Doanh nghiệp nhà nước và những bài học đắt giá: Tìm mọi cách bứt phá!

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) "Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) - Những bài học đắt giá” là tên cuộc hội thảo phân tích những vấn đề trong làm ăn của khối DNNN, cũng như tìm cách xốc lại khối này - được tổ chức ngày 25-6 tại Hà Nội. Nợ xấu, nợ không trả được lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nặng gánh trên vai DNNN… Liệu cơ quan quản lý chấp nhận những điểm yếu này để thực hiện cải cách, cổ phần hóa DNNN?

Tái cơ cấu DNNN để tạo sức mạnh mới cho nền kinh tế. Nguồn: Internet
Tái cơ cấu DNNN để tạo sức mạnh mới cho nền kinh tế. Nguồn: Internet
Bộc lộ khiếm khuyết

Cuộc hội thảo được tổ chức trong bối cảnh DNNN gặp khó trong kinh doanh và đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết trong điều hành. Tiến trình cổ phần hóa 432 DNNN đang được đốc thúc thực hiện. Chính phủ cũng quyết "xốc” lại vai trò của DNNN.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nêu quan điểm:  Đến giai đoạn hiện nay, các DNNN đã và đang đứng trước những thách thức to lớn trên con đường đi lên của mình. DNNN đang đối mặt với nguy cơ làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ và nợ nần. Do vậy, tìm kiếm giải pháp để DNNN  có thể phát triển trong tình hình mới hiện nay với phương châm hiệu quả, năng suất và chất lượng là một đòi hỏi cấp bách.

Thất bại chính của DNNN được chỉ ra là: mở rộng quá mức về quy mô hoạt động với đa ngành nghề kinh doanh đã đưa đến những đổ bể đáng tiếc của một số tập đoàn, tổng công ty. Chẳng hạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN đầu tư lĩnh vực đầu tư bảo hiểm (Công ty bảo hiểm Toàn Cầu - GIC), tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Hay như hiện tại Tập đoàn Cao su (VRG) đầu tư vào thủy điện. Các tập đoàn lớn, giờ muốn rút chân ra khỏi bất động sản, khỏi ngân hàng cũng không dễ.

Vòng xoáy hội nhập ngày càng sâu, bản thân khối DNNN lại hạn chế nhất định về hiểu biết "luật chơi” của hội nhập. Do vậy, lần lượt các khó khăn đã lộ rõ, càng hội nhập sâu lại càng xuất hiện những điểm nghẽn, khiến DN càng thêm chật vật. Có những Tập đoàn đã phải "quay đầu về núi” trở thành tổng công ty…  

Cần phân định rõ chức năng

Khối DNNN đang nắm những nguồn lực quan trọng của đất nước, khi ngoài vốn chủ sở hữu lên tới 1,1 triệu tỷ đồng ngoài ra khu vực này còn đi vay 1,3 triệu tỷ đồng nữa. Song các tại các lĩnh vực thiết yếu, DNNN lại hoạt động khá trì trệ. Tại một số tập đoàn, tổng công ty, năng lực quản trị của người đứng đầu chưa tương xứng với quy mô, vị trí của đơn vị, công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro còn lỏng lẻo. Dẫn đến hiệu quả hoạt động của các DN chưa cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm 0,58% trong 3 năm. 

Vì đâu nên nỗi? Nhiều đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo bức xúc cho rằng, lợi ích nhóm chi phối hoạt động của các DNNN.

Trực tiếp đồng hành cùng quá trình cải cách DNNN, TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương trong phần tham luận của mình đã cho rằng, tình trạng phân công, phân cấp cho nhiều cơ quan, tổ chức cùng quản lý DNNN là nguyên nhân dẫn đến bất cập trong hoạt động của các DN hiện nay. "Theo tôi, phân cấp hiện nay chưa triệt để, cho nên trách nhiệm còn ở cấp trên, không thể hiện DN rõ ràng ở địa phương, nó trải dài nhiều cơ quan, nhưng phối hợp trong phân công, phân cấp chưa tốt mà phải có chuyên trách, chuyên nghiệp và đi theo đó là cả cơ chế về động lực, sức ép, cần có cơ chế về động lực, sức ép, cũng có giám sát các cơ quan, tổ chức trực tiếp làm vai trò chủ sở hữu”, ông Cường lưu ý.

Trong khi đó TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: cần phân định rõ chức năng sở hữu với các chức năng khác của nhà nước, đặc biệt là chức năng điều tiết thị trường. Ngoài ra, cần xác định rõ đầu mối chịu trách nhiệm, tiến tới tập trung hóa trong việc thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước. Mục tiêu của Nhà nước đặt ra trong 2 năm 2014 -  2015 trọng tâm là hoàn thành cổ phần hóa 432 DNNN để tập trung sức mạnh. Song hành với quá trình này là đổi mới cơ chế giám sát, kiểm tra đối với DNNN.

Các ý kiến tham gia hội thảo khẳng định, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu, cũng như tăng trách nhiệm, quyền hạn với người đại diện vốn của công ty mẹ trong các DN khác; Cần có đầu mối thống nhất  để quản lý các DNNN và vốn đầu tư nhà nước vào DN.