Làm thế nào để chen chân vào thị trường công nghiệp hỗ trợ?

Theo TTXVN

Ngành công nghiệp hỗ trợ được xem như nền tảng cho sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác. Trong những năm qua, Việt Nam đón nhận những bước nhảy vọt về hội nhập khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương lớn được ký kết.

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn vướng nhiều khó khăn.
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn vướng nhiều khó khăn.

Đứng trước cơ hội này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mặc dù được sự trợ giúp từ các cơ chế, chính sách nhưng vẫn vướng nhiều khó khăn.

Làm sao để chen chân được vào thị trường công nghiệp hỗ trợ của các tập đoàn lớn, ở vị trí có giá trị gia tăng cao hơn đang là thách thức không hề nhỏ với các doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 

Nhiều nhưng chưa đủ
 

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có thể kể đến như Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg quy định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Tiếp theo, ngày 8/10/2014, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Mục tiêu chung của Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm đảm bảo đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%), tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. 

Để tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Bộ Công Thương cùng các bộ ngành cũng đã có nhiều thông tư quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hướng dẫn cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ, khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam… 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trong giai đoạn vừa qua, các chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, trong khi đó còn nhiều mục tiêu quan trọng khác, nguồn lực dành cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo còn rất hạn chế. 

Theo PGS. TS. Tạ Lợi, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, có 3 cản trở lớn nhất khiến doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập là vốn, trình độ nhân sự và công nghệ. 

PGS. TS. Tạ Lợi cho rằng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế tạo chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn và năng lực tài chính yếu kém nên gặp khó trong đầu tư cũng như mở rộng đầu tư.

Trong khi đó, nhân lực, năng suất lao động của Việt Nam đứng ở tầng thấp trong khu vực (cao gấp 2 lần Lào nhưng kém Singapore khoảng 15 lần, kém Malaysia 6 lần, kém Thái Lan 4 lần).

Về mặt công nghệ, Việt Nam vẫn chỉ đạt ở mức trung bình trong khu vực với các sản phẩm làm ra chủ yếu đạt mức độ công nghệ trung bình và thấp, trong khi chi phí đầu vào quá cao so với nhà cung cấp cạnh tranh khác trong khu vực.

Là một trong những ngành có đóng góp cho sự phát triển của công nghiệp Việt Nam, công nghiệp điện tử Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng mạnh, trung bình hàng năm khoảng 30%; cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tập đoàn công nghệ lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Samsung, Canon, Nokia, Electronic…

Trong 6 năm từ năm 2010-2015, từ mốc 7,6 tỷ USD doanh thu năm 2010, đến năm 2015 tổng doanh thu của ngành này ước đạt 49,5 tỷ USD, gần gấp 7 lần so với năm 2010. 

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, mặc dù có tốc độ phát triển mạnh song thực tế, trong các sản phẩm sản xuất lắp ráp ở Việt Nam, giá trị nhập khẩu các linh kiện khá lớn, trong khi giá trị gia tăng do sản xuất trong nước lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ không đáng kể. Ngành công nghệ điện tử Việt Nam đang là một trong rất nhiều ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam nói chung, đứng ở vị trí gia công, lắp ráp. 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ phụ thuộc đến 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hóa nhìn chung chỉ chiếm khoảng 25-30%, sản phẩm thường do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đảm nhiệm.

Ở một số ngành trong điểm như ô tô, da giày, dệt may..., tỷ lệ cung ứng nguyên liệu cũng chỉ chiếm khoảng 20% chủ yếu với các sản phẩm đơn giản như cây kim, sợi chỉ, ốc vít… Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tập trung mở rộng quy mô mà thiếu đầu tư chiều sâu vào công nghệ, thiết bị. 

Theo ông Huỳnh Lưu Đức Toàn, đại diện Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, lý thuyết về khả năng tồn tại trên thị trường của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước là có thể.

Nhưng với sự hạn chế từ nội tại, các doanh nghiệp nước ngoài muốn hỗ trợ, chuyển giao công nghệ nhưng phải liên kết với những doanh nghiệp manh mún, phải xây dựng lại từ con số âm, có chăng sẽ là sự e dè. 

