Khi nào có dòng xe chiến lược?

PV.

(Tài chính) Mặc dù đã có đề án phát triển từ mấy năm về trước và mới đây nhất trong cuộc họp hồi tháng 1 với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đặt ra loại hình xe chủ lực, chiến lược cho Việt Nam mà có dung lượng thị trường lớn, phù hợp với thực tế kinh tế và lối sống người dân, thân thiện môi trường, dễ kêu gọi đầu tư để sản xuất phụ tùng. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng với nhiều ý kiến được đưa ra, phân tích thì ngành công nghiệp ô tô vẫn loay hoay chưa có lối thoát với dòng xe chiến lược.

Việt Nam nên ưu tiên cho phát triển dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ. Nguồn: internet
Việt Nam nên ưu tiên cho phát triển dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ. Nguồn: internet

Dòng xe chiến lược có thể coi là cơ hội cuối cùng để ngành công nghiệp ô tô bứt phá thoát khỏi vũng bùn, dành lấy thị phần trong nước, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài trước khi thời hạn cam kết với AFTA  2018 đưa thuế suất nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc có xuất xứ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á về xuống còn 0%.

Một khi, cả chính phủ, các chuyên gia chưa thống nhất được đâu là dòng xe chiến lược để có định hướng, giải pháp rõ ràng thì rất khó để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị và tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, nhất là đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc chuyên sâu, tiên tiến.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn đang hoạt động cầm chừng để chờ quyết định cuối cùng của chính phủ. Đó chính là lí do khiến cho không chỉ ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp ô tô trong nước chưa tìm ra lối thoát mà ngay cả ngành công nghiệp phụ trợ ô tô trong nước cũng không thoát khỏi tình trạng yếu ớt.

Chưa xác định được dòng xe chiến lược?

Trong Thông báo của Văn phòng Chính phủ cuối năm 2013 phổ biến kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về Chiến lược và Quy hoạch phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan hữu quan chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng, thay thế xe công nông, xe tự chế, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Đa số cơ quan quản lý đều đồng tình với quan điểm này, bởi nó phù hợp với chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nông dân Việt Nam.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công Thương đề xuất, sẽ ưu tiên dòng xe tải nhẹ đến 3 tấn. đại diện một số doanh nghiệp ô tô lại đưa ra ý kiến nên ưu tiên dòng xe có tải trọng đến 5 tấn (tổng tải trọng đến 10 tấn)… trong đó cân nhắc kỹ việc lựa chọn phát triển dòng xe chuyên dùng, du lịch 4-7 chỗ. Với dòng xe khách, có ý kiến cho rằng, cần ưu tiên phát triển các loại xe từ 10 đến dưới 24 chỗ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên hỗ trợ các loại xe từ 16-24 chỗ. Lại có quan điểm cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các loại xe trên 24 chỗ. Như vậy, giữa người làm luật và doanh nghiệp chưa tìm được quan điểm chung.

Theo ông Ngô Văn Trụ - nguyên thành viên ban soạn thảo Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, nên ưu tiên cho phát triển dòng xe cá nhân dưới 9 chỗ, bởi dự báo nhu cầu sẽ tăng cao từ sau năm 2020. Ông Trụ phân tích: Khi thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 2.000 USD/người/năm, cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện sẽ là điều kiện để người mua có thể sử dụng xe cá nhân. Đồng thời, phát triển dòng xe này còn là điều kiện để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tập trung được các ưu đãi cho việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo linh kiện để có thể tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của toàn cầu.

Và xem như, lời hứa của Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ về Chiến lược công nghiệp ô tô theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ sẽ được trình vào cuối tháng 3, song đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về quan điểm ưu tiên phát triển dòng xe chiến lược, và ngành ô tô vẫn loay hoay với cái gọi là xe chiến lược.

