Hóa giải nợ xấu thành vốn góp: Hiệu quả đã rõ ràng

ThS. Nguyễn Huy Lập

(Tài chính) Theo Đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng mới được Chính phủ phê duyệt, phương án xử lý nợ xấu doanh nghiệp nhà nước sẽ phải được hoàn thành ngay trong năm 2013. Đối với các tổ chức tín dụng, bên cạnh việc tiếp tục cơ cấu lại nợ, xem xét miễn, giảm lãi suất một cách hợp lý; tiếp tục hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi, thì phải thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp, cổ phần của các doanh nghiệp, đồng thời tham gia cơ cấu lại doanh nghiệp; bán các nợ xấu doanh nghiệp nhà nước cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam.

Sadico Cần Thơ chính thức lên sàn sau một thời gian ngắn DATC tái cơ cấu
Sadico Cần Thơ chính thức lên sàn sau một thời gian ngắn DATC tái cơ cấu
1. Trong bối cảnh hiện nay của nền kinh tế, động thái giảm lãi suất, giãn, giảm thuế... tuy đã được thực hiện nhưng dường như chưa giải quyết được khó khăn cơ bản của doanh nghiệp (DN), mà để phục hồi lại khả năng tiêu thụ hàng hóa thì trước hết phải cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) để DN hoạt động hiệu quả hơn. Giải pháp này không chỉ giải cứu DN mà sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế. Thực tế này đã được chứng minh qua hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp (TCCDN) do Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thực hiện từ năm 2006 đến nay.

Xét về bản chất, hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN là việc DATC mua lại phần lớn số nợ từ các chủ nợ của DN để trở thành chủ nợ chính, rồi chuyển nợ thành vốn góp tại DN. Trở thành một bộ phận lãnh đạo chính của DN, DATC thực hiện các biện pháp thích hợp giúp DN xử lý triệt để những khó khăn, tồn tại (đặc biệt là những tồn tại tài chính), tiến tới ổn định và phát triển hoạt động SXKD ngày càng hiệu quả hơn, từ đó có nguồn trả nợ. Xét về đối tượng, các DN được DATC thực hiện tái cơ cấu thường là những DN có nhiều khó khăn trong hoạt động SXKD, thực sự đã đứng trước nguy cơ phá sản do làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh toán với những khoản nợ phải trả rất lớn.

Về tiêu chí lựa chọn DN, DATC căn cứ trên ba tiêu chí cơ bản là: có tiềm năng phát triển hiệu quả nếu được hỗ trợ; DN và các cơ quan liên quan (các chủ nợ khác, cơ quan chủ sở hữu DN) sẵn sàng hợp tác; là DN sẽ có những tác động tích cực đối với xã hội (như góp phần thúc đẩy quá trình sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu DN nhà nước; tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lớn người lao động, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, xã hội ở một địa phương, một khu vực). Về phương thức thực hiện, quá trình tái cơ cấu DN được DATC đánh giá là một quá trình phức tạp với rất nhiều công việc liên quan, bao gồm cả tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu tổ chức bộ máy, tái cơ cấu hoạt động SXKD, tái cơ cấu hệ thống quản trị, điều hành...

Trong hơn bảy năm thực hiện phương thức này, đã có 54 DN được DATC tái cấu trúc thành công trong bối cảnh môi trường pháp lý chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện. Không chỉ là một kết quả rất tích cực nếu so sánh với kết quả cổ phần hóa DNNN mà điều đáng ngạc nhiên hơn là các DN được DATC tái cơ cấu đã có nhiều chuyển biến tích cực khi đã sớm ổn định SXKD, có lợi nhuận cao chỉ trong một thời gian ngắn sau khi được tái cơ cấu, đều có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có triển vọng tiếp tục phát triển tốt trong thời gian tiếp theo. Điển hình là các DN như Sadico Cần Thơ, Công ty Procimex Việt Nam, Công ty mía đường Sơn La, Công ty mía đường Kon Tum, Công ty công trình giao thông 677, Công ty cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long, Công ty sản xuất thương mại Hữu nghị Đà Nẵng...

