Doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp

PV.

(Tài chính) Hiện nay, tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đầu ra khó khăn, hàng tồn khó vẫn chưa thể giải quyết. Câu chuyện đặt ra hiện nay là chúng ta phải sử dụng công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ như thế nào cho hiệu quả, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trước hàng hóa nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ mới có 3 vụ điều tra tự vệ và chống bán phá giá

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dường như các hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đang bị bán phá giá, hiện tượng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt vào thị trường Việt Nam đã gây ảnh hưởng tới hàng hóa trong nước, gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp…

Theo ước tính, từ trước đến nay, Việt Nam đang chịu khoảng 70 vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp từ các nước song điều đáng nói là chúng ta mới chỉ tiến hành 03 vụ điều tra, trong đó có 02 vụ điều tra tự vệ và 01 vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu. Trong khi đó, nhiều loại sản phẩm mà Việt Nam đang nhập khẩu nhiều, đặc biệt là hóa chất, nhựa, dệt may, kim loại, điện tử… đã và đang là đối tượng bị kiện chống bán phá giá ở nhiều nước.

Nói thêm về vụ điều tra chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, đây là vụ kiện chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam. Theo đó, ngày 27/5/2013, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố thông tin về việc Công ty TNHH Posco VST và Công ty cổ phần Inox Hòa Bình nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam: Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Ngày 4/7/2013, Bộ Công Thương cho biết, đã ký quyết định thông báo về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ này vào Việt Nam…

Doanh nghiệp cần quan tâm hơn

Có một thực tế là hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến công cụ chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như: doanh nghiệp chưa hiểu biết sâu về các công cụ này, các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế; thủ tục quá phức tạp và cũng không biết bắt đầu từ đâu…?

Ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng Ban xử lý chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, Cục Quản lý Cạnh tranh, cho rằng, khi doanh nghiệp muốn tìm kiếm công cụ bảo vệ phù hợp thì doanh nghiệp nên thu thập các dữ liệu về thuế nhập khẩu, các biện pháp hành chính, các điều khoản trong Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và phòng vệ thương mại (chống bán phá giá và biện pháp tự vệ). Bên cạnh đó, để có thể kiện chống bán phá giá được thành công, doanh nghiệp phải xác định được mức độ thiệt hại, như: lượng bán hàng, doanh thu có bị ảnh hưởng, hàng tồn kho có bị tồn đọng nhiều… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm đến các cơ quan chức năng, các hiệp hội nghề nghiệp để tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt pháp lý.