Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Còn khoảng cách lớn trong khu vực

Theo ven.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh Việt Nam đang đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tiến tới thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam cho rằng, so với khu vực, DN Việt Nam còn khoảng cách lớn về trình độ công nghệ, nguồn lực để có thể cạnh tranh.

Phóng viên: Thời gian qua, tình hình hoạt động của DNNVV có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Doanh nghiệp vừa và nhỏ: Còn khoảng cách lớn trong khu vực
Ông Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV

Ông Cao Sỹ Kiêm: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ các chính sách Nhà nước, nên cộng đồng DNNVV đã có những chuyển biến khá tích cực, biểu hiện đều hơn, nhanh hơn. Điều này cho thấy quyết tâm của DN trong việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ đối với DN, đó là vượt qua khó khăn, khôi phục nhanh về sản xuất, kinh doanh.

Theo ông, tình hình căng thẳng biển Đông có tác động nhiều đến hoạt động của DNNVV không?

Đối với DNNVV, đây là thời điểm họ đang có những yếu tố vượt qua khó khăn, phục hồi trỗi dậy. Tuy nhiên, căng thẳng trên biển Đông và các cuộc biểu tình do kẻ xấu kích động làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của DN, tác động đến khả năng thu hút vốn nước ngoài, xuất khẩu, quan hệ với các doanh nhân, DN Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng và tác động xấu là không lớn. Trong lúc này, cộng đồng DNNVV đang cố gắng tạo ý thức, nhận thức, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của mình để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm nay.

Vậy còn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, DNNVV đã tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ra sao?

Nội địa hóa là vấn đề lâu dài. Chúng ta muốn tạo vị thế, muốn phát triển được phải hoàn thiện hơn về hệ thống thể chế, có sự đồng thuận, đồng bộ về năng lực, vật chất. Đối với DN phải trang bị công nghệ kỹ thuật và nâng cao trình độ quản lý. Có như vậy mới đủ điều kiện để tăng tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Và khi đó, khả năng cạnh tranh mới cải thiện được.

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào năm 2015, vậy cơ hội mở ra với DNNVV như thế nào?

Cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập là thời cơ tốt để DNNVV vươn ra khu vực, thế giới, có môi trường lớn cạnh tranh bình đẳng. Phải nói rằng, nhiều DNNVV đã có những chuyển biến tích cực, tạo lập được niềm tin, gia tăng cơ hội thu hút đầu tư thời gian qua. Đồng thời, các DN cũng có khả năng đưa hàng ra nước ngoài với chất lượng ngày càng tốt hơn. Với thuận lợi này, DN Việt Nam có thể có cơ hội hợp tác một cách tích cực hơn với DN nước ngoài khi AEC thành lập.

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều trở ngại, theo ông, DNNVV cần phải thay đổi như thế nào để thích ứng với hội nhập?

Hệ thống DN của chúng ta so với khu vực còn khoảng cách về mặt pháp lý, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn lực, năng lực tài chính, cơ sở vật chất. Do đó, muốn cạnh tranh được, DN phải hoạt động tích cực hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy cải tiến hạ tầng cơ sở, mô hình quản lý có hiệu quả hơn. DN phải tự vận động, cố gắng biết mình làm gì, đầu tư đến đâu, không nên dài trải. Mặt khác, phải thúc đẩy tìm hiểu thị trường nhằm tạo những yếu tố có thể xuất khẩu với mặt hàng, mẫu mã hợp lý hơn, giá thành tốt hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách mới hỗ trợ, giúp các DN từng bước hội nhập, phát triển. Bởi hoạt động và sự phát triển của DN hiện chủ yếu dựa vào các chính sách Nhà nước.

Còn phía Hiệp hội DNNVV có những hoạt động hỗ trợ nào cho DN?

Chúng tôi đang triển khai nhiều chương trình. Trước hết là phổ biến và nâng cao về mặt nhận thức chính sách, luật lệ, kể cả luật lệ trong nước và ngoài nước. Đồng thời, có những cuộc khảo sát tiếp xúc cho doanh nhân, DN ra nước ngoài học hỏi những luật lệ, văn hóa kinh doanh…

Xin cảm ơn ông!