Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững năm 2017:

Hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo daibieunhandan.vn

Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tiếp tục phối hợp với Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Chương trình đánh giá, công bố xếp hạng doanh nghiệp bền vững. Phó Tổng Thư ký VCCI kiêm Tổng Thư ký VBCSD Nguyễn Quang Vinh khẳng định, bộ chỉ số đánh giá doanh nghiệp năm nay đơn giản hơn, hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần chắp cánh cho doanh nghiệp có tham vọng vươn ra thị trường thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Nhận thức chưa đầy đủ về phát triển bền vững

Phóng viên: Sau một năm triển khai Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững, ông đánh giá thế nào về kết quả đã đạt được?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Năm 2016 là năm đầu tiên VCCI phối hợp VBCSD tổ chức thực hiện Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững. Kết quả rất tích cực với 400 doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực thương mại dịch vụ và sản xuất tham gia. Ban tổ chức đã chọn ra 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất để vinh danh. Điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững.

Nói cách khác, ngoài mục tiêu lợi nhuận kinh tế, doanh nghiệp đã có ý thức rõ ràng hơn trong việc thực hiện các vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, 400 doanh nghiệp là con số rất nhỏ trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về phát triển bền vững, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây đang là vấn đề lớn, đòi hỏi phải thay đổi thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Trước hết bởi công tác tuyên truyền vẫn chưa sâu rộng và hiệu quả. Do vậy, Chính phủ giao VCCI phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp trong việc gắn kinh doanh với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, bởi chỉ khi làm được như thế thì doanh nghiệp mới cất cánh. Song tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là tự thân chủ doanh nghiệp phải thay đổi cách nhìn nhận về phát triển bền vững.

Thực tế, vẫn có tình trạng doanh nghiệp cho rằng, làm kinh tế còn chưa có lãi thì lấy đâu ra kinh phí để thực hiện trách nhiệm xã hội? Cách nghĩ đó rất sai lầm. Rất nhiều nghiên cứu, khảo sát trên thế giới cũng như Việt Nam đã chỉ ra rằng, chỉ khi doanh nghiệp quan tâm tới phát triển bền vững sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động, khả năng thích ứng và hội nhập sẽ tốt hơn.

Phát triển bền vững không phải từ… tiền

Việc đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững dựa vào Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Năm nay, CSI có gì mới?

CSI năm nay được xây dựng trên nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng và phải hướng tới khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp hiện nay).

Bên cạnh việc tăng cường tự đánh giá về nhận thức của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững; cập nhật các thông lệ, quy định của quốc tế cũng như trong nước; các chỉ số được giải thích cụ thể hơn…, chúng tôi còn đưa thêm các tiêu chí mới như nền kinh tế tuần hoàn, liêm chính trong kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ, tôn trọng quyền trẻ em trong nguyên tắc kinh doanh… Chúng tôi hy vọng, sự đổi mới này sẽ thúc đẩy khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia tích cực hơn.

Phải chăng, doanh nghiệp sẽ chỉ phát triển bền vững khi tham gia chương trình đánh giá này?

Điều này không đúng. Báo cáo đánh giá doanh nghiệp bền vững sẽ đo lường mức độ bền vững, giá trị thực của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí lợi nhuận thực trừ đi chi phí thực, từ đó nhà đầu tư có thể nhìn nhận, đánh giá khả năng đầu tư của doanh nghiệp. Giá trị thực được phản ánh dựa trên việc hạch toán không chỉ trên lĩnh vực tài chính mà còn dựa trên nguồn vốn về xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Báo cáo bền vững thường được doanh nghiệp sử dụng như công cụ quản lý rủi ro, tức là dựa trên tiêu chí cụ thể, doanh nghiệp sẽ hoạch định cho mình chiến lược hợp lý để phát triển kinh doanh. Đây cũng là trào lưu trên thế giới đã được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia thực hiện, trong đó có doanh nghiệp nhỏ đã vươn ra thế giới từ việc có tầm nhìn, chiến lược hợp lý.

Do vậy, với báo cáo bền vững này, chúng tôi tin tưởng sẽ chắp cánh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có tham vọng vươn ra thị trường thế giới. Song, điều đó không đồng nghĩa là doanh nghiệp phải tham gia bảng xếp hạng mới được coi là phát triển bền vững. Vấn đề là doanh nghiệp có thể căn cứ vào bảng xếp hạng để tự đề ra đích đến cho mình, hoàn thiện quá trình quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Việc tham gia đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững có làm tăng chi phí của doanh nghiệp không, thưa ông?

Điều này sẽ không làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp có ý thức sắp xếp đường đi lối lại để phòng chống cháy nổ cũng là hướng tới phát triển bền vững, không cần phải làm những vấn đề cao siêu, tốn kém.

Nên nhớ, cải thiện công tác an toàn vệ sinh cháy nổ, hoạch định chiến lược cho mình, làm ăn có đạo đức… đã là hướng tới phát triển bền vững rồi. Như vậy, rõ ràng nhận thức đóng vai trò tiên quyết chứ không phải tiền bạc mới làm cho doanh nghiệp phát triển bền vững được.

Xin cảm ơn ông!