Ngay cả khi Việt Nam đã được sự quan tâm, tìm kiếm hợp tác từ Nhật Bản - một cường quốc trong công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp này nhưng Việt Nam dường như vẫn khó “chen chân” vào thị trường công nghiệp hỗ trợ. 

Minh chứng cho điều này ông Atsusuke Kawada, Trưởng văn phòng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện tại chỗ của Việt Nam chỉ là 33,2%, cao hơn Philippines (28,4%) nhưng thấp hơn Trung Quốc (66,2%), Thái Lan (54,8%), Indonesia (43%), Malaysia (40,7%). Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã phải dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng từ các nước lân cận này để sản xuất. 

Theo các chuyên gia, hệ thống chính sách khuyến khích của Nhà nước về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã khá đầy đủ, có rất nhiều ưu đãi vượt trội. Song để hệ thống chính sách này tới được các doanh nghiệp lại là chuyện khác. 

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng trong khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có năng lực tài chính yếu thì hiện các chính sách về tài chính chưa “chạm” đến được. Chưa kể một số nghị định, thông tư chưa đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và chưa dễ tiếp cận. 

Ông Huỳnh Lưu Đức Toàn chứng minh trong bảng lãi suất ưu đãi năm 2015 của ngân hàng có chỉ định ưu tiên lãi suất đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ưu tiên ấy lại không thật sự đến với doanh nghiệp cần sự giúp đỡ, khi những quy định ràng buộc về quy trình cho vay còn chồng chéo, phức tạp. 

Chính vì vậy, nhiều năm qua, không chỉ riêng Samsung mà Electronic, Sony, Toshiba… đều yêu cầu phía đối tác phụ trợ cung ứng sản phẩm chất lượng đồng nhất với số lượng lớn nhưng các doanh nghiệp đều cam chịu là doanh nghiệp thứ cấp để từ từ học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và tập trung vốn để trở thành nhà cung cấp chính.

Nhưng nếu không có sự hỗ trợ về lãi suất và các ưu đãi từ Chính phủ thì con đường này sẽ rất gian nan với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ ở Việt Nam, ông Toàn cho biết. 

Tìm cách gỡ khó 

Nhận thức được sự yếu kém của ngành công nghiệp hỗ trợ, từ năm 2012 tới nay, Bộ Công Thương đã tích cực hợp tác chặt chẽ với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc để đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực điện-điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, ô tô. 

Tính đến hết năm 2014, chỉ có 4/79 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung tại Việt Nam. Nhưng từ đầu năm 2015, Bộ Công Thương đã tích cực làm việc với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung.

Đến nay, đã có thêm 6 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp về mặt công nghệ và quản trị, kiểm định chất lượng và chuyển giao công nghệ, thiết kế; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường… kết nối với các tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất… 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực cơ khí, ô tô, dệt may-da giày, điện tử... thì ngoài việc tận dụng các dự án đầu tư lớn có chiều sâu về nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn tại Việt Nam như Samsung, Electronic..., các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây chính là một cầu nối quan trọng tạo thị trường đầu ra cho các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, nhà nước cần đầu tư nguồn lực phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua hỗ trợ về vốn tín dụng, công nghệ, đào tạo nhân lực và các ưu đãi về thuế, cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, ông Yeon In Jung, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chiến lược dài hạn tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, có lựa chọn và tập trung, đảm bảo chất lượng quốc tế.

Việt Nam cần phát triển những cơ quan chứng nhận các sản phẩm đạt chuẩn, chứng nhận sản xuất an toàn, đảm bảo môi trường. Đặc biệt, để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, cần nhân lực lành nghề và kiểm soát chất lượng. 

Nhằm cụ thể hóa việc trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp thế giới, hiện Bộ Công Thương cũng chủ trì soạn thảo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp này phát triển trong sức ép cạnh tranh gay gắt của quá trình hội nhập quốc tế.