Dệt may và da giày: Cơ hội bứt phá từ TPP

Theo baodautu.vn

Dệt may và da giày là những ngành tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước. Các ngành này đang có thời cơ bứt phá, nếu tận dụng được những cơ hội đến từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dệt may và da giày: Những con số ấn tượng

Việt Nam là một trong những nềnkinh tếtăng trưởng nhanh nhất châu Á, mà một trong những động lực tăng trưởng chính đến từ ngành dệt may. Hiện tại, Việt Nam đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu may mặc, chỉ sau Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ.

Dù sản xuất quần áo may sẵn có truyền thống lâu dài tại Việt Nam, song quá trình hội nhập vào nền kinh tế quốc tế mới chỉ diễn ra gần đây. Từ sau Đổi mới, công nghiệp dệt may là một trong những nhóm ngành đầu tiên được thành lập và phát triển không ngừng cho đến nay.

Xu hướng phát triển của dệt may càng được củng cố sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Đây là ngành được hỗ trợ rất nhiều từ phía Chính phủ, nhiềudự ánphát triển tham vọng được đề ra. Tựu trung, số liệu cho thấy, hiện có khoảng 2,5 triệu lao động tham gia trực tiếp vào ngành này, trong đó đa số là phụ nữ.

Ở một số diễn đàn gần đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ước tính, ngành dệt may hiện có hơn 6.000doanh nghiệp, trong đó có khoảng 4.500 xưởng may, 500 xưởng dệt kim và 100 xưởng kéo sợi. Sản lượng hàng năm là 200.000 tấn xơ sợi, 3 tỷ sản phẩm quần áo các loại... Hiện tại, dệt may chiếm 13,6% tổng giá trị xuất khẩu, đứng thứ hai, sau hàng điện tử về kim ngạch xuất khẩu ròng.

Thị phần của Việt Nam trong ngành may mặc toàn cầu là 3,7% năm 2013. Vitas cho biết, mục tiêu xuất khẩu của ngành năm 2016 là 31 tỷ USD.

Cũng theo số liệu của Vitas, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam đã có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. 52,8% số đó tiếp cận thị trường Mỹ (Bangladesh là 24,1%). 17% được xuất khẩu vào EU (Bangladesh: 59,7%). Hai thị trường lớn tiếp sau đó là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thị phần của Việt Nam trong thị trường xuất khẩu quần áo may sẵn toàn cầu còn khiêm tốn. Trung Quốc hiện giữ vai trò dẫn đầu thị trường, chiếm 39% thị phần toàn cầu (năm 2013). Dù vậy, tăng trưởng dệt may vẫn tỏ ra sôi động sau quá trình mở cửa từ những năm 1990. Việc tham gia WTO và ASEAN là tiền đề cho sự phát triển này. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp dệt may Việt Nam có lợi thế tiếp cận các thị trường lớn so với Trung Quốc.

Báo cáo củaNgân hàngStandard Chartered cho biết, với TPP, Việt Nam có khả năng qua mặt Bangladesh, với điều kiện các quy chuẩn xuất xứ được đảm bảo để hàng Việt Nam được hưởng các ưu đãi thuế quan vào thị trường Mỹ.

Một báo cáo gần đây cùa Ngân hàng Thế giới (WB) cũng ước tính, dệt may Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 41% vào năm 2020.

Nếu không tồn tại nguyên tắc xuất xứ 3 công đoạn, thì thị phần may mặc của Việt Nam sẽ tăng từ 4% lên mức 11% vào năm 2024. Theo đó, Việt Nam sẽ đứng thứ hai, sau Trung Quốc. Thị phần của Bangladesh sẽ chỉ tăng từ 5% lên mức 7%. Chịu thiệt hại sẽ là các nhà sản xuất đến từ Trung Mỹ, vốn chủ yếu sản xuất phục vụ thị trường Mỹ. Cũng theo báo cáo trên, với các quy tắc gắt gao về yêu cầu xuất xứ 3 công đoạn, tới năm 2024, cả Việt Nam và Bangladesh sẽ cùng giữ 8% thị phần.

Nhiều nhàđầu tưxem Việt Nam như là lựa chọn thay thế khi giá nhân công Trung Quốc tăng và các vụ tai nạn thảm khốc trong ngành diễn ra ở Bangladesh. Các FTA mới ký kết lại càng củng cố xu hướng chuyển dịch này. Cả Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Theo Hội đồng Dệt may Trung Quốc (CNTAC), Việt Nam là lựa chọn số 1 cho đầu tư nhờ vào mức tích tụ bông sợi nguyên liệu lớn, giá nhân công, chi phí hậu cần và hải quan thấp. Việt Nam cũng là thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Trung Quốc hiện vẫn dẫn đầu về xuất khẩu may mặc, với tổng giá trị khoảng 170 tỷ USD trong năm 2015, nhưng Việt Nam đang dần thu hẹp khoảng cách. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ghi nhận mức lương lao động bình quân ở nước này năm 2014 là 8.300 USD/năm. Con số tương ứng của Việt Nam là 3.000 USD và Bangladesh là 1.000 USD.

Ngành công nghiệp sản xuất giày dép đóng vai trò quan trọng không kém trong nền kinh tế Việt Nam. Các FTA sắp có hiệu lực được dự báo sẽ đưa ngành da giày tăng trưởng mạnh. Việt Nam đã là nhà xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ ba thế giới (sau Trung Quốc và Italy) và kim ngạch xuất khẩu sẽ còn tăng trong thời gian tới. Trong trường hợp của TPP, mức thuế 3,5 - 57,4% hiện nay sẽ về 0%. Kim ngạch xuất khẩu ngành đạt xấp xỉ 12 tỷ USD trong năm 2014 (chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, dù lãi ròng chỉ khoảng 3,55 tỷ USD) và 15 tỷ USD trong năm 2015.

