Doanh nghiệp thực phẩm châu Âu tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Theo Thùy Dương/baocongthuong.com.vn

Phái đoàn doanh nghiệp châu Âu gồm 19 công ty từ các quốc gia Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Anh đã đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong ngành Thực phẩm.

Theo đại diện IPSOS, ngành thực phẩm tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn bởi kinh tế đang tăng trưởng tốt, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao. Nguồn: Internet
Theo đại diện IPSOS, ngành thực phẩm tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn bởi kinh tế đang tăng trưởng tốt, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao. Nguồn: Internet

Bà Delphine Rousselet, Giám đốc Mạng lưới doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EVBN) - đơn vị tổ chức chương trình xúc tiến thương mại ngành Thực phẩm lần thứ 4 tại Việt Nam cho các doanh nghiệp châu Âu - cho biết: Tham gia chương trình năm nay có 19 doanh nghiệp thực phẩm của châu Âu đến từ Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italia, Ba Lan, Bồ Đào Nha và Anh. Các công ty này đến hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội hợp tác có lợi với nhà phân phối trong nước.

Các doanh nghiệp này đến Việt Nam từ ngày 30/1 - 2/2/2018 và sẽ tham dự hơn 230 buổi họp mặt với nhà phân phối và nhập khẩu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, phái đoàn cũng tham quan siêu thị và trung tâm mua sắm lớn như Giant, Ân Nam, MM Mega Market, Lotte Mart trong suốt 4 ngày diễn ra sự kiện.

Tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã tham gia hội thảo cập nhật về tình hình tăng trưởng của ngành thực phẩm Việt Nam, những lợi ích tài chính được đem lại từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam sắp được thực hiện và cách thức nhập khẩu thực phẩm châu Âu vào Việt Nam. Buổi cập nhật thông tin này diễn ra ngày 30/1 với sự trình bày của đại diện IPSOS - một trong những công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường tại Việt Nam.

Theo đại diện IPSOS, ngành thực phẩm tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn lớn bởi kinh tế đang tăng trưởng tốt, nhu cầu người tiêu dùng tăng cao cùng với đó là nhiều thuận lợi mang lại từ Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và EU. Vị này cũng chỉ ra xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam đang thay đổi theo hướng tiêu thụ những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường - đây được cho là thế mạnh vốn có của các doanh nghiệp châu Âu khi tiếp cận thị trường.

Tại buổi giới thiệu, các doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao về tiềm năng của ngành thực phẩm Việt Nam và bày tỏ mong muốn được hợp tác kinh doanh với nhà phân phối nội địa. Những doanh nghiệp này phải kể tới như: Acetaia Leonardi - một nông trại sản xuất giấm Balsamic tại Modena, Italia với danh mục sản phẩm phù hợp cho các cửa hàng bán lẻ và ngành Dịch vụ thực phẩm; Agro Queen - công ty thương mại chuyên cung cấp các sản phẩm thực phẩm của Nga hay Camrambar & Co - đơn vị sản xuất thực phẩm Pháp với các nhãn hiệu chocolate, bánh kẹo…

Việt Nam là một trong những thị trường có tiềm năng lớn cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính khoảng 15% GDP. Chính vì vậy, các doanh nghiệp của châu Âu đã nắm bắt cơ hội này để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và tiến tới đầu tư, đẩy mạnh sản xuất trong tương lai.