Định vị điểm đứng cho thương hiệu Việt

Theo kinhtedubao.com.vn

Tuy Chính phủ và các ngành chức năng luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong việc xây dựng thương hiệu nhằm củng cố, nâng cao giá trị của thương hiệu quốc gia, của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm Việt Nam. Song, xét đến cùng thì đây vẫn là mục tiêu và trách nhiệm cao nhất, gắn liền với quá trình hình thành, hoạt động của các DN…

Định vị điểm đứng cho thương hiệu Việt
Thương hiệu biển Việt Nam giúp bạn bè quốc tế và người dân Việt Nam hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh quốc gia Việt Nam, một quốc gia có thế mạnh về biển. Nguồn: Internet

Đây là chủ đề chính của "Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2013" do Bộ Công thương và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội. 

“Danh hiệu thương hiệu quốc gia không có giá trị vĩnh cửu”

Năm 2012, cả nước đã có 54 DN được vinh dự nhận danh hiệu thương hiệu quốc gia, thuộc một số lĩnh vực như vật liệu xây dựng, thương mại, ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng, hóa chất, bất động sản… Đây là những hạt giống quan trọng, có thể cổ vũ cho cộng đồng DN Việt cũng như trực tiếp khẳng định giá trị, uy tín của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Từ đó, các chuyên gia cho rằng, cần phổ biến rộng rãi những thành công trong xây dựng, quản trị thương hiệu của các đơn vị này, đúc rút bài học kinh nghiệm của cả quá trình để nhân trên diện rộng. Phải quyết tâm để ngành nào, địa phương nào cũng có thêm nhiều DN được nhận thương hiệu quốc gia để trở thành phong trào rộng khắp, góp phần động viên DN trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt với khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Bình Minh xác nhận, một khi được nhận danh hiệu thương hiệu quốc gia, DN sẽ có thêm nhiều quyền lợi, thế mạnh mới. Đó là được quảng bá hình ảnh về năng lực, chất lượng sản phẩm của mình với nhãn hiệu thương hiệu quốc gia của Việt Nam với bạn hàng. Đây cũng là "tấm giấy thông hành" đặc biệt thể hiện uy tín của sản phẩm đẳng cấp quốc gia nên rất ấn tượng với khách hàng quốc tế.

Từ năm 2008, khi được nhận danh hiệu thương hiệu quốc gia đến nay, doanh thu của công ty đã tăng 2,3 lần. Đại diện một số DN khác cũng cho rằng, để đạt được danh hiệu tuy khó khăn, nhưng khi đã thành công thì DN được hưởng lợi rất nhiều.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu, nhất là bảo vệ thương hiệu của cộng đồng DN Việt cũng đang bộc lộ một số điểm yếu cần khắc phục để phát triển bền vững trong thời gian tới. Đó là tình trạng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu, thiếu đầu tư thỏa đáng để sáng tạo biểu trưng thương hiệu "đến nơi đến chốn", chưa kết hợp đồng bộ giữa việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, có trường hợp bị DN nước ngoài chiếm dụng thương hiệu…

Bản thân đại diện các DN cũng tự thừa nhận mặc dù là cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng thương hiệu gạo Việt Nam chưa được xác định xứng tầm, khiến giá bán gạo trên thị trường quốc tế thấp hơn gạo của nước khác.

Những thương hiệu của sản phẩm và DN Việt nói chung, bao gồm cả thương hiệu vùng miền cũng như thương hiệu biển thực chất là nhân tố cấu thành, góp sức tạo nên thương hiệu quốc gia, thúc đẩy và tôn vinh thương hiệu quốc gia trên thương trường quốc tế. Từng thương hiệu mạnh sẽ tạo nên một thương hiệu quốc gia mạnh.

