Dồn ép lợi nhuận ngân hàng: “Thử nhìn sang Techcombank”

Theo VnEconomy

Cuối tuần tới, ngày 17/4, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2013. Có một con số được phóng viên chú ý trước thềm đại hội.

Theo nội dung tờ trình về kế hoạch kinh doanh, năm nay Techcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 1.543 tỷ đồng. Một con số biết nói.

1.543 tỷ đồng ứng với mức tăng trưởng 52% so với năm 2012, nhưng là rất thấp so với bình quân nhiều năm gần đây. Nó cũng đánh dấu thời hoàng kim lợi nhuận tạm đứt gãy.

Liên tiếp từ 2009 - 2011, có thể nói Techcombank là ngân hàng thương mại có khả năng tạo lợi nhuận ấn tượng nhất trong hệ thống, cả về con số tuyệt đối, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả ở các chỉ số tài chính cơ bản. Năm 2009 lợi nhuận trước thuế là 2.253 tỷ đồng, năm 2010 là 2.744 tỷ đồng và đặt biệt năm 2011 đột biến tới 4.221 tỷ đồng.

LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA TECHCOMBANK NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY
(NĂM 2013 LÀ CHỈ TIÊU)
Dồn ép lợi nhuận ngân hàng: “Thử nhìn sang Techcombank”

Đơn vị: tỷ đồng

Có một yếu tố bên lề, ông Nguyễn Đức Vinh, người điều hành cao nhất đã chia tay Techcombank ở đỉnh cao của lợi nhuận.

Còn nay, năm 2012, lợi nhuận trước thuế của họ chỉ được 1.018 tỷ đồng; năm 2013 chỉ tiêu chỉ 1.543 tỷ đồng, gần với mức đạt được trong năm 2008. Dĩ nhiên, đây mới chỉ là chỉ tiêu, thường hàm chứa yếu tố thận trọng và an toàn.

Vấn đề là, sau chuỗi bứt phá nhanh về lợi nhuận, họ đang có một điểm rơi. Chỉ là dự kiến, nhưng chỉ tiêu năm nay thấp hơn rất nhiều xét cả quá trình những năm qua. Cũng lưu ý rằng, năm 2012 ban đầu chỉ tiêu còn dự tính tới 4.535 tỷ đồng. Lần đầu tiên sau nhiều năm Techcombank đặt chỉ tiêu rất thấp như vậy. Có thể giải thích, một phần họ thực tế hơn với bối cảnh kinh doanh khó khăn, một phần họ dũng cảm khi đưa ra con số đó.

Với quy mô vốn điều lệ gần 9.000 tỷ đồng, giả sử chỉ tiêu đó hiện thực, tỷ lệ cổ tức cho cổ đông nếu có sẽ rất thấp, nếu không nói là cực thấp (với điều kiện không có rủi ro phát sinh). Áp lực là rất lớn khi xét về lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là các ông chủ. Thêm nữa, với kết quả dự tính thấp, chắc chắn các chỉ số tài chính đo đếm hiệu quả hoạt động sẽ rất thấp. Nói họ dũng cảm, bởi sự an toàn, thận trọng đã vượt qua được những áp lực rất lớn đó.

Còn tại một ngân hàng thương mại khác, một lãnh đạo cho biết, trước thềm đại hội cổ đông cuối tháng này, chỉ tiêu lợi nhuận đang bị dồn ép căng thẳng để chốt lại con số trình cổ đông thông qua.

“Chỉ tiêu chỉ không đơn giản chỉ là chỉ tiêu. Nó là một thước đó tham vọng của hội đồng quản trị, lợi ích và sức ép của cổ đông, còn gánh nặng và cả rủi ro đè lên vai ban điều hành và anh em lãnh đạo các chi nhánh. Chúng tôi cũng đã báo cáo, phân tích chán rồi, triển vọng năm nay rất khó, nhưng vẫn chưa thuyết phục được hội đồng quản trị, có thể vẫn dồn ép một chỉ tiêu mà nhiều khả năng không đạt được. Không đạt cũng chẳng chết ai, nhưng trong quá trình thực hiện có thể gặp rủi ro”, vị lãnh đạo trên nói.

Muốn chạy nhanh, đường mấp mô, dễ vấp ngã. Đó là thực tế của hoạt động ngân hàng nói chung năm nay khi xác định chỉ tiêu lợi nhuận. Và có cả tình huống chỉ tiêu bị dồn ép quá xa với thực tế.

Tại ngân hàng nọ, ban điều hành đang muốn “xin” một con số khoảng 1.000 tỷ đồng, còn hội đồng quản trị đang ép phải 1.600 tỷ đồng. Qua quý I, lợi nhuận trước thuế mới chỉ khoảng 120 tỷ đồng; ba quý còn lại thông thường đạt cao hơn, nhưng ngay cả mốc 1.000 tỷ đồng cũng đã rất thử thách.

Hoạt động ngân hàng là đặc thù. Lợi nhuận cần phải có, một cách hợp lý, để còn có nguồn xử lý rủi ro trong môi trường ngày một xấu đi. Lạ là, trước mùa đại hội cổ đông năm nay, vẫn còn những ông chủ dồn ép tạo lãi quá sức như vậy.

Một lãnh đạo ngân hàng này đặt vấn đề: “Thử nhìn sang Techcombank xem, họ có nhiều thế mạnh tốt hơn, vậy sao chỉ tiêu lại rất thấp vậy, mà phía sau là các tổ chức, cổ đông làm ăn lớn? Các ông chủ muốn đồng vốn của mình sinh lãi càng lớn càng tốt, nhưng cũng cần thực tế hơn, tránh dồn ép quá mức. Nói cho rõ ràng là cần dũng cảm nhìn thẳng vào khó khăn hiện nay”.