“Kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn...”

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Đây là cảm nhận chung của các doanh nghiệp tại kết quả cuộc khảo sát động thái doanh nghiệp Việt Nam (VBiS) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố.

“Kinh doanh năm 2014 sẽ khởi sắc hơn...”
Doanh nghiệp cho rằng tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn trong năm 2014. Nguồn: internet

Có 8 một số  điểm sáng nổi bật được xếp theo trình tự mức độ chuyển biến mà các doanh nghiệp cho rằng sẽ là niềm tin giúp tình hình kinh doanh sẽ sáng sủa hơn trong năm 2014, đó là: Tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ tốt hơn; Điều kiện hạ tầng giao thông: đường xá, sân bay; Điều kiện hạ tầng tiện ích: điện nước, xử lý nước thải tốt hơn; Nhu cầu thị trường quốc tế; Cung ứng lao động có tay nghề; Thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các quy định pháp lý;

Chất lượng của các quy định pháp lý,  chính sách, thủ tục hành chính tốt hơn; Hiệu lực thực thi và áp dụng các quy định pháp lý, chính sách và thủ tục hành chính trên thực tế. Có vẻ như những điểm sáng này đang lấn át nỗi bi quan của doanh nghiệp khi chỉ có 2 điểm mà các doanh nghiệp cho là đáng quan ngại nổi bật trong các chuyển biến không thuận lơi là: Lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm giảm sút và giá bán bình quân giảm.

Điều đáng mừng là các doanh nghiệp đã đánh giá về tổng thể môi trường kinh doanh, chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2013 được cải thiện đáng kể, trong khi chỉ số này được đánh giá xấu đi năm 2012. Có gần 60% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng hiệu quả của các chính sách và giải pháp này hỗ trợ doanh nghiệp ở mức bình thường trở lên, và khoảng 40 % đánh giá ở mức thấp.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, giải pháp về giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ thị trường và đầu tư, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và chính sách quản lý thị trường vàng miếng chưa được doanh nghiệp đánh giá cao. Dường như các giải pháp, hỗ trợ thị trường và đầu tư chưa giải thoát cho doanh nghiệp thoát khỏi nỗi ám ảnh về hàng tồn kho, vì thế mà tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính sách này có hiệu quả “thấp và rất thấp” là 42% trong khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá có hiệu quả “cao và rất cao” là 16,3%.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có niềm tin vào thị trường 2014 khi hầu hết các doanh nghiệp có kế hoạch giữ nguyên quy mô kinh doanh trong năm 2014, tỷ lệ này chiếm 50,7%, 42,5% doanh nghiệp được khảo sát có thể mở rộng quy mô kinh doanh và  6,7 % có thể giảm quy mô kinh doanh, chỉ có 0,1% doanh nghiệp có thể sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh, chính sách và điều hành vĩ mô trong năm 2013 được cải thiện đáng kể.

Dường như việc doanh nghiệp quyết định mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh là do nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, nhóm nguyên nhân triển vọng kinh tế thuận lợi và sẵn có lao động có tay nghề với chi phí cạnh tranh cao được nhiều lượt doanh nghiệp chọn nhất, tỷ lệ này lần lượt là 42,9% và 40,1%.

Doanh nghiệp đang kỳ vọng rất nhiều vào những chuyển biến tại thị trường lao động vì đây là thời điểm dễ dàng nhất để doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nhân lực đáp ứng ngay được yêu cầu công việc mà không cần đào tạo có sẵn tay nghề, thậm chí đối với cả những vị trí chủ chốt. Đây có thể cũng là những kỳ vọng của doanh nghiệp đối những nỗ lực thực hiện đột phát về phát triển nguồn nhân lực - một trong 3 đột phát chiến lược.

Trước những thuận lợi trên, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã liên tiếp đưa ra hàng loạt kiến nghị, với kỳ vọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp quan tâm hơn và thường xuyên cập nhật các chính sách của chính phủ để tận dụng hỗ trợ của chính phủ. 

Cần thiết lập chiến lược kinh doanh và có chương trình hành động rõ ràng; Thực hiện đổi mới nhân sự, tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; Thực hiện mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp; Xây dựng, rà soát và có cơ chế giám sát chặt chẽ hệ thống các định mức chi phí trong quá trình sản xuất kinh doanh, cắt giảm các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề cho việc hạ giá thành sản phẩm...

Ở vào bất kỳ thời điểm nào, niềm tin kinh doanh cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời điểm khó khăn như hiện nay, niềm tin đó sẽ là “đòn bẩy” của nền kinh tế. Tuy nhiên, để niềm tin của doanh nghiệp biến thành hành động cụ thể, rất cần sự phối hợp của các Bộ, ngành trong việc thực thi các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, nhất là các giải pháp mang tính sống còn đối với doanh nghiệp như: giải quyết hàng tồn kho, khơi thông tín dụng, giảm thuế, phí đối với doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm...

Chưa bao giờ, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi các hành động cụ thể từ phía các Bộ, ngành chức năng như lúc này.