Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Theo Hà Nội mới

Nhìn chung, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chú trọng thị trường Lào, Campuchia bởi đây là các địa bàn quen thuộc, gần về địa lý, thuận tiện về giao thương, vận chuyển hàng hóa, triển khai nhân sự.

 Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài: Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bên cạnh việc tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 15 năm qua, DN Việt Nam đã từng bước thâm nhập thị trường nước ngoài, từ đó hình thành lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN). Thông qua những dự án cụ thể, đến nay DN Việt bước đầu thu được những kết quả tích cực và tạo được thương hiệu ở một số quốc gia, khu vực…

Những kết quả đáng ghi nhận

Những năm qua, làn sóng ĐTRNN của DN Việt diễn ra theo xu hướng gia tăng cả về số lượng dự án lẫn mức vốn đầu tư, đến nay đã có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung Việt Nam đã có 712 dự án ĐTRNN, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 3,8 tỷ USD; riêng năm 2012, vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.

Giới chuyên gia đánh giá, việc tăng tốc độ giải ngân cho thấy sự tự tin, quyết tâm làm ăn ở nước ngoài cũng như hoàn cảnh, tình hình ở thị trường các nước tiếp nhận đầu tư đã chín muồi hoặc đến thời điểm chuẩn bị "hái quả". Bên cạnh đó, hoạt động ĐTRNN đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Một số dự án đã bước đầu thành công và chuyển lợi nhuận về nước. Sơ bộ, một số dự án ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông và cao su của DN Việt Nam đầu tư ở các nước đã chuyển lợi nhuận khoảng 430 triệu USD về nước.

DN Việt thường có định hướng đầu tư vào những địa bàn, thị trường phát triển ở mức trung bình, thậm chí có điều kiện kinh tế - xã hội và sức mua tương đồng với thị trường Việt Nam như Lào, Campuchia, Nga, một số nước khu vực Nam Mỹ... Một số ngành, lĩnh vực chiến lược DN Việt Nam đã triển khai đầu tư, được ghi nhận là có hiệu quả là dầu khí, thủy điện, cây công nghiệp, viễn thông...

Đặc biệt, gần đây một số DN đã chủ động thâm nhập thị trường mới, giàu tiềm năng là Myanmar, với dân số 65 triệu người và có giá thành nhân công thấp. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh, hiện Myanmar có nhu cầu lớn về các ngành gồm: Khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, phân bón, đóng tàu, viễn thông, nhiệt điện... Đáng chú ý, cuối năm 2012, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã nhận được giấy phép để xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê và khu căn hộ cho thuê với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD tại quốc gia này.

Chủ động mở rộng thị trường

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động ĐTRNN đang từng bước đi vào ổn định. Dự báo, năm 2013, vốn đăng ký ĐTRNN sẽ đạt khoảng 1-1,5 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 1 tỷ USD. Hoạt động ĐTRNN tiếp tục gặt hái những kết quả khả quan, khẳng định nỗ lực và bản lĩnh của DN Việt. Song để thành công trong ĐTRNN, mỗi DN cũng cần tự đánh giá tổng quan, điểm mạnh, điểm yếu và khả năng thích nghi trong môi trường mới. Mức độ thành công đến đâu phần lớn phụ thuộc vào định hướng chiến lược kinh doanh kết hợp với sự năng động của lãnh đạo từng đơn vị cụ thể, nhất là trong việc thâm nhập thị trường mới.

Nhìn chung, DN Việt Nam vẫn chú trọng thị trường Lào, Campuchia bởi đây là các địa bàn quen thuộc, gần về địa lý, thuận tiện về giao thương, vận chuyển hàng hóa, triển khai nhân sự. Đặc biệt, DN được gợi ý tiếp tục nhân rộng kết quả đầu tư vào lĩnh vực trồng cây công nghiệp, nhất là cao su lâu năm kết hợp chế biến - xuất khẩu thông qua mô hình khép kín: Trồng - chế biến - xuất khẩu để hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 500 triệu USD vào năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề là khả năng "chạy đua" với thời gian và "sức bền" của DN - là hai yếu tố quyết định sự thành công của mỗi dự án.

Trên thực tế, hiện nhiều nhà đầu tư thuộc Châu Á cũng đã len chân vào hai nước trên; từ đó tạo ra sự cạnh tranh ngày càng lớn. Các chuyên gia khuyến cáo, cần tranh thủ thiết lập phương án thu xếp nguồn vốn đồng thời với giai đoạn nghiên cứu khả thi, cũng như bước chuẩn bị xin cấp phép vì "thời gian là vàng". Quan trọng hơn, DN phải được cấp giấy phép đầu tư nhằm triệt tiêu nguy cơ bị cạnh tranh, nhất là bị mất cơ hội đầu tư…