Doanh nghiệp thực phẩm vào chặng nước rút

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Số lượng đàn trâu/bò, lợn, gia cầm đều giảm vài phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thực phẩm đang tăng lên, khi các doanh nghiệp (DN) sản xuất thực phẩm chế biến “vào mùa” tăng công suất cho thị trường Tết 2014.

Doanh nghiệp thực phẩm vào chặng nước rút
DN thực phẩm đã chuẩn bị cho kế hoạch cung ứng cuối năm. Nguồn: internet

Đã 3 tháng nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chịu tác động từ tăng giá nhóm thực phẩm, sau nhiều tháng giảm trước đó. Một nguyên nhân là nguồn cung giảm trong khi nhu cầu bắt đầu tăng lên đã gây sức ép lên giá cả thị trường.

Thống kê cho thấy, số lượng đàn trâu/bò, lợn, gia cầm đều giảm vài phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng cùng lúc, nhu cầu nguyên liệu cho chế biến thực phẩm đang tăng lên, khi các DN sản xuất thực phẩm chế biến “vào mùa” tăng công suất cho thị trường Tết 2014.

Trên địa bàn phía Nam, giá thịt lợn đang tăng tại một số tỉnh đầu nguồn như: Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng. Hiện giá lợn hơi tại TP. Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long từ 42.000 - 44.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 6.000 đồng/kg so đầu tháng 9/2013. Tại các trại chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai), thời điểm này giá lợn hơi cũng tăng mạnh lên mức 44.000 - 46.000 đồng/kg. Thương lái đang chọn mua lợn mỡ nhiều hơn để làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến.

Cũng do DN hút hàng từ đầu nguồn, lượng thịt về tới TP. Hồ Chí Minh đang giảm. Thông tin về cung cầu thực phẩm trên thị trường thời gian gần đây, Ban Quản lý chợ đầu mối Bình Điền cho hay, từ đầu tháng 10/2013, lượng thịt lợn về chợ giảm 3% so với hồi đầu tháng 9/2013.

Giá bán lẻ nhiều loại thịt lợn tại chợ sỉ của TP. Hồ Chí Minh hiện tăng từ  3.000 đồng/kg và chợ lẻ tăng 4.000 - 10.000 đồng/kg. Giá trứng gia cầm bán lẻ tại các chợ cũng đang đứng ở mức cao (từ 33.000 - 39.000 đồng/chục trứng). Tiểu thương ở các chợ lẻ không giảm giá trứng, sau khi đã tăng giá từ trước mùa sản xuất bánh trung thu.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, đầu vào nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến (lợn hơi, trâu, bò…) của DN này đã tăng giá khoảng 5% - 10% từ cuối tháng 8/2013 đến nay. Trong khi đó, giá bán sản phẩm ra thị trường vẫn chưa tăng được vì sức mua còn yếu. “Vissan sẽ giữ giá đến đâu hay đến đó, để kéo sức mua và hỗ trợ người tiêu dùng. Khi không thể giữ giá được sẽ tính sau”, ông Mười cho biết.

Có vẻ như  nhiều DN chế biến thực phẩm đều sẵn lòng “chịu thiệt” như ông Văn Đức Mười. Theo Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Vinh Nhung, lượng hàng mà các DN chuẩn bị cho dịp cuối năm và Tết Giáp Ngọ 2014 rất dồi dào, đăng ký tại sở tăng từ 20% - 30% so với thông thường.

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp kết nối hợp tác thương mại giữa các DN của hai địa phương. Theo đó, đã có trên 100 DN tỉnh Đồng Tháp tham gia ký thỏa thuận cung ứng hàng hóa vào các hệ thống phân phối của TP. Hồ Chí Minh như Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn…

Ở chiều ngược lại, các DN phân phối của TP. Hồ Chí Minh cũng cam kết đầu tư vốn vào các DN Đồng Tháp để thu mua nguyên liệu, sản xuất hàng hóa theo yêu cầu của nhà phân phối. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, các sản phẩm chủ yếu từ chương trình hợp tác này là trái cây tươi, trái cây đóng hộp, bánh kẹo, thực phẩm chế biến tươi và khô…

Đây vốn là các sản phẩm đặc sản thế mạnh của địa phương, sẽ góp phần đa dạng chủng loại mặt hàng thực phẩm tiêu dùng vào dịp cuối năm cho người dân TP. Hồ Chí Minh.

Một số DN bán lẻ lớn của TP. Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư bằng ứng vốn, bao tiêu sản phẩm cho các trang trại tại nhiều tỉnh thành miền Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Kiên Giang… để chủ động nguồn hàng tiêu thụ vào hệ thống bán lẻ. Với các giải pháp đón đầu này, số lượng hàng hóa cung ứng cuối năm sẽ rất dồi dào. Vấn đề vẫn chỉ là mặt bằng giá cả có “chiều lòng” nhà sản xuất.