Kinh doanh vận tải biển, cảng biển: Dập dềnh theo... cơ chế

Cẩm An - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Phần lớn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải biển, cảng biển đều đang "chìm" trong thua lỗ và hoạt động kém hiệu quả. Trong bối cảnh nguồn hàng khan hiếm, chi phí vận tải tăng cao, quản trị DN kém, các hãng tàu nước ngoài lại đua tăng phí, thuế đã càng tạo thêm áp lực cho DN.

Kinh doanh vận tải biển, cảng biển: Dập dềnh theo... cơ chế
Năng lực quản trị, tính cạnh tranh kém đã khiến cho DN vận tải biển và cảng biển kinh doanh kém hiệu quả. Nguồn: internet

Dù bày tỏ cam kết sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn cho các DN vận tải biển và cảng biển, song ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng phải "nhắc nhở" và yêu cầu các DN phải nâng cao năng lực quản trị trước tình trạng: Năng lực quản trị, tính cạnh tranh kém đã khiến cho DN kinh doanh kém hiệu quả.

Quản lý kém, lỗ đeo đẳng

Sản lượng vận tải biển của cả nước đã có dấu hiệu khởi sắc khi có mức tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, song của riêng Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, chiếm đến gần một nửa tổng trọng tải tàu của cả nước, sản lượng vận tải biển trong 8 tháng đầu năm đã âm đến 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoặc số lượng cầu cảng mà DN này sở hữu cũng chiếm đến hơn 30% cả nước, quản lý toàn những "cảng ngon", "cảng xịn", song sản lượng hàng hoá giao dịch cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

"Kết quả trên đã chứng tỏ năng lực quản trị và cạnh tranh của các DN vận tải biển, cảng biển đang rất kém. Những hạn chế như bộ máy cồng kềnh, chi phí lớn, con người thì nhiều, đặc biệt ở các DN chiếm phần vốn Nhà nước chi phối, cần phải nhìn nhận lại vấn đề này và chủ động thay đổi mình", ông Công thẳng thắn đánh giá.

Trong bối cảnh kinh doanh sa sút, việc phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính càng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DN. Dù đã tham gia buổi đối thoại lần 2 của Bộ GTVT nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN vận tải biển và cảng biển, song ông Vũ Tuấn Then, Phó Chủ tịch Hội vận tải biển Diêm Điền – Thái Bình, vẫn mong được "cứu trợ" khẩn cấp với các vấn đề liên quan đến giảm thuế, hỗ trợ vốn.

Cũng bởi, trong khi các cơ chế ưu đãi hỗ trợ về thuế, vốn vay chưa đến kịp thời với DN, thì những bất cập trong quản lý càng khiến DN thêm "điêu đứng". Dẫn chứng cụ thể, ông Then cho biết những quy định thiếu thống nhất về quản lý sổ thuyền viên, hay yêu cầu phải sửa lại thiết kế biển hiệu tàu từ hình tròn sang hình chữ nhật… khiến cho DN phát sinh thêm chi phí và gặp khó trong hoạt động.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Công cho rằng để các DN vận tải biển, chủ tàu, hãng tàu tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng, DN không thể nói "chung chung" mà cần có phương án, đề án kinh doanh cụ thể. Mặc dù Bộ Giao thông vận tải có kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, song hiện các ngân hàng thương mại đều hoạt động theo luật, với các cơ chế đặc thù nên Nhà nước không thể can thiệp để kêu gọi vay vốn cho DN. Do đó, các chủ tàu, DN cần xây dựng những đề án kinh doanh có tính khả thi cao, chứng minh được hiệu quả sử dụng đồng vốn để có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng phát triển.

Bộ quyết liệt gỡ khó

Đặc biệt, có tình trạng các cảng cạnh tranh không lành mạnh khi hạ giá có lợi cho các tàu nước ngoài. Đơn cử như mức giá áp dụng cho nội địa, mức thu chưa bằng 50% giá đối với các tàu ngoại, đã khiến cho các DN thêm khó khăn. Trong khi đó, các hãng tàu nước ngoài cùng DN kinh doanh khai thác cảng đưa ra nhiều loại phí, phụ phí khác nhau, đồng loạt tăng giá hoặc ép hãng tàu làm các chiết khấu… càng khiến cho chi phí giá tăng cao, DN khó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Dẫn chứng cụ thể, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế dẫn chứng, từ trước đến nay chỉ phải nộp phí kiểm dịch khi tàu nhập cảnh vào Việt Nam, song thời điểm gần đây có nơi còn thu thêm phí kiểm dịch khi tàu làm thủ tục xuất cảnh. Hoặc trường hợp của Công ty Vận tải biển và cảng biển, mặc dù lệ phí với tàu chở dầu thô từ Bạch Hổ về Dung Quất không còn nằm trong danh mục chịu thuế xuất nhập khẩu, song đến nay DN này vẫn phải đóng "phí ngoại" với mức cao do chưa có thông tư hướng dẫn để dỡ bỏ mức phí này.

Với năng lực thiếu và yếu, đội tàu biển Việt Nam đang dần bị mất thị phần vận tải cho DN nước ngoài do hầu hết DN không có khả năng đáp ứng các dịch vụ vận tải xuất nhập khẩu quốc tế. Hiện cả nước có hàng nghìn chiếc tàu, trong đó có khoảng 400 tàu chạy tuyến quốc tế. Số lượng đội tàu khá lớn, song do cơ cấu không hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn trong khi tàu chuyên dụng và tàu container chiếm tỷ lệ nhỏ, nên dẫn đến tình trạng dư thừa tàu tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ và thiếu tàu chuyên dụng, nên địa bàn hoạt động của đội tàu container Việt Nam rất hẹp, chỉ "loanh quanh" trong khu vực.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tải trọng bình quân của đội tàu nội hiện nay chỉ vào khoảng 3.900 tấn/tàu, nhỏ hơn rất nhiều tải trọng trung bình của đội tàu trong nhóm 10 nước ASEAN, trong đó có cả quốc gia không có biển. Với năng lực yếu, thị phần vận tải xuất nhập khẩu của tàu biển Việt Nam đạt 21% trong năm 2007 thì sau 6 năm, con số này giảm xuống chỉ còn 15%, và nay chỉ còn 10%.

Theo Thứ trưởng Công, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tích cực tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của DN kinh doanh vận tải biển, cảng biển nhằm nâng cao tỷ trọng vận chuyển của đội tàu nội địa. Theo đó, các DN khi có vướng mắc có thể gửi thông tin trực tiếp đến Bộ hoặc gọi điện đến số điện thoại của Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Công cũng khuyến cáo các DN và Hiệp hội ngành hàng liên quan cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy vai trò liên kết và có tiếng nói để bảo vệ lợi ích của DN vận tải biển nội địa.

Ông Nguyễn Văn Công Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải

Những kiến nghị của DN chúng tôi ghi nhận và chỉ đạo tháo gỡ một cách nhanh nhất. Nhưng tôi cũng đề nghị với DN, cần phải chủ động, sáng tạo và đặc biệt là với DN vận tải, có biện pháp mạnh mẽ quyết liệt, trông chờ Nhà nước chỉ một phần. Nhà nước sẽ không bỏ tiền vào vận tải biển mà DN phải tự nâng cao năng lực quản trị, bộ máy marketing, đặc biệt là DN vận tải biển mà Nhà nước có vốn chi phối.