FTA tới gần, doanh nghiệp Việt vẫn bình thản

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) dự kiến hoàn tất đàm phán trong năm nay, nếu không chủ động, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể lâm vào tình thế sụt giảm năng lực cạnh tranh nghiêm trọng ở môi trường kinh doanh mới.

FTA tới gần, doanh nghiệp Việt vẫn bình thản
DN Việt Nam có thể lâm vào tình thế sụt giảm năng lực cạnh tranh nghiêm trọng ở môi trường kinh doanh mới. Nguồn: internet

Giờ không còn là lúc khoanh tay đứng nhìn

Năng lực nội sinh của tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) cũng như những bế tắc qua các vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã làm nảy sinh một trào lưu các quốc gia đi vào đàm phán các FTA trên toàn cầu, nhằm liên kết các nền kinh tế ở mức độ sâu rộng hơn thông qua tự do hóa thương mại và đầu tư.

Hiện Việt Nam đã tham gia các tổ chức thương mại song phương, khu vực và toàn cầu như: Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN; các Hiệp định ASEAN +; các FTA song phương với Nhật Bản và Chi Lê; gia nhập WTO. Chúng ta cũng đang đàm phán 5 FTA với các đối tác gồm: Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam – EU; FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga, Kazakhstan, Belarus; FTA Việt Nam – Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu.

Đặc điểm chung của các Hiệp định mới này là mức độ tự do hóa cao hơn so với các Hiệp định đã ký và chiếm tới trên 90% thương mại và thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong đó, riêng TPP và FTA Việt Nam – EU được nhìn nhận là những Hiệp định chất lượng cao với cam kết sâu rộng và lộ trình nhanh hơn so với WTO.

Những cơ hội và lợi ích từ các Hiệp định này là vô cùng lớn và đã được nói tới rất nhiều trong thời gian qua nên có lẽ cũng không cần phải bàn thêm. Nhưng vấn đề đặt ra là những thách thức, sức ép từ các Hiệp định như vậy cũng không hề nhỏ, đặc biệt là với cộng đồng các DN Việt – đối tượng có thể hưởng lợi hay chịu tác động bất lợi từ những Hiệp định này.

Nhưng xem ra cho đến lúc này, một tâm lý thụ động chờ đợi, thậm chí là “mac ke no” vẫn còn khá phổ biến.

Một dẫn chứng là trong ngành dệt may – một trong những ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia các FTA mà Việt Nam đang đàm phán. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), để đạt kim ngạch xuất khẩu dệt may hơn 20 tỷ USD trong năm ngoái, ngành dệt may phải sử dụng 7,4 tỷ m² vải, trong đó phải nhập khẩu đến hơn 81%. Cũng theo VITAS, gần 90% nguồn cung nguyên phụ liệu may vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Theo khảo sát của cơ quan này, lượng bông nhập khẩu trong năm 2012 của cả nước là 415.000 tấn, tức chiếm đến 99% nhu cầu sản xuất và khoảng gần 90% sản phẩm của DN dệt may Việt Nam được thực hiện theo phương thức CMT (cắt-ráp-hoàn thiện). Trong khi đó về công nghệ, thiết bị cho dệt may, các DN Việt Nam cũng đang phải nhập khẩu từ nước ngoài…

Nói cách khác, dệt may vẫn đang gia công để mang lại lợi nhuận là chính. Nếu không có những bước chuẩn bị để cải thiện các công nghệ và công đoạn sản xuất như tự cung ứng nguyên liệu, sản xuất vải, dệt, nhuộm… thì vấn đề đặt ra là khi các Hiệp định có hiệu lực, các DN dệt may trong nước liệu có được hưởng lợi thực sự?

Đây có lẽ cũng là thách thức không chỉ với ngành dệt-may mà còn ở nhiều ngành, DN trong các lĩnh vực khác.

Cơ hội sẽ vào tay người khác

Nếu đem thực tế trên soi vào kỳ vọng của ngành dệt may khi các FTA chính thức có hiệu lực, mà theo ước tính của VITAS đến năm 2025 có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD sẽ thấy những hạn chế, những điểm yếu của các DN dệt may trong nước hơn là những lợi ích có được từ các Hiệp định.

Vậy ai sẽ là người đứng ra lấp các khoảng trống, đón đầu những cơ hội từ thực tế hiện nay và kỳ vọng trên? Câu trả lời là rất có thể, đó không phải là những DN trong nước mà là các nhà đầu tư nước ngoài.

Được biết, đã và đang có nhiều nhà đầu tư FDI do nhìn thấy được xu thế này và nhanh chân đầu tư vào nhu cầu của thị trường Việt Nam. Thể hiện qua việc nhiều dự án đầu tư FDI vào khâu sợi, dệt, nhuộm… đang được đẩy mạnh để đón lõng hiệu lực của các Hiệp định trên. Cũng có ý kiến cho rằng, dòng vốn đầu tư dù là DN trong hay ngoài nước đều đáng trân trọng.

Nhưng không thể không lo lắng khi thấy các DN trong nước “chậm chân” với chuyển động đang xảy ra ngay trên đất nước mình dù họ biết trước các yếu điểm, hạn chế mà không có kế hoạch, sự chuẩn bị và đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình, rộng hơn là cho cả nền kinh tế.

Một nguồn tin cho biết, EU đặt kỳ vọng cuộc đàm phán FTA với Việt Nam sẽ hoàn tất và được ký kết vào tháng 10 năm nay. Với TPP, các bên cũng đang nỗ lực để kết thúc trước thời điểm bước sang năm 2015. Như vậy, thời gian cho các DN Việt Nam chuẩn bị cho một môi trường kinh doanh mới không còn nhiều, nếu không muốn nói là rất ít.

Theo cố vấn cao cấp cho Chính phủ về đàm phán hội nhập quốc tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – ông Trương Đình Tuyển, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là các DN cần nắm chắc các cam kết để tận dụng cơ hội và tránh được các thách thức khi đàm phán các Hiệp định này kết thúc.

Cùng với quá trình đó, các DN cần tập trung củng cố, xây dựng các mối liên kết và phát triển mạng lưới cung ứng để tạo lập thị phần sẵn sàng cho cạnh tranh gay gắt hơn. Bên cạnh đó, cần hết sức coi trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng văn hóa DN, quản trị DN.

Ông Tuyển cũng lưu ý: “Sự phát triển của khoa học công nghệ, thay đổi thị trường làm dịch chuyển lợi thế cạnh tranh giữa DN này với DN khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Muốn chiến thắng trong cạnh tranh thì phải tái cơ cấu. Đấy là quá trình liên tục, thường xuyên với nhịp độ rất nhanh.

Vì vậy tôi cho rằng chúng ta phải mạnh dạn, quyết liệt triển khai tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng”.