Đối tác ngoại tại nhà băng Việt: Bám trụ và bật rễ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Chia tay hay ở lại, tìm kiếm nhân duyên mới để bền lâu… Bài toán nan giải đang tiếp tục đặt ra với cả các ông chủ ngân hàng lẫn chính các đối tác ngoại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Một trong những đối tác chiến lược ngoại thực thụ của một ngân hàng Việt có lịch sử đầu tư sớm và sau bao năm “cắm rễ” đã phải rút lui, là ngân hàng ANZ.
 
ANZ và Sacombank
 
ANZ chính thức trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng Sacombank năm 2005 – giai đoạn nền kinh tế đang náo nức hội nhập WTO và các ngân hàng cũng chuẩn bị đồng loạt thay mới, tiếp bước giai đoạn 2007 với ngân hàng nông thôn lên đời ngân hàng đô thị, ngân hàng đô thị nhắm mục tiêu lên đời quốc tế.
 
Trước đó, cũng phải nói rằng để mở đường cho ANZ và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC vào Sacombank, một tổ chức tài chính là Dragon Capital đã đầu tư rất sớm tại đây (năm năm 2001). Sau hơn 10 năm gắn bó, Dragon Capital dứt áo ra đi. Tiếp sau là sự ra đi của IFC, REE, rồi đến ANZ, mở đường cho một cuộc xáo trộn và thay mới hoàn toàn với các nhà đầu tư nội sở hữu 97,57% tại Sacombank.
 
Đáng suy ngẫm là trong nhân duyên của ANZ và Sacombank, với tư cách một đối tác chiến lược thực thụ - giữa một tổ chức tín dụng (TCTD) với một TCTD gắn bó tới 6 năm kết cục vì sao phải chia tay? Nếu như Dragon Capital rời đi là chuyện dễ hiểu, khi mục tiêu đầu tư tài chính đã đến lúc hiện thực hóa lợi nhuận tốt, thì trường hợp ANZ đầu tư vào Sacombank hẳn không chỉ là lợi nhuận. Trên bề mặt thông tin ANZ và cả Sacombank cũng đã khẳng định lí do chia tay là do không còn phù hợp với mục đích của mỗi bên.
 
Nhớ lại năm 2005, khi hợp tác chiến lược giữa Sacombank và ANZ được kí kết, ông Đặng Văn Thành – Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank lúc đó nói, trong quan hệ hợp tác chiến lược này, ANZ sẽ hỗ trợ Sacombank trong các lĩnh vực như: Đào tạo nguồn nhân lực, quản lý rủi ro, dịch vụ ngân hàng bán lẻ…; còn về phía Sacombank, ngân hàng sử dụng phần lớn lượng vốn này để đầu tư vào việc phát triển, mở rộng mạng lưới và công nghệ  ngân hàng. Khi đó, Sacombank mới có 100 điểm giao dịch và còn là một ngân hàng qui mô “khiêm tốn”. 6 năm sau, tổng điểm giao dịch của Sacombank đạt hơn 300 điểm. ngân hàng này cũng tiên phong tiến bước ra thị trường bên ngoài, phát triển ở Đông Dương...
 
Những hôn nhân “rễ lớn”
 
Trong giai đoạn xáo trộn mạnh mẽ những năm qua, sự xuất hiện của các nhà đầu tư Nhật tại nhiều TCTD Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu lớn, tạo những vị thế “rễ cái” – “rễ lớn” cắm vào các ngân hàng Việt, được xem là sự xuất hiện mạnh mẽ nhất. 
 
Xuất hiện khá sớm ở Eximbank phải kể đến ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC). Đầu tư Eximbank với tỷ lệ sở hữu 15% kể từ năm 2007, SMBC đã chi ra 225 triệu USD cho thương vụ này. Theo thỏa thuận, SMBC hỗ trợ Eximbank phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, hỗ trợ tài chính doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, tài trợ thương mại và chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, trong đó có quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
 
Với sự đầu tư của SMBC, Eximbank đã trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó, trên 12.000 tỉ đồng.
 
