Đồng Yên giảm, doanh nghiệp niêm yết nào hưởng lợi?

Theo ĐTCK

Một vài doanh nghiệp niêm yết cho biết, đồng Yên giảm chưa có tác động ngay đến hoạt động sản xuất của mình. Tuy vậy, trên thị trường, giá cổ phiếu các doanh nghiệp này đang phản ứng tích cực.

Nhiệt điện Phả Lại kỳ vọng sẽ ghi nhận 600 tỷ đồng lãi tỷ giá trong quý I/2013. Nguồn: Internet
Nhiệt điện Phả Lại kỳ vọng sẽ ghi nhận 600 tỷ đồng lãi tỷ giá trong quý I/2013. Nguồn: Internet

Tập đoàn Hoa Sen (HSG), nhà sản xuất tôn thép có khoảng 2/3 nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản, nói rằng, tác động của việc giảm giá đồng Yên tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chưa thực sự rõ ràng. Dù đồng Yên giảm có thể gián tiếp làm giảm giá nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản cho Hoa Sen, nhưng cũng không vì thế mà Công ty gia tăng số lượng nguyên liệu nhập khẩu hay giảm giá bán sản phẩm, lãnh đạo Hoa Sen cho biết.

“Sản lượng tiêu thụ hay giá bán phụ thuộc vào tình hình cung cầu sản phẩm của thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, mà xu hướng của thị trường tôn thép thì chưa thể nói ngay lúc này”, lãnh đạo HSG cho biết. Trong khi đó, ngành thép trong nước vẫn đang gặp khó khăn do khó khăn chung của thị trường bất động sản. Theo báo cáo của Maybank-KimEng Việt Nam , tiêu thụ toàn ngành thép đã giảm 2% trong năm 2012.

Trên sàn HOSE, cổ phiếu Hoa Sen đã tăng vọt hơn 100% lên 41.000 đồng/CP từ đầu năm tới phiên hôm qua (11/4). Cùng trong thời gian đó, Hoa Sen báo cáo hoàn thành 62% kế hoạch lợi nhuận của niên độ tài chính 2012 - 2013 chỉ trong 5 tháng đầu niên độ (từ 1/10/2012 đến 28/2/2013) - cao hơn hẳn tỷ lệ 40% hoàn thành kế hoạch doanh thu. Tuy nhiên, lãnh đạo Hoa Sen đánh giá, kết quả này đạt được phần nhiều là từ năng lực cạnh tranh của Hoa Sen chứ không nhờ yếu tố đồng Yên giảm giá.

Ở một trường hợp khác, CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) kỳ vọng sẽ ghi nhận 600 tỷ đồng lãi tỷ giá trong quý I/2013 và sẽ giúp lợi nhuận quý của Công ty tăng lên gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. “Nhưng mức lãi này mới chỉ là trên số sách”, ông Lê Thế Sơn, người công bố thông tin của Công ty cho biết.

Số lãi tỷ giá này có được nhờ việc đánh giá lại khoản nợ 28 triệu Yên của Công ty. “Tuy nhiên, việc đánh giá lại này trên thực tế không đem lại dòng tiền mới cho Công ty, thậm chí còn làm mất đi một phần tiền nộp thuế. Do đó, ảnh hưởng của đồng Yên mới chỉ là trên kết quả tài chính của Công ty chứ chưa phải là tới hoạt động kinh doanh”, ông Sơn lý giải.

Ông Sơn cũng cho biết, Công ty sẽ trình Đại hội đồng cổ đông trả cổ tức 10% bằng tiền mặt cho năm 2012, có phần thấp hơn mức kỳ vọng 10 - 15% của một vài chuyên gia phân tích sau khi đánh giá lượng tiền mặt của Công ty. Ông Sơn nói thêm rằng, mức cổ tức 10% này là mức gần như đã phân phối hết lợi nhuận cho cổ đông của Công ty.

Đánh giá này của Hoa Sen và Phả Lại dường như thận trọng hơn sự khởi sắc mạnh mẽ trong nhóm các cổ phiếu liên quan chặt đến tỷ giá đồng JPY vài tháng nay. Giá đồng Yên đã giảm khoảng 2% so với đồng VND từ tháng 11/2012 đến nay, rơi xuống mức mức 210 đồng/ Yên, được kỳ vọng sẽ giúp các công ty liên quan ghi nhận lãi đáng kể. Nhóm công ty này gồm những doanh nghiệp ngành điện vay khoản lớn vốn ODA Nhật Bản, hay các cổ phiếu của những ngành sản xuất nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật.

Xu hướng thậm chí cũng diễn ra tương tự với những cổ phiếu liên quan đến đồng KRW của Hàn Quốc khi mà đồng KRW cũng đã mất giá hơn 7% so với VND từ đầu năm tới nay.

Giá cổ phiếu PPC đã tăng 130% từ tháng 12/2012, đạt 20.600 đồng/CP trong phiên chiều thứ Năm; giá cổ phiếu Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) - công ty vay nợ bằng đồng KRW của Hàn Quốc - cũng đã tăng gần 130% trong khoảng thời gian này lên 12.300 đồng/CP trong phiên chiều thứ Năm. Khối Tư vấn đầu tư - CTCK SSI giữa tuần vừa rồi đã gửi báo cáo tới nhà đầu tư có tiêu đề “PPC: lợi nhuận quý I/2013 có thể làm nhà đầu tư ngạc nhiên”, dự báo lợi nhuận trước thuế của PPC sẽ tăng 516% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái và kỳ vọng đồng yên giảm giá sẽ tiếp tục giúp lợi nhuận tăng cao trong quý II. Trong khi đó, CTCK Maybank-KimEng Việt Nam đặt mức giá mục tiêu cho BTP là 13.700 đồng/CP, và vừa nâng giá mục tiêu cho PPC lên 21.600 đồng/CP với giả định cả năm 2013, đồng JPY sẽ giảm 8%.

“Nếu đồng Yên mất giá nhiều hơn thì mức giá mục tiêu những mã cổ phiếu có liên quan có thể được điều chỉnh tăng lên”, bà Trịnh Thị Ngọc Diệp, chuyên viên phân tích CTCK Maybank-KimEng Việt Nam cho biết. Bà Diệp cũng lưu ý, trong các cổ phiếu điện niêm yết, chỉ có PPC là có liên quan đến đồng JPY và BTP có khả năng hưởng lợi từ đồng KRW. Ngoài ra, trong số các cổ phiếu DN sản xuất khác, hiện có Hoa Sen là có thể hưởng lợi rõ ràng nhất từ việc đồng JPY giảm giá.