Các yếu tố nên cân nhắc khi lựa chọn xe chiến lược

Lấy ý kiến của các doanh nghiệp, trên thực tế từ trước tới nay vấn đề làm luật, sửa đổi rồi hoàn thành mất rất nhiều thời gian, đó là chưa kể, các doanh nghiệp FDI thường gặp khó khăn ở chỗ khi đã có luật rồi nhưng lại chậm có các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Nhìn lại chiến lược dòng xe chiến lược đã được đưa ra từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất xong, trong khi nhìn ra các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia họ đã khá thành công với dòng xe chủ lực ngay ở thị trường nội địa và cả xuất khẩu. Vấn đề chính của chúng ta là chưa tìm được quan điểm thống nhất giữa người làm chính sách và doanh nghiệp. Nên chăng tổ chức cuộc đối thoại mở với những bên có liên quan như các hiệp hội ôtô, xe máy (như nhóm công tác công nghiệp ôtô, xe máy VBF, VAMA…), các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất trực tiếp, doanh nghiệp lắp ráp, các hãng sản xuất ôtô nước ngoài...

Việc đưa ra ý kiến đóng góp của khối tư nhân sẽ giúp chính phủ sớm có định hướng rõ ràng về loại hình xe chiến lược phù hợp. Có xác định được đúng đắn dòng xe chiến lược thì mới có chính sách hỗ trợ, đầu tư thỏa đáng cũng như khả năng khôi phục ngành công nghiệp ô tô thành ngành kinh tế trọng tâm.

Cân nhắc vào nhu cầu thực tế trong nước, việc xác định dòng xe chiến lược của ngành công nghiệp ô tô, xe chủ lực của từng loại hình có ý nghĩa rất quan trọng. Chẳng hạn như xe chủ lực của dòng xe tải, phải cân nhắc vào thực tế nhu cầu vận tải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp trong nước, điều kiện môi trường đặc biệt là giao thông cho phép dòng xe nào hoạt động thuận lợi, hoặc với dòng xe khách, rõ ràng nếu chọn xe giường nằm hai tầng để phục vụ nhu cầu vận tải đường dài chưa được xem và kế sách bởi điều kiện địa hình ở nước ta chưa đảm đảm an toàn, phải xác định xe có số lượng chỗ ngồi như thế nào phù hợp với nhu cầu đi lại, địa hình trong nước.

Việc xem xét nhu cầu thực tế không chỉ có ý nghĩa với các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong nước mà còn tác động tới khả năng kêu gọi các nhà đầu tư mới cùng tham gia. Hơn nữa, khi xác định được dòng xe chiến lược, xe chủ lực thì các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện, linh kiện mới có chính sách đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, không chỉ giúp người tiêu dùng mua xe giá rẻ mà còn thúc đẩy trình độ, năng lực của các kỹ sư ôtô.

Tiềm năng sản xuất, việc dựa vào tiềm năng, trình độ và năng lực sản xuất trong nước cũng là một yếu tố nên xem xét trước khi quyết định dòng xe chiến lược. Đơn cử như các doanh nghiệp sản xuất lốp ô tô, họ cũng phải quan tâm đến dòng xe chiến lược là xe nào, kích thước ra sao thì mới có chính chính sách đầu tư.

Chúng ta không thể phát triển một lĩnh vực nào đó trong ngành công nghiệp phụ trợ nếu chúng ta nhập khẩu 100% nguyên liệu về sản xuất. Hay như, với trình độ kỹ sư của các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước chưa thể chế tạo ra những dòng siêu xe đòi hỏi trình độ kỹ thuật tinh xảo, hoặc các doanh nghiệp cũng chưa đủ khả năng mời các chuyên gia về sản xuất lắp ráp ra siêu xe thì chưa thể đưa siêu xe vào xem xét là dòng xe chiến lược trong tương lai gần.

Rút kinh nghiệm các nước đi trước, Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia trong khu vực khá thành công với chiến lược phát triển dòng xe chiến lược, từ khi đề ra mục tiêu, bắt tay vào sản xuất và phân phối, vì thế chúng ta xem xét cách họ làm, hướng đi. Hơn nữa, việc lựa chọn dòng xe chiến lược của chúng ta hiện nay cũng nên tránh những dòng xe mà các nước này đã thành công trong nước và khu vực.