Doanh nghiệp xã hội khó tìm vốn vì thiếu lượng sức

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Dù được đánh giá là những mô hình hoạt động hiệu quả, từ 1 đồng vốn tạo ra 4 đồng lời, thì rất nhiều doanh nghiệp (DN) xã hội khác giống như Mekong Quilts, lại rất khó tiếp cận những hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là trong tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Doanh nghiệp xã hội khó tìm vốn vì thiếu lượng sức
Mô hình của Mekong Quilts cải thiện đời sống cho nhiều phụ nữ nông thôn. Nguồn: thoibaonganhang.vn
Chỉ 13% DN xã hội tiếp cận được vốn vay

Thành lập từ năm 2001, Mekong Quilts, một DN xã hội chuyên sản xuất các mặt hàng dệt may thủ công, mây tre đan đã tạo việc làm cho hơn 300 phụ nữ có đời sống khó khăn tại các địa phương như Bình Thuận, Hậu Giang, và một số tỉnh tại Campuchia. Hoạt động theo mô hình DN xã hội điển hình, DN này không chỉ nâng gấp đôi thu nhập cho người lao động, mà qua thực tế doanh thu của chính DN cũng tăng trung bình từ 30-50% qua từng năm, ngay trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa hết khó khăn.

Tuy nhiên, dù được đánh giá là những mô hình hoạt động hiệu quả, từ 1 đồng vốn tạo ra 4 đồng lời, thì rất nhiều DN xã hội khác giống như Mekong Quilts, lại rất khó tiếp cận những hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là trong tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều DN xã hội có mặt tại Diễn đàn đầu tư xã hội năm 2013 do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Hội đồng Anh (BC) và Viện Nghiên cứu  Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.

Bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người sáng lập CSIP và cũng là người đã nhiều năm theo sát hỗ trợ cộng đồng DN xã hội tại Việt Nam cho biết, các kênh huy động vốn cho DN xã hội còn rời rạc, thiếu khung khổ pháp lý, làm giảm đáng kể nguồn lực hỗ trợ cho các DN này.

“Nguồn vốn của DN xã hội chủ yếu là từ bản thân họ, chỉ 13% số DN có thể vay được từ các nguồn khác nhau”, bà Phạm Kiều Oanh -Giám đốc CSIP đưa ra thông tin cụ thể hơn về hiện trạng tiếp cận vốn khó khăn của DN xã hội. Đáng chú ý, theo khảo sát của CSIP phối hợp thực hiện với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sau 3 năm hoạt động, nguồn vốn của một DN xã hội tăng lên đáng kể, trung bình từ khoảng 500 triệu đồng lên khoảng 2,8 tỷ đồng.

Song cũng chính vì khó tiếp cận vốn nên rất ít DN trong số này có thể mở rộng kinh doanh dù mô hình hiệu quả, mang lại lợi nhuận và cải thiện đời sống người lao động.

Dự báo trong tương lai sẽ có khoảng 165.000 đơn vị, hợp tác xã, tổ chức phi Chính phủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng phát triển theo hướng DN xã hội. So với quy mô khoảng hơn 200 DN xã hội hiện nay thì sự tăng vọt về số lượng cho thấy, nguồn vốn cho hoạt động của khối DN này chắc chắn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. CSIP cũng cho rằng, với quy mô lớn như vậy, nhu cầu vay vốn của khối DN xã hội có thể lên tới 73%.

Nhà đầu tư kêu thiếu dự án tốt

Dù thấu hiểu tình cảnh khó khăn của các DN xã hội trong tiếp cận vốn, nhưng không thể phủ nhận rằng năng lực và hiểu biết hạn chế về nguồn vốn và cách tiếp cận vốn của DN chính là nguyên nhân chủ yếu cản trở họ. “Nhiều DN thiếu kiến thức về nguồn vốn sẵn có và thiếu hiểu biết về yêu cầu của nhà đầu tư”, bà Phạm Kiều Oanh nói.

Đồng thời, bà Oanh cũng dẫn chứng, khá ít các DN xã hội mà bà đã tiếp xúc, nhận thức được rằng mình chưa có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Phần lớn DN thậm chí chưa chuẩn bị báo cáo đầy đủ để đánh giá năng lực của họ, gây trở ngại cho nhà đầu tư muốn tìm kiếm các dự án tốt. Chỉ 10% DN được khảo sát có đủ báo cáo tài chính cho nhà đầu tư, bà Oanh đưa ra con số cụ thể hơn.

Bà Dương Đỗ Quyên - Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Dragon Capital lưu ý thêm, một trong những thách thức lớn trong việc lựa chọn dự án đầu tư chính là khó có thể đo lường hiệu quả cũng như tác động xã hội của các dự án này. Bên cạnh đó, thông tin về các cơ hội đầu tư cho xã hội, cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng chung cũng là cản trở.

Nhà đầu tư hiện nay đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các DN xã hội, nhưng vẫn thấy thiếu các dự án tốt để rót vốn. Do đó, họ thường chọn cách an toàn là đầu tư vào các DN đã hoạt động và thực sự cho thấy tính hiệu quả. Rõ ràng với sự cẩn trọng như vậy, phần lớn các DN xã hội non trẻ đều phải tự bươn chải và họ khó có cơ hội phát triển lớn mạnh.

Trên thế giới, sự mở rộng của mô hình DN xã hội ngày một gia tăng cho thấy đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Bà Kim Alter - Giám đốc điều hành Quỹ Virtue Ventures cho biết, một số quốc gia đã có nhiều quy định riêng để hỗ trợ khối DN này. Ngày càng có nhiều chương trình ươm tạo doanh nhân thiện doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới, song song với các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Tại Việt Nam, dù sự phát triển của DN xã hội đang ở giai đoạn ban đầu nhưng đã có sự tăng trưởng đáng kể. Với dự báo phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, các cơ quan quản lý và cả những nhà đầu tư cần chủ động đón đầu để đưa ra những hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho khối DN xã hội hoạt động hiệu quả.