Loay hoay đầu ra dòng vốn

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Lãi suất giảm, tiết kiệm vào ngân hàng vẫn tăng là điều đáng mừng đối với hệ thống ngân hàng giúp chủ động cân đối nguồn và cơ cấu lại nguồn huy động. Tuy nhiên, đầu ra của đồng vốn ngày càng khó lại đáng lo hơn.

Vốn huy động dài ngày tăng dần so với trước đây. Nguồn: internet
Vốn huy động dài ngày tăng dần so với trước đây. Nguồn: internet
Tiết kiệm dồi dào
 
Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 22/4, huy động vốn của toàn hệ thống tăng 3,09% so với đầu năm, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 4,26%, huy động vốn bằng ngoại tệ giảm 3,98%.

Huy động VND tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (tăng 7,48%) trong điều kiện mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân.

Điều này phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động-cho vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, tạo niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
 
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, 4 tháng đầu năm, vốn khả dụng bằng VND của các TCTD tương đối ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán. Vì thế, nhu cầu vay vốn của các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở và tái cấp vốn từ NHNN không nhiều. Chính thanh khoản khả quan giúp lãi suất diễn biến tích cực và đường cong lãi suất cũng được hình thành trở lại.
 
Hiện lãi suất huy động của TCTD phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6-7,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.
 
Đường cong lãi suất cũng được hình thành trở lại, vốn huy động dài ngày tăng dần so với trước đây khi xu hướng người dân chọn gửi tiết kiệm dài ngày nhiều hơn. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết ước tính trong 4 tháng đầu năm nay vốn huy động đạt 1.118.000 tỷ đồng, tăng 1,47% so với cuối năm 2013; dư nợ đạt 965.000 ngàn tỷ đồng, tăng 1,27% so với cuối năm 2013.
 
Theo ông Minh, lãi suất tiết kiệm giảm chưa hẳn tiền nhàn rỗi sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác, nhất là trong điều kiện chứng khoán, bất động sản, vàng chưa khởi sắc.
 
Đầu ra chưa thông
 
Lãi suất tiết kiệm giảm đã giúp các ngân hàng có điều kiện giảm chi phí. Vì vậy, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9-10,5%/năm đối với ngắn hạn; 11-12,5%/năm đối với trung và dài hạn; doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.
 
Thế nhưng, trước tình hình đầu ra của dòng tín dụng ngày càng hẹp, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, các ngân hàng thương mại đã rầm rộ đưa ra các gói vốn để cho vay, với lãi suất được cho là ưu đãi, ngay cả các lĩnh vực không ưu đãi cũng được ưu đãi mức lãi suất hấp dẫn song tín dụng vẫn khó tăng. Thực tế ở các doanh nghiệp hiện nay lượng hàng tồn kho còn rất lớn, trong khi sức tiêu thụ của thị trường lại rất kém. Điều đó được phản ánh qua chỉ số CPI của quý I/2014 thấp kỷ lục từ trước đến nay.
 
Do đó, các doanh nghiệp không thể tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh nên nhu cầu vốn vay của ngân hàng cũng giảm mạnh. Kết thúc quý I, tín dụng của nhiều ngân hàng vẫn âm. Đơn cử tại ACB, huy động vốn tăng trưởng trên 4%, nhưng tín dụng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Tại Sacombank, huy động vốn tăng trên 10%, nhưng tín dụng đến giữa tháng 4 cũng chỉ mới tăng được 4,7%.
 
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngân hàng này đưa ra cho năm nay là 13% và phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn mức này. Đó là chưa xét đến yếu tố Sacombank hiện được xem là ngân hàng có thế mạnh trong việc cho vay nhỏ, lẻ. Đối với Nam A Bank, mặc dù tín dụng tăng xấp xỉ 10% trong gần 4 tháng đầu năm, song xét con số tín dụng tăng trưởng tuyệt đối chỉ ở mức vài ngàn tỷ đồng. Lãnh đạo các ngân hàng đang đau đầu với bài toán đầu ra, thay vì cạnh tranh khốc liệt trong huy động vốn như trước đây.
 
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng hiện lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp chưa hẳn trang trải được chi phí hoạt động thì khó có thể kỳ vọng được việc trả nợ vốn và lãi vay cho NH, nên  phía ngân hàng vừa thận trọng rủi ro, vừa cẩn trọng cho vay. Thậm chí một số ngân hàng còn chấp nhập để vốn trong kho chịu lỗ hơn là đẩy ồ ạt ra thị trường, rủi ro nợ xấu tăng.