“Gót chân asin” của doanh nghiệp lớn

Theo VIR

Các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong bảng xếp hạng VNR 500 năm 2012 đã vừa được vinh danh. Tuy nhiên, các số liệu phân tích từ bảng xếp hạng cho thấy, 40% doanh nghiệp VNR500 có mức vay nợ trị giá 70% tổng tài sản trở lên.

Phân tích kỹ hơn có thể thấy, các doanh nghiệp nhà nước trong bảng xếp hạng VNR 500 có hệ số nợ/tài sản là 0,7; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,9; các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất có các hệ số tương ứng là 0,8 và 6. Các doanh nghiệp FDI có hệ số nợ/tài sản chỉ là 0,4 và nợ/vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 0,9. Tức là, trong trường hợp làm ăn không có lãi, các doanh nghiệp này vẫn hoàn toàn có thể trả nợ với số vốn và tài sản mà mình có.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu xét về loại hình sở hữu, các doanh nghiệp FDI vẫn là khu vực có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong cộng đồng doanh nghiệp VNR 500. Cứ 10 đồng vốn bỏ ra, các doanh nghiệp FDI thu lại 3,9 đồng lãi, trong khi các doanh nghiệp nhà nước chỉ thu được 1,6 đồng và doanh nghiệp ngoài nhà nước còn nhận được ít hơn, chỉ khoảng 1,5 đồng. Như vậy, nếu thực tiễn tốt nhất là hệ số nợ /tài sản là 0,6 (tổng tài sản có 100 đồng thì vốn vay là 60 đồng), thì có tới 40% doanh nghiệp VNR500 rơi vào ngưỡng rủi ro vỡ nợ cao. Chưa kể, số vốn vay của doanh nghiệp tư nhân còn gấp nhiều lần số vốn tự có của doanh nghiệp. Tình hình này lại không xảy ra với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bảng xếp hạng VNR500 năm 2012.

Rõ ràng, trong cùng một bối cảnh kinh tế chung, sự vững vàng hơn của khu vực doanh nghiệp FDI không chỉ bởi những thuận lợi từ các ưu thế của doanh nghiệp mẹ (phần lớn hoạt động trên quy mô toàn cầu), mà quan trọng hơn, đó là sự cẩn trọng kiểm soát chi phí tốt, giảm thiểu số vốn vay cần thiết, kiểm soát rủi ro để đứng vững trong bão tố cho tới khi nền kinh tế phục hồi. Đây là điều mà chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam làm được. Dự báo, triển vọng kinh tế năm 2013 vẫn chưa thật sáng sủa. Có tới 55% số doanh nghiệp lớn cho rằng, nền kinh tế sẽ không cải thiện nhiều trong năm 2013. Số doanh nghiệp tin vào chiều hướng xấu hơn trong tình hình sản xuất - kinh doanh trong năm 2013 so với năm 2012 nhiều hơn số doanh nghiệp tin vào điều ngược lại. Điều đó có nghĩa là, các doanh nghiệp sẽ phải đương đầu với khó khăn lâu hơn, nhất là những thách thức từ sự suy giảm của cầu tiêu dùng; sự gia tăng chi phí nguyên, nhiên, vật liệu; khó khăn trong huy động vốn và đặc biệt là những lo ngại từ bất ổn kinh tế vĩ mô, những biến động chính sách vẫn còn khá lớn.

Đây là lý do có tới 90% doanh nghiệp lớn nhất cho rằng, tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ trong các doanh nghiệp Việt Nam. Họ cần phải có những thay đổi thực sự căn bản, nhất là hiệu quả hoạt động và kiểm soát rủi ro để có thể tồn tại. Có tới 50% doanh nghiệp xác định nguồn vốn kinh doanh chính trong năm 2013 là vốn tự có; gần 50% doanh nghiệp cố gắng duy trì quy mô vốn như hiện tại… Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu này, các doanh nghiệp rất cần tới sự hỗ trợ của Chính phủ trong điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh, nhất là lãi suất, lạm phát và khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hỗ trợ tư vấn về tái cơ cấu nợ và cơ cấu doanh nghiệp cũng là điều mà doanh nghiệp mong muốn nhận được.