DN bình thường, nhưng DATC hoạt động trong cơ chế đặc thù mua bán nợ xấu, rủi ro lớn, đề nghị Bộ Tài chính cho phép công ty được trích lập dự phòng theo đặc thù riêng phù hợp với đặc điểm của DATC, việc trích lập dự phòng nên giao cho hội đồng thành viên công ty xem xét, đánh giá.

Về cơ chế tiền lương, nên cho phép DATC có một cơ chế tiền lương riêng phù hợp với đặc thù công ty. Do hoạt động của công ty không mang tính chất lũy tiến như các doanh nghiệp khác mà chịu ảnh hưởng của nền kinh tế đất nước. Ví dụ như, năm 2015, DATC xử lý nợ và đạt doanh thu cao nhưng năm 2016 giảm, năm 2017 có thể lên, năm 2018 xuống nhưng cơ chế tiền lương hiện thực hiện theo cơ chế lợi nhuận đề ra dẫn tới thu nhập của người lao động năm cao năm thấp, không đảm bảo sự ổn định thu nhập làm cho người lao động khó yên tâm công tác. Mặt khác, chế độ kế toán cho DATC cũng cần có sự thay cho phù hợp với cơ chế tài chính mới và thông lệ, chế độ kế toán DN cũng như đặc thù của đơn vị.