2. Nhìn xa hơn, trong mười năm hoạt động của mình, DATC đã mua được hơn 8.500 tỷ đồng nợ tồn đọng, giúp đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu với các ngân hàng, qua đó đã giúp các ngân hàng thương mại nhà nước xử lý nhanh một khối lượng lớn nợ tồn đọng, góp phần cải thiện và nâng cao năng lực tài chính để cổ phần hóa của chính ngân hàng đó, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng trong quá trình cải cách và hội nhập.

Thông thường, để xử lý thu hồi nợ xấu, các ngân hàng thường áp dụng biện pháp siết nợ và phát mại tài sản bảo đảm. Phương thức xử lý này có thể làm cho tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng càng trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời làm cho nền kinh tế có thể sẽ càng lún sâu hơn vào khủng hoảng. Bên cạnh đó, nếu xử lý nợ theo cách thu hồi triệt để bất chấp khó khăn của DN sẽ dẫn đến sự phá sản của hàng loạt DN, trong đó có nhiều DN sẽ bị “ép phải chết” rất đáng tiếc. Phương thức mua bán nợ gắn với TCCDN của DATC sẽ loại trừ được những ảnh hưởng xấu của việc xử lý nợ nêu trên, khi vừa giúp các NH sớm thu hồi được nợ xấu, vừa tạo điều kiện cho các DN có cơ hội phục hồi và phát triển. Vì vậy, đây thực sự là biện pháp xử lý nợ tích cực, góp phần làm giảm bớt mức độ tiêu cực của khủng hoảng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cấu trúc các DN trong nền kinh tế.

3. Tuy nhiên, dù được thành lập với tư cách là một định chế tài chính trung gian có sứ mệnh đặc biệt thì DATC vẫn phải tuân thủ những quy định chung của một DN. Vì vậy, trong hoạt động của mình, DATC cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính cơ cấu hoạt động nội tại của DN. Trong điều kiện hiện nay, để hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng và TCCDN, DATC cần có một cơ chế chính sách phù hợp hơn.

Thứ nhất, Nhà nước cần có những quy định và chế tài thích hợp buộc các tổ chức tín dụng (TCTD) phản ánh chính xác tình hình nợ xấu, đồng thời tích cực áp dụng biện pháp mua bán nợ để xử lý nhanh nợ xấu trong mỗi TCTD.

Thứ hai, bởi nợ xấu cũng giống như hàng hóa tồn kho, hàng kém phẩm chất, càng để lâu càng giảm giá trị và càng khó tiêu thụ... nên việc hạ giá bán nợ là một trong những biện pháp đúng đắn giúp nhanh chóng tiêu thụ được hàng hóa, sớm thu hồi được vốn để phục vụ cho những dự án kinh doanh mới, hiệu quả hơn.

Thứ ba, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động mua bán nợ gắn với TCCDN cần sớm được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DATC - với tư cách là định chế tài chính trung gian đặc thù, là công cụ tài chính của Chính phủ - hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh của mình dựa trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Thứ tư, do nợ xấu hiện nay không còn là vấn đề riêng của hệ thống TCTD, cũng không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực tài chính của Nhà nước. Muốn xử lý nhanh vấn đề nợ xấu thì cần có chính sách và biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước (mà cụ thể là trông chờ vào các DN có chức năng xử lý nợ thuộc nhà nước) thì quá trình xử lý nợ sẽ kéo dài, kết quả thu được hạn chế.

Rõ ràng, chỉ khi hình thành được một thị trường mua bán nợ với sự tham gia của nhiều thành phần, hay nói khác hơn là chỉ khi xã hội hóa được hoạt động này thì bài toán xử lý nợ xấu hiện nay mới thực sự được giải quyết một cách hiệu quả.