Ðối mặt áp lực xử lý nợ xấu

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Từ giữa năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập và bước đầu tiến hành mua nợ của một số tổ chức tín dụng (TCTD). Ðây được coi như bước khởi đầu trên con đường xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Nhưng bước sang năm 2014, việc làm thế nào để "tiêu hóa" số nợ mà VAMC đã, và sẽ tiếp tục mua, đang là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị này.

 Ðối mặt áp lực xử lý nợ xấu
Làm thế nào để "tiêu hóa" số nợ mà VAMC đã, và sẽ tiếp tục mua là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị này. Nguồn: internet

Tiếp tục "thu gom" nợ xấu

Theo thống kê từ VAMC, tính đến hết năm 2013, VAMC đã mua được 39.700 tỷ đồng nợ gốc, tương ứng 31 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt từ 35/36 TCTD gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Thời gian qua, cùng với các TCTD xem xét tái cơ cấu cho các doanh nghiệp để họ tiếp tục vay vốn, hoạt động kinh doanh có hiệu quả, VAMC cũng đã cùng với họ thu hồi gần 200 tỷ đồng nợ xấu. Và đến thời điểm này, theo Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC Nguyễn Quốc Hùng, đang tiếp tục có nhiều TCTD đăng ký bán nợ cho VAMC.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, những bước đi trong thời gian vừa qua của VAMC cho thấy đơn vị này đang đi đúng theo lộ trình đã đề ra. Hiện nay, VAMC vẫn tiếp tục thẩm định mua nợ từ các tổ chức tín dụng. Năm 2014, VAMC lên kế hoạch mua nợ từ 70 nghìn đến 100 nghìn tỷ đồng bằng trái phiếu đặc biệt. Trước mắt trong quý I/2014, VAMC đặt mục tiêu mua 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, hiện đang thẩm định mua 7.000 tỷ đồng nợ xấu.

Có thể nói, chỉ trong vòng ba tháng với khoảng 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu mà VAMC đã mua được từ các TCTD, cùng với khối lượng nợ xấu dự kiến mua trong thời gian tới cho thấy hoạt động của VAMC đã từng bước phát huy tác dụng trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, mua nợ xấu mới là bước đi đầu tiên, quan trọng hơn, cơ quan này sẽ phải xử lý khối lượng nợ xấu đã mua được như thế nào?

Tìm hướng xử lý nợ xấu

Cùng với khối lượng nợ xấu đã mua được, năm 2014 được xác định là năm VAMC tiếp tục phải đối mặt với áp lực không nhỏ trong việc xử lý các khoản nợ xấu, hỗ trợ các TCTD tái cơ cấu các khoản nợ, thông qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và nền kinh tế phát triển lành mạnh. Ðể xử lý các khoản nợ xấu đã mua, Phó Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết, VAMC đang lên kế hoạch thành lập Ban xử lý và cơ cấu nợ, thực hiện tái cơ cấu nợ để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn mới để sản xuất kinh doanh. Ðây được coi là một động thái cụ thể đẩy nhanh tiến độ mua lại nợ xấu của các TCTD, từ đó góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống.

Ðối với việc thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ xấu, ông Hùng cũng cho biết, VAMC không mua nợ xấu về rồi để đó hoặc trông chờ cơ hội phát mại tài sản. Trách nhiệm lớn nhất của VAMC là sau khi mua các khoản nợ đó, cơ quan này sẽ tiến hành phân loại, đánh giá tất cả các khoản nợ xấu một cách cụ thể để xem xét xử lý; xác định phương án xử lý tài sản, tái cấu trúc. Theo ông Hùng, TCTD và doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tìm ra giải pháp để tái cấu trúc. VAMC với vai trò là chủ nợ sẽ quyết định phương án tái cơ cấu cuối cùng sao cho có lợi nhất cho doanh nghiệp, TCTD và nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất các khoản nợ xấu đã mua về được định hướng sẽ hạ về mặt bằng lãi suất hiện nay để làm sao doanh nghiệp có thể tiếp tục vay vốn, từng bước khắc phục khó khăn, duy trì ổn định sản xuất kinh doanh đồng thời giúp ngân hàng thu hồi được nợ.

Như vậy có thể thấy, các phương án mua và xử lý các khoản nợ xấu mua lại từ các TCTD đã được VAMC tính đến và thực hiện làm dần từng bước một. Cũng theo đại diện lãnh đạo VAMC, trong trường hợp các đối tác trong nước và nước ngoài quan tâm, đặt vấn đề mua lại khoản nợ này, VAMC sẽ sẵn sàng bán nhưng sẽ không bán bằng mọi giá. VAMC chỉ bán khi thấy có lãi và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc nhất hiện nay đó là rào cản về pháp lý trong việc mua - bán nợ xấu, đặc biệt là liên quan tài sản thế chấp là bất động sản. Thời gian qua, những vụ tranh chấp, phát mại tài sản chủ yếu là bất động sản giữa khách hàng, ngân hàng và cơ quan thi hành án thường kéo dài, đôi khi không giải quyết dứt điểm.

Trong khi đó, có tới 60 đến 70% khoản nợ mà VAMC đã mua lại liên quan đến bất động sản. Với việc giá bất động sản giảm khá mạnh như thời gian vừa qua, thì việc xử lý bằng cách phát mại, hóa giá tài sản bảo đảm bằng bất động sản đối với trường hợp doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, đang là một bài toán không hề đơn giản đặt ra cho VAMC. Ðiều này đòi hỏi bên cạnh nỗ lực tìm hướng giải quyết của VAMC cần có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành nhằm hoàn thiện thủ tục pháp lý. Ðược biết, nhằm tháo gỡ phần nào vướng mắc này, Bộ Tư pháp hiện nay đang chủ trì soạn thảo, sớm ban hành một văn bản hướng dẫn để tạo cơ sở pháp lý, đáp ứng đặc thù trong việc bán đấu giá tài sản bảo đảm của VAMC, đồng thời tạo điều kiện cho VAMC bán tài sản nhanh chóng, thuận tiện với giá tốt nhất có thể.

Cùng với đó, VAMC cũng đang tiếp tục kiện toàn lại cơ chế, chính sách, văn bản quy định của mình theo hướng những văn bản nào sau một thời gian triển khai chưa phù hợp thực tiễn sẽ được điều chỉnh dần. Trường hợp vượt thẩm quyền, VAMC sẽ gửi kiến nghị tới cơ quan chủ quản, Chính phủ những vướng mắc trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, không ảnh hưởng đến tiến trình xử lý nợ xấu.