Doanh nghiệp nỗ lực về đích sớm

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Dẫu chưa thoát khỏi những khó khăn, song một số doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng khả quan trong năm 2013. Trong đó có doanh nghiệp về đích sớm và đang sẵn sàng cho những đơn hàng vào năm tới.


Tăng lượng lẫn chất

Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), gồm 16 đơn vị thành viên và liên kết đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh ngoài mong đợi với trên 80% kế hoạch, nộp ngân sách trên 3.200 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2012; dự kiến cả năm giữ mức tăng trưởng 13,5%. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu năm doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc cải tổ bộ máy bằng các hoạt động mang lại hiệu suất cao như tái cấu trúc nguồn vốn, nguồn nhân lực…

Trong đó, công ty mẹ đã hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên và liên kết bằng các chiến lược sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường. “Qua công tác hỗ trợ của công ty mẹ, hầu hết doanh nghiệp thành viên và liên kết của CNS đều có mức tăng trưởng tốt trong năm 2013.

Trong đó, có nhiều lĩnh vực như chế tạo khuôn mẫu, cao su kỹ thuật được đầu tư mới, có hệ thống nên mang lại hiệu quả cao. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho các đơn hàng năm 2014, trong đó có nhiều đối tác đã ký kết bản ghi nhớ, chỉ đợi đến đầu năm sẽ ký chính thức” - Tổng Giám đốc CNS Nguyễn Văn Thọ phấn khởi cho biết.

Đối với Tổng Công ty Liksin, mặc dù theo dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh cả năm sẽ đạt 96% - 97% kế hoạch, nhưng tăng 8% so với 2012. Đáng chú ý, lợi nhuận của Liksin lại có sự bứt phá đáng kể, vượt 10% kế hoạch và tăng 20% so với cùng kỳ.

Theo Tổng Giám đốc Liksin Lê Đăng Quang, để đạt được mức lợi nhuận tốt trong điều kiện kinh tế chưa mấy sáng sủa, ngay từ đầu năm doanh nghiệp đã triển khai hàng loạt giải pháp, trong đó thực hiện tốt chính sách tiết kiệm; kiểm soát tốt chi phí, công nợ. “Mặt khác, trước đó công ty đã mạnh dạn đầu tư mở rộng và di dời nhà máy về khu công nghiệp tại Long An nên việc sản xuất được ổn định và năng suất tốt hơn” - ông Quang nói.

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, nhiều doanh nghiệp cho biết, năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc cạnh tranh ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực để giữ vững doanh thu, đảm bảo duy trì hoạt động của các nhà máy. Ông Đỗ Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Tân Quốc Dũng (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), chuyên sản xuất các loại bình nén khí và gia công chế tạo cơ khí cho biết, đến thời điểm này ít có đơn hàng mới. Qua đây cho thấy tình hình sản xuất cơ khí nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung còn hết sức khó khăn.

Tuy nhiên, với Công ty Tân Quốc Dũng lượng đơn hàng ký kết trước đó đủ để công nhân sản xuất đến cuối năm. “Năm nay, nhìn chung tình hình vẫn khó khăn, nhưng nhờ có nhiều khách hàng cũ tái ký hợp đồng, bên cạnh doanh nghiệp luôn giữ uy tín thương hiệu, sản phẩm làm ra đạt chất lượng và giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nên tìm kiếm thêm được một số bạn hàng mới, do đó doanh thu vẫn đạt so với cùng kỳ năm 2012” - ông Dũng tâm sự.

Sức ép cạnh tranh

Ngoài những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” trong tình cảnh kinh tế còn khá ảm đạm, số khác dù vẫn duy trì mức tăng trưởng nhưng phải đối diện với hàng loạt thách thức; đặc biệt, theo dự báo sớm nhất trong 2 năm tới “sức khỏe” của nền kinh tế mới dần hồi phục.

Giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung Đỗ Thanh Hùng cho biết, dự kiến cả năm 2013 doanh thu của đơn vị tăng 8% so với 2012, song mức lợi nhuận có phần sụt giảm. “Mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm mạnh do sức cạnh tranh trong ngành giấy ngày càng khốc liệt. Ngoài việc bị ép giá, lượng khách hàng không ổn định vì đối tác cũng không bán được hàng khiến doanh nghiệp thêm khó khăn.

Trong khi đó, bằng mọi giá doanh nghiệp buộc phải giảm giá để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động” - ông Hùng giải thích. Để nâng sức cạnh tranh, Công ty Bao bì giấy Việt Trung đang triển khai đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Xuyên Á, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2014. Việc mạnh dạn bỏ vốn mở rộng đầu tư để vừa giảm giá thành vừa nâng sức cạnh tranh trong thời điểm kinh tế khó khăn, sức mua yếu như hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng dám lựa chọn.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Hưng cho biết, đến thời điểm này nền kinh tế của cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng có chuyển biến tích cực. “Tuy nhiên, kinh tế đang phát triển theo hình chữ “U”, chứ không phải chữ “V”, nghĩa là hết sức chậm chạp. Sức mua yếu khiến doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, vì sợ không bán được sản phẩm.

Chưa kể, từ năm 2015 các dòng thuế từ các quốc gia khu vực Asean sẽ tiến tới bằng 0% càng khiến doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt và không thể dự đoán nên sẽ ngồi yên nghe ngóng”- ông Hưng phân tích. Trong khi đó, nhiều nguồn lực thị trường bị đóng băng như bất động sản, vật liệu xây dựng… đã tác động dây chuyền. Chưa kể, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến việc tăng lương cho công nhân không được đảm bảo, còn người dân siết chặt chi tiêu, chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu khiến đầu ra sản phẩm của các nhà sản xuất, kinh doanh thêm khó.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay với lãi suất ở mức vừa phải và nhiều ngân hàng đang mời gọi cho vay, các doanh nghiệp không lo thiếu vốn. Điều mà cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần để tăng năng lực sản xuất là cần nhanh chóng khơi thông đầu ra cho sản phẩm.