Gần đây và tương tự, nhưng ở tầm cấp “vĩ mô”, “có sự can thiệp vĩ mô hơn” - nói theo nhận định của chuyên gia ngân hàng Lê Trọng Nhi - là cuộc tìm kiếm và tiến đến hôn nhân của Bank of Tokyo –Mitsubishi UFJ tại Vietinbank,  Mizuho Coprate Bank tại Vietcombank. 
 
Cả ba thương vụ đầu tư từ vốn Nhật đều có đặc điểm chung là đối tác ngoại rất tầm cỡ, tỷ lệ sở hữu khá lớn (trên 15%), và những cam kết hợp tác  mặc dù được giữ kín nhưng các ngân hàng Việt cũng không dấu diếm hy vọng sẽ “nâng tầm quốc tế” với sự hậu thuẫn của các đối tác ngoại.
 
Bên cạnh đó, những hôn nhân “rễ lớn” và khá bền lâu còn phải kể đến Societe Generale đầu tư SeaBank từ năm 2008. Hiện tại, ngân hàng Pháp này đang chiếm 20% vốn điều lệ SeaBank. Chung thời điểm và chẳng hề kém cạnh, ngân hàng Hồng Kong – Thượng Hải HSBC cũng có mặt tại Techcombank với 19,48% vốn điều lệ. Cho đến thời điểm hiện nay thì những “rễ lớn”, có gốc từ trước giai đoạn 2010 kể trên (vượt qua thời hạn quy định ba năm mới được thoái vốn theo Nghị định số 01/2014/NĐ-CP), cũng chưa hề có động thái “nhổ rễ”, ngoại trừ trường hợp ngân hàng Singapore Oversea - Chinese OCBC vừa thoái vốn khỏi VPBank trong năm 2013.
 
Có vẻ như càng là đối tác ngoại tầm cỡ, càng có tỷ lệ góp vốn cao, hôn nhân càng “vĩ mô” thì sự gắn bó dường như càng bền chặt? Trừ một vài trường hợp bất khả kháng, hoặc “khi đã đạt được một trong số các mục tiêu hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình” – điều mà CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh đã lí giải – thì các nhà đầu tư tổ chức ngoại phần lớn đều chưa muốn “bật rễ” khỏi các TCTD Việt Nam, cho dù đó là nhà băng thuộc nhóm đầu hay nhóm cuối…?
 
“Ai là chủ ngân hàng”...?

Tuy vậy, bản thân các nhà đầu tư ngoại cũng khó có thể “cưỡng cầu” khỏi những thay đổi nội tại và khách quan. ANZ đã là một tấm gương. Những thay đổi tới đây về chủ thể hoạt động khi chủ sở hữu không đổi tại Phương Nam Bank, chắc chắn sẽ tác động đến cái “rễ” đã cắm 20% cổ phần là ngân hàng United Overseas Bank.

Hay Fullerton Financials Holding (FFH), Công ty 100% vốn của Temasek Holdings - một tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore, liệu có còn đường lùi khi ở vị thế là đối tác chiến lược sở hữu 20% cổ phần của ngân hàng Mekong (MDB) nhưng vẫn khó quyết chuyện MDB sáp nhập vào Maritime Bank thời gian sắp tới?
 
Ở những chủ thể nhà băng ít minh bạch, cấu trúc sở hữu mở nhưng thực chất tập trung quyền lực và sở hữu chi phối theo mô hình tập đoàn tư nhân/ gia đình trị, ở những nhà băng yếu kém còn phải hoặc bắt buộc tái cấu trúc… tất yếu theo đó đã và sẽ còn có những cuộc chia tay, những cú bật rễ của các nhà đầu tư ngoại. Lại cũng phải nói rằng, nếu có, điều đó chứng tỏ những cái rễ ngoại chưa mang lại được nhiều hiệu quả cho chủ thể nhà băng thời gian qua, khi nhà băng đó dù muốn hay không vẫn phải cuốn vào làn sóng mua bán sáp nhập, thậm chí có thể bị nhấn chìm, nuốt chửng.
 
TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia độc lập, cho rằng sự xáo trộn, bật rễ của các nhà đầu tư ngoại tại ngân hàng Việt, đôi khi phụ thuộc cả vào mục đích, mục tiêu của các ông chủ ngân hàng nội. Một khi những mục đích và thậm chí việc xáo trộn cấu trúc chủ sở hữu đang luôn là những ẩn số với thị trường, thì cũng sẽ còn nhiều nhà đầu tư ngoại phải ra đi.
 
Một nhà đầu tư nước ngoài khi muốn mua cổ phần ngân hàng Việt, điều mà họ quan tâm là tính minh bạch, chính xác từ các bản cáo bạch, bảng cân đối tài sản, cơ cấu doanh thu… và nhất là những con người ở HĐQT.
 
Ra đi, nhìn tích cực sẽ là sự giải phóng giới hạn room ngoại, thanh lọc và tạo cơ hội tìm kiếm những đối tác ngoại thực sự là đối tác chiến lược, của các ngân hàng nội. Ở những ngân hàng chưa từng có đối tác ngoại như trường hợp HDBank, ĐôngÁ Bank, đôi khi các ngân hàng này lại cũng hứa hẹn trở thành điểm đến “phù hợp mục đích hơn” cho các nhà đầu tư đối tác ngoại đã có kinh nghiệm góp vốn ở nhà băng Việt Nam.

Tại thời điểm hiện nay, một nguồn tin nói, với việc thực thi M&A quốc tế, mua lại một Công ty Tài chính Pháp, HDBank đang gây chú ý lớn với nhiều nhà đầu tư ngoại và ít nhất hiện nay, đã có hai đối tác Nhật là những tổ chức lớn đặt vấn đề  đàm phán mua vốn của ngân hàng này.

Nói đi cũng nói lại, vốn nói chung, vốn ngoại nói riêng với các nhà băng là một phần tài sản, nguồn lực vô cùng quan trọng để có bàn đạp tiến xa và lớn mạnh. Nhưng nguồn vốn ngoại nếu chỉ được các ông chủ ngân hàng nội đặt mục tiêu như những rễ phụ tiếp nước trong một giai đoạn nhất thời, thì e rằng rằng khả năng cải thiện, thanh khiết sức khỏe và máu huyết của mỗi một nhà băng đã mở cửa ra bên ngoài, vẫn sẽ là hạn chế. Sumitomo tại Eximbank, HSBC tại Techcombank, Societe Generale tại SeaBank… thực tế trong 6-7 năm qua, ngoài vai trò là những cái rễ tiếp nước cho các ngân hàng phình to quy mô vốn chủ sở hữu, liệu đã thực sự thể hiện được vóc dáng và ghi được dấu ấn đóng góp cần có của một đối tác chiến lược đúng nghĩa?    
 
Không phải ngẫu nhiên mà TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lí kinh tế Trung ương cho rằng, “Tài chính ngân hàng là lĩnh vực tinh xảo nhất. Nó rất hấp dẫn, có ích cho cả nền kinh tế. Nhưng, những xáo trộn của nó cũng sẽ tác động mạnh đến cả nền kinh tế. Một NĐT nước ngoài khi muốn mua cổ phần ngân hàng Việt, điều mà họ quan tâm là tính minh bạch, chính xác từ các bản cáo bạch, bảng cân đối tài sản, cơ cấu doanh thu… và nhất là những con người ở HĐQT”.
 
Ai là chủ ngân hàng hiện nay -  chính là một phần chìa khóa giải mã ẩn số bám trụ hoặc bật rễ, đến hoặc đi - của những đối tác chiến lược ngoại ở các ngân hàng Việt!