Làm tốt trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững

Song Việt

(Tài chính) Mặt trái của tăng trưởng kinh tế là các vấn đề về môi trường và xã hội. Do vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã quan tâm hơn đến các “trách nhiệm xã hội”, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Đại diện Tập đoàn Bảo Việt tham gia Hội thảo quốc tế Doanh nghiệp xã hội năm 2012
Đại diện Tập đoàn Bảo Việt tham gia Hội thảo quốc tế Doanh nghiệp xã hội năm 2012

Mặc dù mục tiêu hàng đầu của DN là tăng trưởng lợi nhuận, song DN không thể hoạt động độc lập mà bỏ qua các tác động đến môi trường xung quanh. DN chỉ có thể phát triển dài hạn khi có tác động tích cực đến cộng đồng, thông qua đó, cộng đồng sẽ tác động ngược lại DN.

Lợi ích đối với doanh nghiệp

Câu hỏi đặt ra, DN sẽ được lợi ích gì khi thể hiện trách nhiệm xã hội của mình: Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, lợi ích dễ thấy nhất là trách nhiệm xã hội tạo sự khác biệt, định vị thương hiệu cho DN. Trách nhiệm xã hội của DN vừa thể hiện vai trò, trách nhiệm “công dân” của mình, vừa giúp xây dựng hình ảnh về một “công dân tốt” trong xã hội. Đây là yếu tố góp phần “định vị” DN trong tâm trí khách hàng, tạo ra sự khác biệt với các DN khác và đem lại sự phát triển bền vững của DN đó. Nhà đầu tư cũng sẽ tin tưởng hơn vào DN có khả năng phát triển dài hạn và bền vững do DN có chiến lược phát triển tối ưu hóa lợi ích của các bên liên quan và áp dụng các chuẩn mực đạo đức trong quá trình ra quyết định kinh doanh.

Lợi ích tiếp theo đó là sự gắn kết người lao động, thu hút nhân tài, tạo động lực làm việc cho cán bộ. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những người giỏi, có uy tín thường muốn làm việc ở nơi mà họ nghĩ là tốt trong xã hội và cảm thấy tự hào; nơi họ có thể đạt được mục tiêu phát triển cá nhân và tham gia đóng góp cho phát triển cộng đồng.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, bảo đảm quyền lợi người lao động, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng… theo cách có lợi cho cả công ty cũng như phát triển chung của xã hội.

Theo Hội đồng Kinh doanh thế giới về Phát triển bền vững
Trách nhiệm xã hội cũng đóng vai trò quảng bá nâng cao hình ảnh DN trên thị trường lao động. Tiền lương, chức vụ và các chế độ khác là những điều cụ thể để thúc đẩy làm việc, nhưng trách nhiệm xã hội lại là những giá trị vô hình có thể góp phần giữ người ở lại với DN. Sợi dây tình cảm vô hình đó nhiều khi lại giúp giữ người chặt hơn và khó bị cạnh tranh, bắt chước hơn.

Một minh chứng tiêu biểu đó là Chương trình “Khăn áo ấm mùa đông” do Tập đoàn Bảo Việt thực hiện gần đây. Nhằm kêu gọi cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống quyên góp ủng hộ vật chất cho các em học sinh vùng cao tại các trường khó khăn của Lào Cai. Chương trình không chỉ thu hút sự quan tâm và ủng hộ của người lao động mà còn huy động hơn 140 cán bộ trẻ tình nguyện đến thăm trường và trao quà cho các em học sinh. Đây là một trong những hoạt động gắn kết cán bộ với DN của Bảo Việt, giúp “xã hội hóa” hình ảnh của DN trong nhận thức của cán bộ nhân viên.

Một ví dụ khác về chương trình trao tặng học bổng “An Sinh Giáo Dục”, do Bảo Việt Nhân thọ thực hiện, tính đến nay, công ty đã trao học bổng cho hơn 8.000 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng được huy động từ nguồn kinh phí của công ty và các đóng góp của cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống. Việc kêu gọi đóng góp từ nhân viên không chỉ mang ý nghĩa thuần túy về mặt vật chất mà còn khích lệ tinh thần của người lao động khi làm việc trong một DN có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Không chỉ là hoạt động từ thiện

Xây dựng một chương trình phát triển cộng đồng mang dấu ấn riêng của DN sẽ thu hút được sự quan tâm của công chúng, được ghi nhận và đánh giá cao nếu chương trình đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, từ đó tạo ra sự khác biệt của DN trên thị trường.

Chẳng hạn, từ năm 2009 đến nay, Bảo Việt đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cho 62 huyện, đặc biệt là 2 huyện Pắc Nậm (Bắc Kạn) và Quế Phong (Nghệ An), đầu tư vào 3 hạng mục chính là dỡ bỏ nhà dột nát, nhà tạm; xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và xây dựng trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các hoạt động này không chỉ nhằm xóa nghèo mà còn hỗ trợ các điều kiện sống căn bản, giúp người dân địa phương tập trung lao động sản xuất để tự nuôi sống bản thân và gia đình tốt hơn.

Hay như chương trình “Thư viện lưu động” dành cho các em học sinh tại tỉnh Đà Nẵng do Bảo Việt và HSBC phối hợp tổ chức với hơn 136 tủ sách nhỏ, được luân phiên chuyển đến 136 trường tiểu học trong 8 quận của TP.Đà Nẵng, đem lại cơ hội khám phá tri thức cho hơn 58.000 em học sinh. Dự án còn thực hiện các buổi Hội thảo hướng dẫn giáo viên địa phương sử dụng tài liệu từ “Thư viện lưu động” để xây dựng các bài giảng sinh động, nhằm khơi dậy niềm ham mê đọc sách cho các em cũng như khuyến khích giáo viên tìm tòi cách thức truyền đạt cho học sinh một cách hiệu quả.

Đánh giá về trách nhiệm của DN với cộng đồng, TS. Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Thay vì chiến lược theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận trong ngắn hạn, DN cần hướng đến chiến lược phát triển dài hạn, bền vững thông qua đầu tư trở lại và cải thiện môi trường và xã hội mà DN đang hoạt động…

Sự cân đối giữa các mục tiêu chiến lược về kinh tế và môi trường, xã hội sẽ giúp DN đạt tăng trưởng và phát triển bền vững, cũng như tạo dựng được mối quan hệ lâu dài với người lao động, khách hàng, nhà đầu tư, đối tác thông qua việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp của một DN vì lợi ích chung của cộng đồng và toàn xã hội”.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 11-2012