Vì vậy, thương hiệu quốc gia được coi như "mái nhà chung", đòi hỏi sự hợp tác, đồng thuận vào cuộc từ cấp chỉ đạo vĩ mô đến chính quyền các địa phương cũng như sự gắng gỏi của từng DN. Những đơn vị được nhận danh hiệu thương hiệu quốc gia cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nhất là nguyên tắc bắt buộc phải xứng đáng với danh hiệu cao quý đó.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, danh hiệu thương hiệu quốc gia không có giá trị mãi mãi và được ban tổ chức đánh giá lại 2 năm/lần. Sự sàng lọc khắt khe đó nhằm bầu chọn thêm DN mới cũng như có thể đưa những đơn vị không giữ được uy tín ra khỏi danh sách đầy ý nghĩa này.

Như vậy, mỗi đơn vị phải luôn tự nâng cao ý thức, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để phát triển đồng thời tiếp tục xứng đáng với danh hiệu thương hiệu quốc gia. Bộ Công Thương chủ trương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích DN làm tốt công tác xây dựng thương hiệu cũng như kêu gọi sự ủng hộ của cả xã hội.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, cần xây dựng thương hiệu vùng miền từ những hình ảnh đặc trưng, trong đó tập trung vào lợi thế riêng của mỗi vùng miền, rồi đến từng địa phương. Đơn cử, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nên làm thương hiệu thông qua hình ảnh đồng lúa để biểu thị sức mạnh của nơi sản xuất lúa gạo chủ yếu của cả nước; cũng là ngầm ý khoe vị thế xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới của Việt Nam.

Trong khi đó, vùng ven biển miền Trung như Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận… lại nên "khoe" hình ảnh chung về tiềm năng hải sản kết hợp với du lịch biển độc đáo với những bãi cát dài và hàng dừa nghiêng nghiêng vươn ra biển. Song, để sáng tạo thương hiệu cho một tỉnh cụ thể thì lại cần đến sự chi tiết, kỹ tính hơn, như tỉnh Quảng Ngãi nên tập trung quảng bá ngành khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương để dễ bề tác động mạnh mẽ đến đối tác quốc tế…

Phải có trách nhiệm với “rừng vàng, biển bạc”

Trong một diễn đàn quan trọng bậc nhất về phát triển thương hiệu, nhiều người tham dự diễn đàn đặc biệt chú ý đến tham luận “Thương hiệu biển Việt Nam - nhìn từ góc độ phát triển kinh tế”. Tham luận của TS. Nguyễn Đăng Đạo và KS. Phạm Quang Mỵ.

Tuy đã được các tác giả “khoanh vùng”, nhưng rõ ràng, ai cũng hiểu ý nghĩa thương hiệu này rộng lớn hơn rất nhiều giá trị kinh tế thuần túy. Bởi như KS. Phạm Quang Mỵ khẳng định: “Có thể hiểu thương hiệu biển Việt Nam là sự cảm nhận về biển Việt Nam cùng với con người, cộng đồng cư dân ven biển; sản phẩm, sản vật biển Việt Nam, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, dịch vụ, tổ chức, địa phương, địa danh có liên quan đến biển… được hình thành bởi mọi trải nghiệm có liên quan, khi chúng ta tạo được dấu ấn rõ ràng nhằm thiết lập một chỗ đứng riêng trong tâm trí cộng đồng trong nước và quốc tế”.

Nước ta có trên 3.260 km bờ biển, 28 tỉnh thành có biển, vùng biển trù phú của đất nước rộng hơn 1 triệu km2 với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 quần đảo lớn ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Bao nhiêu năm, chúng ta tự hào “rừng vàng, biển bạc”, bây giờ, chúng ta phải có trách nhiệm quảng bá những giá trị “vàng” ấy ra thế giới.

Thương hiệu biển Việt Nam giúp bạn bè quốc tế và người dân Việt Nam hiểu đầy đủ hơn về hình ảnh quốc gia Việt Nam, một quốc gia có thế mạnh về biển. Nó cũng giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về hình ảnh đất nước đang vươn lên khẳng định vị thế và giá trị của mình, từng bước xây dựng hình ảnh của một quốc gia biển vững mạnh. Vì thế, thương hiệu biển không đơn thuần là một thuật ngữ kinh tế, nó là một thực thể bao trùm những thành tố vượt khỏi các hoạt động của doanh nghiệp, ngành nghề, nó mang trong đó nhiều giá trị Việt Nam./.