Logistics: Doanh nghiệp ‘dày’, liên kết ‘mỏng’

Theo baochinhphu.vn

Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics, trong đó không ít DN lớn có thể cung cấp dịch vụ sánh ngang với các công ty đa quốc gia khác đang hoạt động tại Việt Nam. Lượng DN thì “dày”, nhưng liên kết lại còn khá “mỏng” chính là điểm nghẽn cản trở năng lực cạnh tranh của ngành logistic nội địa.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tập quán kinh doanh làm khó DN logistics nội địa
Được cho là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho cả nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhưng cho đến nay ngành logistics Việt Nam mới đóng góp được khoảng 3% GDP, khá thấp nếu nhìn vào con số 9% của Singapore.
Tạm gác lại những yếu tố khách quan chưa thuận lợi về môi trường kinh doanh để đi sâu tìm hiểu về yếu tố chủ quan của ngành nghề, có thể thấy nhu cầu thuê ngoài các dịch vụ logistics của DN chủ hàng mỗi ngày một cao hơn. DN chủ hàng hiện rất quan tâm đến các vấn đề về giá cả, bảo mật thông tin liên quan đến hợp đồng-đối tác, năng lực của nhà cung cấp dịch vụ…
Thế nhưng, rõ ràng các DN logistics trong nước đa phần ở quy mô nhỏ, chưa có tên tuổi, uy tín cần thiết; chất lượng dịch vụ còn hạn chế. Chủ hàng khi dùng dịch vụ của nhà cung cấp logistics nội địa vẫn còn có thể gặp rủi ro về biến động cước phí, phụ phí các kiểu.
Đây là lý do khiến các nhà xuất khẩu-chủ hàng cũng chỉ dám đặt niềm tin “cầm chừng”. Và giải pháp của hầu hết người bán tại Việt Nam là chọn xuất hàng theo giá FOB, tức hàng hóa khi đã giao qua lan can tàu vận tải là người bán hết trách nhiệm. Bên mua sẽ chịu mọi chi phí về mất mát, hư hỏng hàng hóa từ thời điểm này trở đi.Thiếu khách hàng, thiếu cơ hội cọ xát để lớn mạnh, phải làm “vệ tinh” cho các DN logistics ngoại, các DN nội địa lại càng yếu thế.
Muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau!
Đúng là mặt bằng chung chất lượng dịch vụ logistics của DN nội địa chưa cao, thế nhưng tại sao những “ngôi sao” nội địa như Transimex Saigon, Tân Cảng Saigon hay Gemadept vẫn đường hoàng sánh ngang với các công ty đa quốc gia khác hoạt động tại Việt Nam? Muốn đi thật nhanh, hãy đi một mình, muốn đi thật xa, hãy đi cùng nhau. Ngành logistics rõ ràng đang “ngộ” ra chân lý về sức mạnh của phường hội trên các bàn đàm phán với hãng tàu nước ngoài, hay với các DN đa quốc gia cùng ngành.
Tuy nhiên, khi bàn tới chuyện liên kết, một số DN cũng bày tỏ sự e ngại như sợ mất khách hàng, hay đối tác không có cùng chuẩn mực, công nghệ vận hành. Một số chủ hàng lớn đòi hỏi cả nhà thầu chính và các nhà thầu phụ logistics cũng phải cùng chuẩn mực quản trị.
“Ngay trong hợp đồng phía DN nước ngoài đã đặt rào cản về tỷ lệ thuê ngoài của DN logistics cho bên thứ 3, và họ phải kiểm định lại bên thứ 3 này nữa”, ông Trần Việt Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ hàng hải nhấn mạnh.
Đó là chưa kể, nếu đơn vị hợp tác không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nước ngoài sẽ ảnh hưởng tới uy tín của DN logistics “thầu chính”.
“Chúng tôi từng phải trả giá rồi. Chỉ cần trễ giao hàng 30 phút là chúng tôi bị rớt điểm trong mắt đối tác ngoại. Vài lần như vậy là chúng tôi bị loại khỏi danh sách DN logistics ưu tiên”, bà Nguyễn Thị Vui, Giám đốc TBS Logistics chia sẻ thêm.

Đại diện DN này cũng tin rằng những DN logistics nội địa quy mô nhỏ nên xác định rõ phân khúc cần tập trung để chuyên môn hóa, không nên dàn trải manh mún, cái gì cũng nhận làm như hiện nay. Có như vậy ngành logistics mới có chuỗi liên kết đủ sức mạnh.

Người đại diện cho Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam, Tổng Thư ký Đào Huy Giám thậm chí còn đặt vấn đề liên kết với các hiệp hội logistics và các hiệp hội ngành hàng quốc tế, bởi uy tín và sự giới thiệu lẫn nhau từ mạng lưới này là vũ khí lợi hại cho người làm logistics Việt Nam.

80% thị phần logistics nằm trong tay DN nước ngoài?

Nhìn vào thực tế hiện nay, nhu cầu liên kết của DN logistics nội địa có phải xuất phát từ áp lực bị chèn ép thị phần đến mức báo động như thông tin lan truyền trong những năm gần đây không? Rằng 80% thị phần logistics tại Việt Nam đang nằm trong tay DN nước ngoài?

Ông Trần Duy Khiêm, Phó Giám đốc Viện Năng suất Việt Nam, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho rằng cần có cái nhìn công tâm hơn với ngành logistics nội địa trước con số này.

Theo báo cáo năm 2014 của nhà nghiên cứu ngành logistics toàn cầu là Transport Intelligence, doanh thu logistics của thị trường Việt Nam là 430 triệu USD. Nhưng khi tiếp cận khảo sát chi tiết thì ông Khiêm tin rằng đây chỉ là con số đại diện cho thị phần của nhóm DN logistics nước ngoài tại Việt Nam. Bởi trong cùng năm 2014, khảo sát của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho thấy tổng doanh số 10 DN nội địa đầu ngành đã vượt 500 triệu USD.

Điều đó cho thấy “bản chất của con số này chưa phản ánh chính xác nội lực hiện nay của các DN logistics Việt Nam”, ông Khiêm nhấn mạnh.

Như vậy, dường như ngành logistics đang có vấn đề về truyền thông. Không chỉ ở khả năng tiếp cận thông tin về nhu cầu của nhà xuất khẩu, của chủ hàng mà còn là truyền thông về năng lực của DN logistics nội địa.