Hiệp hội Da, giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) dự đoán mức tăng trong năm 2016 là 15 - 20%. Năm 2013, thị trường quan trọng nhất là Mỹ (Việt Nam là nhà cung ứng lớn thứ 2, sau Trung Quốc vào thị trường này), sau Bỉ và Đức. Nhưng cũng trong ngành da giày, sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào Trung Quốc cũng phải được giảm thiểu bằng cách tăng hàm lượng sản xuất nội địa.

Giày dép là ngành có sản lượng xuất khẩu lớn thứ 3 tại Việt Nam. Theo số liệu từ Chính phủ, hiện có khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho 600 doanh nghiệp, cho ra đời khoảng 800 triệu đôi giày mỗi năm. Đóng góp vào con số này là xu hướng chuyển dịch công xưởng từ Trung Quốc và Bangladesh sang Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ, tỷ giá ổn định và tận dụng vị trí chiến lược đón đầu các FTA sắp có hiệu lực.

Ấn Độ, vốn cùng có giá nhân công và chi phí sản xuất thấp, là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam. Bùng nổ tăng trưởng cũng được dự báo trong ngành da giày sau khi FTA Việt Nam - EU và TPP có hiệu lực. Gần 50% lượng giày thể thao của Nike được sản xuất tại Việt Nam, với thuế nhập khẩu hiện tại là 1,65 USD/đôi. Do đó, việc dỡ bỏ hàng rào thuế do TPP đem lại sẽ giúp Nike gặt hái lợi nhuận khổng lồ.

Tuy nhiên, áp lực đối với doanh nghiệp nội địa sẽ cực lớn, khi các doanh nghiệp nước ngoài cũng tận dụng được việc xóa bỏ thuế và thực tế là họ có khả năng tận dụng tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện tại, 77% giá trị xuất khẩu da giày trong nước là do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp.

Hơn nữa, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành còn rất thấp. Sản xuất trong nước đối với các mặt hàng phụ trợ cho ngành da giày, đặc biệt là da thuộc và da tổng hợp, mới đáp ứng 38% nhu cầu.

Thách thức và giải pháp

Trước triển vọng phát triển trên, Vitas vẫn nhấn mạnh rằng, đang tồn tại những vấn đề dai dẳng đối với ngành công nghiệp may mặc Việt Nam. Ở một khía cạnh, giá nhân công đang tăng. Mặt khác, may mặc Việt Nam vốn phụ thuộc sâu vào nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Dù sao, may mặc nội địa Việt Nam đã tiến hành đầu tư mạnh mẽ, bước đầu đem lại kết quả tích cực. Tỷ lệ nội địa hóa được mở rộng trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Thêm vào đó, trọng tâm sản xuất đã chuyển dịch thành công sang các mặt hàng chất lượng cao trong vài năm trở lại đây. Các khâu thiết kế, phát triển sản phẩm và marketing ngày càng được phát triển và thực hiện bài bản ở các công ty trong nước. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2018.

Một trong những điều kiện kèm theo trong chương dệt may của TPP là những mặt hàng xuất sang các nước TPP sẽ chỉ được hưởng các điều khoản ưu đãi khi các sản phẩm trung gian làm nên thành phẩm cũng có xuất xứ từ các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Trung Quốc và Hàn Quốc (đều không thuộc TPP) hiện chiếm tới 54% nguồn nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời cũng tương ứng là hai thị trường nhập khẩu sản phẩm trung gian lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đang trong quá trình thương thuyết để được cho phép áp dụng những lộ trình chuyển đổi đủ lâu để tranh thủ đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm trung gian.

Nhận diện được xu thế, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu hình thành, hay mở rộng khâu kéo sợi của riêng mình để không bị tụt hậu khi TPP có hiệu lực. Các doanh nghiệp chủ chốt đang đi theo xu hướng này có thể kể đến Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (CSFC), Công ty cổ phần Dệt Thành Công (TCM), Vinatex. Ngay cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đầu tư vào các nhà máy quay sợi, đan và nhuộm tại Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Itochu (Nhật Bản), Tập đoàn Viễn Đông Thế Kỷ Mới (Đài Loan), Tập đoàn Crystal (Hồng Kông).

Thêm vào đó, trong một động thái nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành sợi trong nước, Bộ Công thương đã đề xuất áp thuế ở mức 2% đối với xơ ngắn (PSF). Hiện tại, nhập khẩu xơ ngắn chưa phải chịu thuế. Mối lo ngại lớn đối với các công ty Việt Nam hiện nay là việc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài vốn có thế mạnh về tiềmlựctài chínhvà kinh nghiệm tham gia thị trường.So với các nhà xuất khẩu may mặc khác trong khu vực, doanhnghiệp Việt Nam còn hạn chế về máy móc, thiết bị, công nghệ, chưa kể năng suất lao động còn tương đối thấp. Bất lợi này hiện không còn có thể được bù đắp chỉ bởi lượng lao động giá rẻ dồi dào. Để đối phó, Chính phủ đang đầu tư vào khâu đào tạo và cơ sở hạ tầng dịch vụ.

(*) Bài viết này được lược trích từ báo cáo nghiên cứu của ông Erwin Schweisshelm, Trưởng đại diện Viện Friedrich-Ebert-Stiftung tại Việt Nam, với sự cho phép của tác giả và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS). Quan điểm trong bài viết hoàn toàn là của riêng tác giả.