Lợi thế gia công trong TPP

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Do phải gia tăng chi phí sản xuất ở các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan... doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang trở thành điểm gia công của nhiều thương hiệu nước ngoài.

DN Việt Nam đang trở thành điểm gia công của nhiều thương hiệu nước ngoài. Nguồn: internet
DN Việt Nam đang trở thành điểm gia công của nhiều thương hiệu nước ngoài. Nguồn: internet
Bốn mươi năm kinh doanh trong lĩnh vực đồ chơi an toàn cho trẻ nhỏ, Viking Toys (Thụy Điển) có thị trường ở khá nhiều quốc gia và chuyện xuất khẩu sang Mỹ hay Chile cũng là bình thường. Điều làm nên sự khác biệt cho những lô hàng xuất khẩu này là xuất xứ “made in Vietnam”, dù rằng Viking Toys chưa hề đầu tư nhà máy tại đây.

Ông Gosta Kjellme, Giám đốc điều hành Viking Toys tiết lộ, so với việc đầu tư trực tiếp, giải pháp gia công đang vẫn được nhiều DN nước ngoài, trong đó có Viking Toys chọn vừa để hạn chế đối mặt với những rủi ro, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư.
 
Bỏ không ít thời gian khảo sát nhiều nhà máy của DN Việt Nam trước khi ký hợp đồng gia công với nhựa Đại Đồng Tiến, theo vị doanh nhân người Thụy Điển này, với lợi thế nhân công vẫn còn rẻ nhưng trình độ sản xuất không thua thế giới và “nhỉnh” hơn các quốc gia lân cận, việc giao cho DN Việt Nam gia công hàng hóa trong giai đoạn hiện nay là lựa chọn tốt nhất. Phép so sánh mà ông đưa ra là với Thái Lan, quốc gia Viking Toys từng đặt gia công trong 16 năm qua, thì hiện DN nước này đang phải đối mặt với việc tăng giá thành sản xuất do nhân công, chi phí… đều tăng cao. Không dừng lại ở đó, tỷ giá chêch lệch giữa đồng Bath và USD cũng khiến DN đặt hàng thiệt hại không ít.
 
“Gia công ở Việt Nam trong giai đoạn này có thể giúp DN giảm giá thành đáng kể. Ngoài ra, cũng rất tiện để chúng tôi chinh phục thị trường nội địa”, ông Gosta Kjellme cho biết. Nhưng ông thừa nhận, vấn đề gây trở ngại duy nhất là kinh nghiệm sản xuất của DN còn yếu. Cụ thể với trường hợp DN Đại Đồng Tiến, dù đã quen với sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ nhựa, nhưng đơn vị này chỉ được biết đến trong lĩnh vực nhựa gia dụng. Do vậy, những sản phẩm đồ chơi làm từ nhựa nguyên sinh với những đòi hỏi cao như chịu được lực 100kg, an toàn trong khâu tháo lắp… vẫn là thử thách mới.

Tuy nhiên, theo ông Gosta, đây không phải là hạn chế lớn bởi Viking Toys chỉ cần đưa chuyên gia sang Việt Nam chuyển giao công nghệ, với trình độ của nhân lực Việt Nam, việc đón nhận là tương đối dễ dàng. Nhờ đó, 35 container những mặt hàng mới nhất, phục vụ mùa Giáng sinh 2013 của Viking Toys hiện đã sẵn sàng trong kho, đợi ngày xuất xưởng.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  là  hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước hai bờ Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Australia, New Zealand, Peru, Mexico, Canada và Hoa Kỳ. TPP bao gồm 29 chương về rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực phi thương mại như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... Với số lượng thành viên lớn, lại ở nhiều trình độ phát triển khác nhau, mối quan tâm khác nhau trong đó có nhiều nội dung quan trọng và phức tạp như  sở hữu trí tuệ, DN nhà nước, bảo vệ môi trường và tiếp cận thị trường hàng hóa.

Ngoài Viking Toys, một thương hiệu khá lớn của thị trường thời trang thế giới là Woolmark (Australia) cũng chọn Việt Nam làm điểm đến. Tuy nhiên, bước đi của Woolmark không bắt đầu từ việc đặt hàng gia công mà chuyển giao công nghệ để gia công. Thông qua lãnh sự quán Australia, Woolmark đã lựa chọn và đặt quan hệ với khoảng 50 DN dệt may Việt Nam như Len Việt, Đông Phương, Đông Xuân… để trang bị kỹ thuật sản xuất từ lông cừu cao cấp.

Ông Jimmy Jackson, Tổng giám đốc phát triển và thương mại hóa sản phẩm Woolmark chia sẻ, ngành dệt may Việt Nam phát triển tốt trong những năm gần đây, nhưng khả năng chỉ mới dừng ở việc sản xuất từ sợi tổng hợp, chưa tiến đến nguyên liệu xơ tự nhiên, một mặt hàng cao cấp trên thị trường thế giới, trong khi máy móc, thiết bị lại rất hiện đại. Trên nền tảng này, Woolmark đã chuyển giao công nghệ để DN Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất, mở đường cho những đơn đặt hàng gia công sẽ đến trong tương lai gần.
 
Theo vị thương nhân này, thị trường lớn là Trung Quốc đã bão hòa do khả năng gia công không còn hấp dẫn nên DN Australia buộc phải chuyển hướng qua Việt Nam. Nếu các DN Việt đáp ứng được các yêu cầu sản xuất len xơ tự nhiên thì lúc đó cũng hình thành nên lợi thế thị trường, giúp các DN Australia đưa nguyên liệu này sang Việt Nam rồi đưa thành phẩm sang các nước khác.

“Nếu Việt Nam đạt được thỏa thuận trong Hiệp ước TPP thì hàng dệt may còn được hưởng lợi ích về thuế. Nghĩa là len sợi từ Australia sang Việt Nam gia công thành thành phẩm để sang Mỹ, châu Âu… với giá bán tốt hơn hẳn”, ông Jimmy Jackson khẳng định.
 
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, lợi ích lớn nhất của DN Việt Nam là được hưởng trình độ sản xuất mặt hàng dệt may cao cấp, nâng cao khả năng sản xuất. “Gia công mặt hàng cao cấp cũng đồng nghĩa với DN Việt Nam tạo nên giá trị gia tăng cao hơn. Vấn đề là DN Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào”, ông Trường nói.
 
Như vậy, với lợi thế riêng, những đơn đặt hàng gia công tại Việt Nam đều mang lại lợi ích cho cả DN trong và ngoài nước. Đó chính là lý do mà xu hướng này sẽ còn tiếp tục. “Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để trở thành công xưởng mới của thế giới và điều đó đang trở thành sự thật. Thời gian tới, ít nhất sẽ có các DN sản xuất đồ chơi Thụy Điển và Italia đến Việt Nam tìm đối tác. Làn sóng chuyển dịch sang Việt Nam đặt hàng sẽ tiếp tục phát triển”, ông Gosta Kjelime khẳng định