Khi tập đoàn “quay lưng” với công ty tài chính

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tốc độ huy động vốn của các công ty tài chính giảm trong thời gian qua. Theo các tập đoàn kinh tế lớn, một phần nguyên nhân quan trọng là do lãi suất huy động trong các ngân hàng đã giảm xuống khá thấp, nên dòng vốn chuyển hướng chảy vào kênh đầu tư hay sản xuất.

Khi tập đoàn “quay lưng” với công ty tài chính
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tốc độ huy động vốn của các công ty tài chính (TP. Hồ Chí Minh) trong tháng 7/2013 giảm đến 30,96% so với tháng trước đó, tương đương với số vốn 1.638 tỷ đồng là một điều rất đáng suy ngẫm. Nguyên nhân của tình trạng trên, nếu nhìn trên yếu tố kỹ thuật, có thể là do các khoản huy động trung dài hạn của công ty tài chính đến kỳ đáo hạn, hoặc bản thân những doanh nghiệp này đang cơ cấu lại nợ trong một chu kỳ cho vay.

Hoạt động huy động vốn của các công ty tài chính đến nay mới chỉ giới hạn ở mức độ luân chuyển vốn giữa nội bộ một tập đoàn, theo hình thức huy động vốn trung dài hạn bằng phát hành tín phiếu.

Nếu chỉ hoạt động trong phạm vi đó thì không có tác động đến thị trường tiền tệ, nhưng trước đây, nhiều công ty tài chính của các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh đã vươn tay ra đầu tư bất động sản, chuyển vốn ra ngoài ngành để đầu tư tài chính dẫn đến những rủi ro vô cùng lớn. Chưa kể một số sai phạm trong các vụ án của một số công ty tài chính còn có bóng dáng của mô hình hoạt động như một ngân hàng. Nghĩa là có cả hoạt động thanh toán, vay vốn ngắn hạn dưới dạng hợp đồng trên 12 tháng…

Theo lãnh đạo một số tập đoàn công nghiệp, lý do lượng vốn huy động của các công ty tài chính giảm mạnh trong thời gian qua vì thị trường đầu tư gần như dậm chân tại chỗ. Bản thân các dự án lớn trong ngành dầu khí, cao su… hiện cũng đang “đắp chiếu” nên nhu cầu vốn không nhiều.

Song theo các tập đoàn kinh tế lớn thì một phần nguyên nhân quan trọng lại là do lãi suất huy động trong các ngân hàng đã giảm xuống khá thấp, nên dòng vốn chuyển hướng chảy vào kênh đầu tư hay sản xuất thay vì ngồi đợi nguồn huy động từ công ty tài chính như trước đây.

Điều này ứng với kết quả báo cáo tài chính trong tháng 7/2013 của các TCTD cho thấy, nguồn tiền gửi thanh toán và phát hành giấy tờ có giá lại có tốc độ tăng trưởng âm. Theo đó, lần lượt tiền gửi thanh toán giảm 0,56% và phát hành giấy tờ có giá giảm 12,1% so với tháng 6/2013.

Sự “ngủ yên” của bộ phận huy động vốn trong các công ty tài chính đang tạo ra cơ hội cho hệ thống tài chính cơ cấu lại hoạt động trên thị trường vốn là một điều rất tích cực cho các ngân hàng. Trong bối cảnh ngân hàng đang dư thừa vốn ngắn hạn, lãi suất cho vay thấp hơn nhiều so với các kênh huy động vốn khác, đang tạo động lực cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, sản phẩm mới để “làm ăn” thay vì gửi tiền vào ngân hàng và ngồi chờ đợi thời cơ kinh tế phục hồi.

Thực tế trong một hoạt động sản xuất bao giờ cũng có một phần tiền phải nằm chờ đợi trên tài khoản thanh toán của ngân hàng, nhưng nếu số dư mỗi ngày một lớn có thể dẫn đến tình trạng nợ nần lẫn nhau.

Khi tổ chức kinh tế không còn mặn mà với việc huy động ngoài xã hội theo con đường phát hành tín phiếu mà rút tiền gửi ngân hàng về sản xuất kinh doanh là một tín hiệu tốt cho tăng vòng quay dòng tiền lưu thông. Ngân hàng cũng không chịu thiệt bao nhiêu, nhất là trong bối cảnh số dư tiền gửi trong ngân hàng từ đầu năm đến nay liên tục tăng trưởng dương trong khi tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các TCTD từ sau tháng 6/2013 đến nay giảm trung bình gần 1%/ tháng.

Hiện nay, công ty tài chính với chức năng điều phối vốn trung dài hạn và không được thực hiện huy động và thanh toán song song với hệ thống NHTM như trước đây. Điều này tiếp tục tạo lập một thị trường lãi suất ngân hàng ổn định hơn và có thể tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ cải thiện.